Luật sư tiết lộ tình tiết cảm động liên quan “nữ tướng” Xuyên Việt Oil
Gia đình Nguyễn Thị Như Phương vừa nộp 20 triệu đồng khắc phục hậu quả vụ án, trong đó 15 triệu đồng là tiền bị cáo gửi về cho cha mua thuốc chữa bệnh.
Chiều 26-11, TAND TP HCM tiếp tục phiên xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh, cựu Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty Xuyên Việt Oil, cùng 14 đồng phạm.
Mong cơ hội làm lại cuộc đời
Tại tòa, đại diện VKS đã bác bỏ quan điểm của người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thị Như Phương (cựu Phó Giám đốc Xuyên Việt Oil, bị đề nghị mức án 6-7 năm tù về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí"). Đại diện VKS cho rằng bà Phương có vai trò không đáng kể trong vụ án và không đủ căn cứ để kết luận bà là đồng phạm với bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh.
Sau đó, các luật sư tiếp tục tham gia tranh luận.
Tiếp tục bào chữa cho bị cáo Phương, luật sư cho rằng cần phải xem xét vai trò của bà ta trong bối cảnh là người làm thuê với kiến thức hạn chế. Luật sư dẫn lời bị cáo Phương đã trình bày trước đó rằng Hạnh nhận thấy gia đình bà gặp khó khăn và đã nhận bà vào làm việc tại công ty từ năm 2017. Sau 3 năm làm việc, bà Phương được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc.
Bà Phương khai "Bị cáo từ quê lên, kiến thức và hiểu biết còn hạn chế, quá trẻ, thiếu kinh nghiệm. Chị (Hạnh) bảo làm Phó Giám đốc thì làm, chị bảo gì thì làm theo. Các Phó Giám đốc khác trong công ty cũng làm như vậy. Chỉ khi làm việc với cơ quan an ninh điều tra, bị cáo mới biết những hành vi đó là sai phạm".
Luật sư cũng đề cập một tình tiết đáng chú ý trong phiên tòa. Theo đó, gia đình bị cáo Phương vừa nộp 20 triệu đồng để khắc phục hậu quả vụ án cho bị cáo này. Luật sư kể rằng trong đó có 15 triệu đồng là tiền mà Phương từng gửi về nhà cho cha sau thời gian làm việc tại TP HCM, mục đích cho ông mua thuốc khi ông bị tai biến nhưng ông không dùng tới. Đến nay, trong hoàn cảnh vụ án, người cha mong muốn dùng số tiền này để giúp con gái khắc phục hậu quả.
Trước tình cảnh ấy, luật sư đã góp thêm 5 triệu đồng để hỗ trợ bị cáo Phương nhằm giúp gia đình khắc phục phần nào hậu quả. Luật sư khẩn thiết đề nghị HĐXX xem xét công tâm và mong rằng thân chủ sẽ nhận được sự khoan hồng, có cơ hội làm lại cuộc đời.
Bản chất việc đưa tiền
Đối với bị cáo Lê Đức Thọ, cựu Bí thư Tỉnh uỷ Bến Tre, luật sư đã đưa ra 6 luận điểm bào chữa. Trong đó, VKS chỉ đối đáp 3/6 luận điểm.
Đại diện VKS ghi nhận phần bào chữa của luật sư cho bị cáo Thọ và đưa ra phản hồi đối với 3 luận điểm. Về luận điểm cho rằng ông Thọ không có thẩm quyền cá nhân trong việc phê duyệt hạn mức tín dụng và không can thiệp trái pháp luật vào quá trình này, VKS cho rằng với tư cách Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT), ông Thọ có quyền triệu tập và điều hành các cuộc họp HĐQT để quyết định cấp hoặc gia hạn hạn mức tín dụng. Ông Thọ có quyền bỏ phiếu đồng ý hoặc không đồng ý với các quyết định liên quan đến doanh nghiệp.
VKS nhấn mạnh rằng lỗi của ông Thọ là nhận tiền từ bà Hạnh và đồng ý kéo dài thời gian gia hạn mức tín dụng cho Công ty Xuyên Việt Oil. Mặc dù không có thẩm quyền cá nhân để phê duyệt nhưng ông Thọ đã bỏ phiếu đồng ý và ký quyết định cấp hạn mức tín dụng, điều chỉnh thời gian và giới hạn tín dụng cho công ty. Việc nhận tiền và bỏ phiếu đồng ý đã cấu thành hành vi phạm tội.
Ngoài ra, về việc luật sư cho rằng những lần bà Hạnh tặng quà cho ông Thọ chỉ là quà tình cảm chứ không phải hành vi phạm tội, VKS phản bác rằng Hạnh đã thừa nhận đưa tiền cho Thọ trong hai giai đoạn. Trong giai đoạn 1, mục đích đưa tiền là để xin cấp hạn mức tín dụng, gia hạn hạn mức tín dụng, nới lỏng điều kiện vay và nâng tín chấp lên 30%; đồng thời cũng có mục đích chúc mừng ông này được bổ nhiệm Chủ tịch HĐQT. Tuy nhiên, thực tế là ông Thọ đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc cấp tín dụng và kéo dài thời gian duy trì hạn mức tín dụng cho Công ty Xuyên Việt Oil.
Trong giai đoạn 2, ông Thọ đã tác động ngân hàng để Công ty Việt Oil (công ty con của Xuyên Việt Oil) vay số tiền 400 tỉ đồng với điều kiện ưu đãi tín chấp 40%, trong khi công ty mẹ chỉ được cấp tín dụng với tín chấp 20%. VKS cho rằng dù bị cáo Hạnh khai rằng việc đưa tiền cho ông Thọ ở giai đoạn 1 chỉ là để chúc Tết nhưng đó chỉ là cái cớ. Mục đích thực sự của việc đưa tiền là để tác động, thúc đẩy việc cho vay.
Về quan điểm của luật sư cho rằng việc truy tố ông Thọ về tội nhận hối lộ và lợi dụng chức vụ là không thuyết phục, VKS khẳng định việc truy tố hai tội danh, trong hai giai đoạn, là đúng người, đúng tội và không có bất kỳ sự bất lợi nào cho bị cáo. Đối với các quan điểm bào chữa khác, VKS không đưa ra phản hồi.