Lương nhân viên ngành nào tăng mạnh nhất, thấp nhất năm 2013?
Hôm qua, 17/10/2013, tại Hà Nội, Công ty tư vấn nhân sự Mercer và đại diện tại Việt Nam - công ty Talentnet, đã công bố Kết quả Khảo sát lương và phúc lợi năm 2013.
Kết quả khảo sát này được tiến hành trên quy mô 418 công ty, đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau, chủ yếu là ngành hàng tiêu dùng nhanh, công nghệ, sản xuất, hóa chất, dược phẩm và dịch vụ tài chính, thu thập dữ liệu lương thưởng từ 1.572 vị trí của hơn 142.587 nhân viên trên khắp Việt Nam.
Theo Mercer, cuộc khảo sát lương và phúc lợi được thực hiện chủ yếu với nhóm công ty cổ phần, doanh nghiệp FDI, tập đoàn đa quốc gia... và không có nhóm doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ 100% vốn.
Năm nay lương tăng thấp hơn năm ngoái
Bà Hoa Nguyễn, trưởng bộ phận Khảo sát lương và Tư vấn nhân sự theo phương pháp Mercer của Talentnet nhận định rằng: “Tương tự như năm ngoái, tỷ lệ tăng lương cao hơn tỷ lệ lạm phát. Tuy nhiên, năm nay tỷ lệ lạm phát được kiểm soát tốt, tiết giảm thấp hơn năm ngoái nên tỉ lệ tăng lương cũng thấp hơn”.
Theo kết quả khảo sát năm nay về mức tăng lương nói chung, các tập đoàn đa quốc gia có mức tăng lương bình quân cho nhân viên là 11,1% (giảm so với mức 12,3% của năm 2012), các công ty trong nước tăng 11,3% (giảm so với 13,4% của năm 2012).
Tuy nhiên, mức tăng lương ở 2 khối doanh nghiệp đã tiệm cận gần nhau hơn, thay vì chênh lệch nhiều như các năm trước, và hứa hẹn cân bằng vào năm 2014.
Ngành ngân hàng, bất động sản và dịch vụ tài chính tăng lương thấp nhất
Khảo sát trên 12 ngành nghề của Mercer và Talentnet năm nay, cho thấy, dược phẩm, sản xuất và hàng tiêu dùng là 3 lĩnh vực chứng kiến mức tăng lương 12%, mức tốt nhất trong năm nay, cũng như các năm trở lại đây. Đây là 3 ngành ít chịu ảnh hưởng của biến động kinh tế.
Không nằm ngoài quy luật đó, 3 ngành chịu tác động lớn nhất từ nền kinh tế trong năm qua là ngân hàng, bất động sản và dịch vụ tài chính cũng là 3 ngành có mức tăng lương thấp nhất, quanh 9%. Mức tăng này giảm sút khá mạnh so với năm 2012.
Phúc lợi cho nhân viên giảm sút
Đối với các gói phúc lợi dành cho nhân viên, hầu hết năm nay không có nhiều thay đổi về tỉ trọng.
Chế độ phúc lợi được các công ty nước ngoài và công ty Việt Nam thực hiện cho nhân viên là “Bảo hiểm tai nạn” và “ bảo hiểm sức khỏe”.
Ngoài ra, đáng chú ý là 2 khoản phúc lợi “xe hơi” và “cho nhân viên vay” được các công ty trong nước lựa chọn cao hơn công ty nước ngoài.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong nước năm nay đã tiết giảm bớt phúc lợi cho nhân viên: Bảo hiểm sức khỏe giảm 8%, bảo hiểm nhân thọ giảm 9% và xe hơi giảm 10%. Thay vào đó là hỗ trợ nhu cầu vay vốn cho nhân viên và đẩy mức này tăng 6%.
Phần đông (71%) các công ty tham gia khảo sát đều thực hiện chế độ trả lương tháng thứ 13, có 3% trả thêm lương tháng thứ 14. Còn lại là số ít trả lương đủ 12 tháng hoặc thực hiện các chế độ trả lương khác. Tỉ lệ này không thay đổi đối với các công ty nước ngoài.
Các trong số công ty trong nước tham gia khảo sát thì tỉ lệ trả lương 13 tháng đã giảm hơn so với năm ngoái 15% và thay vào đó là trả 12 tháng hoặc bằng hình thức trả lương khác.