Lưu ý để sử dụng túi sưởi, chăn điện an toàn trong mùa đông
Để chống chọi với cái lạnh của mùa đông, nhiều người tìm mua các loại túi sưởi, máy sưởi, chăn điện. Tuy nhiên không ít các trường hợp bị bỏng từ chính những vật dụng này.
Sử dụng các loại túi sưởi, chăn điện, máy sưởi… đều có thể gặp rủi ro
Theo Kỹ sư điện Lê Thế Cường, Đại học Bách khoa Hà Nội, phân tích thì các loại túi sưởi, chăn điện, máy sưởi… cũng như bất kỳ loại đồ điện nào đều có thể gây ra ra tai nạn cho người sử dụng nếu thiếu hiểu biết về nguyên lý sử dụng của nó.
Với thời tiết giá lạnh như hiện nay ở miền Bắc nước ta, nhiều gia đình đã trang bị cho mình các loại chăn điện, túi sưởi, gối điện… để có thể giữ ấm cho cơ thể. Thế nhưng, không ít người đã từng bị bỏng trong quá trình sử dụng.
Theo nguyên tắc cấu tạo của túi sưởi gồm có cực điện làm nóng trong môi trường nước muối loãng, có rơ le khống chế nhiệt ở khoảng 60-70 độ tuỳ loại sản phẩm. Cấu tạo của túi sưởi thường có bộ phận an toàn cách điện và lớp cách nhiệt là các lớp vải nhựa giữ nước bên trong giúp nhiệt tỏa ra sưởi ấm. Tuy nhiên trong quá trình sử dụng các loại túi sưởi ấm, do nhiều người bất cẩn hoặc thiếu hiểu biết nên rất rễ gây ra bỏng hay nổ như vừa cắm túi sưởi điện vừa ôm, hoặc ôm lên người rồi rút điện nếu chẳng may túi dùng lâu bị hở, bục, rách… sẽ rất dễ gây chập điện. Cũng có những loại túi do rơ-le nhiệt trục trặc không ngắt, làm túi sưởi đạt độ sôi cao hơn bình thường cũng có thể bị vỡ gây ra tai nạn.
Vì vậy, để đảm bảo an toàn, khi đang cắm điện, tuyệt đối không sử dụng túi hay ngồi gần hoặc đặt các vật khác lên túi.. Không nên cắm điện quá lâu, nếu thấy túi phồng hơn bình thường cần phải ngắt điện ngay, kỹ sư Cường phân tích.
Đặc biệt khi sử dụng các loại túi sưởi điện trong qua trình nạp điện cần để túi sưởi ở phía xa các trẻ nhỏ, và thường xuyên được kiểm tra rơ-le chịu nhiệt ngay trước khi rơ-le tự ngắt để đảm bảo an toàn tốt nhất khi sử dụng.
Chăn điện, thảm điện, gối điện… đều có ưu điểm là đưa hơi ấm trực tiếp đến cơ thể chứ không cần phải làm nóng cả không gian phòng nên tiết kiệm điện. Tuy nhiên các thiết bị này đều được thiết kế có dây điện trở ở trong để làm sưởi ấm cho cơ thể để tránh bị nhiễm lạnh.
Vì thế, các sản phẩm này cũng có thể gây nguy hiểm cho người dùng nếu sử dụng không đúng cách. Điều đáng nói là hầu hết các loại chăn điện trên thị trường hiện nay đều không có hướng dẫn sử dụng hoặc in tiếng nước ngoài nên người sử dụng thường dùng theo… cảm tính. Vì vậy chuyện bỏng do các vật dụng này rất dễ xảy ra.
Không ít các trường hợp bị bỏng từ chăn điện, túi sưởi do không biết dùng đúng cách. Ảnh minh họa
Tìm hiểu kỹ trước khi sử dụng
Khi sử dụng các loại thiết bị này cần hết sức cảnh giác vì khi chúng ta đã sưởi ấm lúc chăn điện đã đủ nhiệt, mà thiết bị không tự cắt điện sẽ gây nguy hiểm. Các bác sĩ còn khuyến cáo, đối với những người mắc bệnh đường hô hấp, tim mạch, viêm họng mãn tính, hay bị bệnh ngoài da không nên dùng chăn điện sưởi.
Đối với phụ nữ mới sinh con, trẻ sơ sinh, do khả năng điều tiết nhiệt độ cơ thể rất kém, chăn điện khi sinh ra nhiệt độ khá cao sẽ khiến trẻ sơ sinh có khả năng bị mất nước dẫn tới sốt nóng thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Phụ nữ có thai cũng không nên sử dụng chăn điện sưởi.
Nên trải chăn điện trên nệm cứng, dưới ga giường không trải trực tiếp trên bề mặt để nằm. Để làm nóng chăn, gối nên bật nấc cao nhất để chăn gối nhanh nóng, khi đã đủ ấm thì hạ xuống. Khi ngưng sử dụng, nên rút ra khỏi nguồn điện.
Nếu giặt chăn, gối điện không nên phơi trên dây để tránh bị gập. Ngoài ra, do dây điện trở bằng kim loại, dễ bị gẫy nên người tiêu dùng không nên trải chăn điện trên nệm mềm hoặc giường lò xo.
Không gập chăn, gối điện, túi sưởi thành nhiều nếp gấp vì có thể khiến dây điện bên trong bị hở, gây chập cháy.
Đối với những sản phẩm này tuyệt đối không cho trẻ con chạy nhảy, đùa nghịch bên trên hoặc lấy kim, dao kéo nhọn chọc vào vì dễ gây rò điện, rất nguy hiểm.
Không để trẻ đến gần nơi cắm điện túi sưởi hay chơi đùa nghịch với túi sưởi. Không dùng vật sắc nhọn vạch lên túi, không được để vật nặng đè lên túi, không ngồi lên túi. Tránh gây bục túi dẫn đến bị rò dung dịch, rò điện.
Nếu túi đã bị rò rỉ tuyệt đối không được sử dụng, không đổ dung dịch trong túi ra ngoài, không dùng bất cứ dung dịch nào thay thế dung dịch chuyên dùng của túi để tránh xảy ra sự cố nguy hiểm.