Luôn tự hào mình khỏe mạnh, người đàn ông bàng hoàng phát hiện ung thư gan sau 2 năm xem nhẹ 1 khó chịu ở da
Không ít bệnh ung thư khó phát hiện ở giai đoạn đầu vì các triệu chứng không rõ ràng, dễ nhầm với bệnh vặt. Tiêu biểu như ung thư gan.
Gan được xem là một trong những “cơ quan câm” vì hình thành bệnh tật, bao gồm cả ung thư trong âm thầm. Có 2 lý do chính dẫn tới tình trạng này: một là gan có khả năng dự trữ rất mạnh và hai là nó không có dây thần kinh cảm nhận cảm giác đau.
Theo bác sĩ Liu Boren (Đài Loan, Trung Quốc), những điều trên dẫn tới rất khó phát hiện bất thường sớm ở gan, phải đến khi bệnh nặng, tổn thương quá lớn mới bùng phát những triệu chứng rõ ràng, cục bộ và tiến triển rất nhanh nên dẫn tới khó kiểm soát. Trên thực tế có những người luôn tưởng mình khỏe mạnh nhưng lại đột ngột phát hiện bệnh gan, ung thư gan ở giai đoạn nặng. Ông Hứa - một bệnh nhân của bác sĩ Liu cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự.
Ông Hứa (Đài Loan, Trung Quốc) khoảng 60 tuổi. Ông luôn tự hào vì có ngoại hình trẻ, sức khỏe tốt hơn rất nhiều so với những người cùng trang lứa. Thậm chí, ông thường xuyên thức khuya, thích nhậu nhẹt với bạn bè nhưng rất ít khi đau ốm, vẫn có thể làm việc tay chân nặng không kém thanh niên ngoài 30 là mấy. Vào 3 tuần trước, ông Hứa đột ngột phát hiện mắc ung thư gan sau một lần đi kiểm tra sức khỏe.
Theo lời ông Hứa kể lại, ông rất khỏe mạnh, chỉ có điều da hơi nhạy cảm, đã chung sống với cảm giác ngứa da được gần 2 năm. Thời gian đầu bị ngứa da, ông có đi khám da liễu và được chẩn đoán mắc bệnh chàm. Ông Hứa dùng thuốc theo chỉ định 2 tháng nhưng không khỏi. Lúc này, thấy cảm giác ngứa không quá nghiêm trọng, mình cũng đã quen dần nên ông Hứa ngừng thuốc và cũng không đi thăm khám thêm.
Cho đến khoảng 4 tháng trước, cơn ngứa da của ông Hứa bắt đầu tăng lên rất nhiều. Ông tự mua thuốc bôi và uống tại hiệu thuốc suốt 3 tháng vẫn không hiệu quả. Người bán thuốc thấy ông Hứa có dấu hiệu vàng da, mệt mỏi rõ ràng nên khuyên ông đi khám gan.
Bác sĩ Liu kể lại: “Trong quá trình thực hiện các kiểm tra, bệnh nhân chỉ cho rằng mình bị nóng gan nên phát ra ngoài da gây ngứa. Đến khi xác định ung thư gan giai đoạn 3 với khối u ác tính 7cm ở gan bệnh nhân vẫn không chấp nhận, liên tục cho rằng đội ngũ y bác sĩ nhầm lẫn. Bởi vì bệnh nhân vốn rất khỏe mạnh, ngoài ngứa da dai dẳng thì trong nhiều năm không bị đau hay có cảm giác khó chịu nào rõ ràng.
May mắn là khối u tại chỗ, chưa di căn tới các hạch bạch huyết hay cơ quan xung quanh. Thể trạng của bệnh nhân rất tốt so với độ tuổi nên phẫu thuật cắt bỏ khối u thành công tốt đẹp. Hiện tại bệnh nhân đã hồi phục và bắt đầu tiếp nhận hóa trị bổ sung”.
Tại sao ung thư gan gây ngứa da?
Bác sĩ Liu cho biết, ngứa da dai dẳng được xem là một trong những triệu chứng đặc hiệu ở những người mắc bệnh về gan, nhất là ung thư gan và xơ gan. Có hai lý do dẫn tới tình trạng này.
Thứ nhất, khi chức năng gan bị suy giảm sẽ gây ảnh hưởng đến việc lọc và đào thải độc tố của gan. Chất độc hại lúc này sẽ bị tích tụ trong cơ thể, qua thời gian gây ra những biểu hiện bất thường là những nốt sẩn ngứa xuất hiện trên bề mặt da. Thứ hai, khi gan bị tổn thương dễ dẫn tới ống dẫn mật bị tắc nghẽn, axit mật do gan sản xuất sẽ tràn vào hệ tuần hoàn máu gây ngứa da và vàng da toàn thân.
Điểm khác biệt của ngứa da do bệnh gan là đi kèm vàng da, ngứa dai dẳng và có thể xuất hiện các nốt mẩn đỏ, không thuyên giảm khi dùng thuốc ngoài da. Các vết xước trên da thường rõ ràng do triệu chứng này. Bên cạnh đó, có một số triệu chứng sớm của ung thư gan cần chú ý như: mệt mỏi, chán ăn, lòng bàn tay mẩn đỏ, nước tiểu sẫm màu, tức/đau nhẹ vùng bụng trên bên phải…
Thông qua ca bệnh của ông Hứa, bác sĩ Liu cũng nhắc nhở chúng ta không nên chủ quan với cảm giác ngứa da dai dẳng, ngứa không rõ nguyên nhân. Ngoài ung thư gan, ngứa da còn có thể “ám chỉ” 3 bệnh ung thư khác như: ung thư tuyến tụy, ung thư ống mật, ung thư hạch. Khi bị suy giáp, tiểu đường, rối loạn chức năng thận… cũng có thể gây ngứa da dai dẳng. Vì vậy, điều quan trọng nhất là không nên chủ quan, nên đi thăm khám sớm, nhất là nếu dùng thuốc ngoài da không hiệu quả.
Nguồn và ảnh: Skypost, Health 2.0