Luật sư nói gì về trường hợp TikToker Nờ Ô Nô?
Một số bạn đọc cho rằng mức xử phạt TikToker Nờ Ô Nô là còn nhẹ, đồng thời thắc mắc yếu tố nào thì sẽ bị xử lý hình sự.
Mới đây, Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM đã xử phạt Phạm Đức Tuấn (TikToker Nờ Ô Nô) 30 triệu đồng vì đăng clip với nội dung "Giữa Hoàng Mobi và Bác Hồ Chí Minh thì bạn sẽ chọn ai", "Giữa Lê Tuấn Khang và Bác Hồ Chí Minh thì em sẽ chọn ai" trên kênh TikTok "Tuấn không cận".
Đáng nói, Phạm Đức Tuấn từng có kênh Tiktok Nờ Ô Nô, đã bị Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM phạt 7,5 triệu đồng vì đăng tải loạt video có nội dung không tôn trọng người già neo đơn.
Một số bạn đọc cho rằng xử phạt như thế là còn quá nhẹ với Phạm Đức Tuấn, đồng thời thắc mắc yếu tố nào thì sẽ bị xử lý hình sự?
Liên quan thông tin trên, luật sư Đào Thị Bích Liên, Văn phòng Luật sư Hà Hải và Cộng sự, nhìn nhận trường hợp của Phạm Đức Tuấn dù nội dung clip đăng tải mang tính xúc phạm đến danh nhân, lãnh tụ nhưng chưa đến mức độ nghiêm trọng để xử lý hình sự.
Phạm Đức Tuấn cũng đã chủ động gỡ bỏ nội dung sai phạm, chủ động hợp tác với cơ quan chức năng, thể hiện thái độ khắc phục.
Tuy nhiên, luật sư lưu ý nếu hành vi xúc phạm danh nhân, lãnh tụ gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vi phạm nhiều lần, người thực hiện có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 331 Bộ Luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về tội "Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân".
Xét hành vi cấu thành tội phạm, người có hành vi lợi dụng mạng xã hội hoặc phương tiện truyền thông để đăng tải thông tin sai sự thật hoặc xúc phạm nghiêm trọng đến danh nhân, lãnh tụ; hành vi gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự xã hội hoặc uy tín của tổ chức, cá nhân thì khung hình phạt là cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Nếu phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng, mức phạt tù từ 2 đến 7 năm.
Để chuyển từ xử lý hành chính sang xử lý hình sự, cần xem xét hành vi vi phạm có tính chất nghiêm trọng hay không; có ảnh hưởng tiêu cực lớn đến xã hội, đến danh dự và hình ảnh của lãnh tụ, danh nhân...?
"Nếu Phạm Đức Tuấn tiếp tục tái phạm, vi phạm nhiều lần hoặc gây ra hậu quả nghiêm trọng, hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 331 Bộ Luật Hình sự" - luật sư Đào Thị Bích Liên nhấn mạnh.
Theo luật sư, mỗi cá nhân cần ý thức trách nhiệm khi sử dụng mạng xã hội, không nên lợi dụng các nền tảng truyền thông để đăng tải nội dung sai trái hoặc kích động dư luận.
Trường hợp của TikToker Nờ Ô Nô là bài học cảnh tỉnh cho nhiều người. Dù đã bị xử lý hành chính nhưng nếu tiếp tục tái phạm hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, việc xử lý hình sự là hoàn toàn có thể xảy ra.
Vì vậy, hãy sử dụng quyền tự do ngôn luận một cách đúng đắn, tuân thủ pháp luật và góp phần xây dựng một môi trường mạng lành mạnh, văn minh. Tôn trọng lịch sử, tôn vinh danh nhân là cách mỗi người thể hiện lòng yêu nước và trách nhiệm với xã hội.