3 lần bị xóa kênh của TikToker Nờ Ô Nô vì loạt content độc hại, cộng đồng nói “cần mạnh tay hơn!"

Phạm Trang,
Chia sẻ

Không ít người vẫn đang cảm thấy, những biện pháp xử phạt hành chính mà nam tiktoker Tuấn không cận (hay Nờ Ô Nô) này phải chịu vẫn chưa đủ sức nặng.

3 lần bị xoá kênh Tiktok, 2 lần bị xử phạt hành chính với tổng số tiền nộp phạt là 37,5 triệu đồng… tuy nhiên, nhiều người vẫn cho rằng đây vẫn là những hình phạt khá nhẹ nhàng với những gì nam Tiktoker Phạm Đức Tuấn thường được biết đến với cái tên Tuấn không cận (hay Nờ Ô Nô) này đã làm trong 2 năm qua.

3 lần bị xóa kênh Tiktok

Có lẽ đây là “thành tích” hiếm thấy một Tiktoker nào đạt được. Không chỉ đơn giản là bị xoá mà hầu như lần nào cũng bởi một nguyên nhân khiến cả cộng đồng mạng bức xúc.

Ngày 28/11/2022, kênh Tiktok với hơn 600.000 người theo dõi của nam thanh niên lần đầu “bay màu” bởi nội dung miệt thị người nghèo.  

3 lần bị xóa kênh của TikToker Nờ Ô Nô vì loạt content độc hại, cộng đồng nói “cần mạnh tay hơn!" - Ảnh 1.


Kết quả, bên cạnh việc khoá kênh Tiktok, nam thanh niên đã nhận về một biên bản xử phạt bởi hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc với mức phạt tiền 7,5 triệu đồng.

Lần thứ hai, ngày 06/01/2023, kênh Tiktok lập ra chỉ với mục đích đăng tải lại những video cũ với hơn 50.000 người theo dõi cũng bị “xoá sổ”.

Và lần thứ 3, ngày 05/12/2024, dù đã cán mốc 1,3 triệu người theo dõi với cái tên mới “Tuấn không cận” nhưng vẫn tiếp tục bị cấm hoạt động với nguyên nhân khiến bất cứ ai cũng không thể chấp nhận - bôi nhọ lãnh tụ. 

3 lần bị xóa kênh của TikToker Nờ Ô Nô vì loạt content độc hại, cộng đồng nói “cần mạnh tay hơn!" - Ảnh 2.


Cụ thể, Tiktoker này đã đăng tải các video clip với nội dung “Giữa Hoàng Mobi và Bác Hồ Chí Minh thì bạn sẽ chọn ai”, “Giữa Lê Tuấn Khang và Bác Hồ Chí Minh thì em sẽ chọn ai” có kèm hình ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh khiến dư luận không khỏi phẫn nộ trước hành vi câu view bất chấp này. Dù trước khi bị khoá tài khoản Tiktok, nam thanh niên này đã xóa đoạn video gây tranh cãi cũng như gửi lời xin lỗi, nhưng tất cả đều chưa đủ.

Ngay trong chiều ngày 5/12, nam thanh niên đã bị xử phạt vi phạm hành chính đối về hành vi cung cấp thông tin xúc phạm danh nhân, anh hùng dân tộc mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Tổng số tiền xử phạt hành chính là 30 triệu đồng.

Luật sư nói gì?

Trao đổi với chúng tôi, luật sư Diệp Năng Bình – Trưởng VP Luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP HCM) cho hay, lãnh tụ của dân tộc là hình ảnh của sự cao quý và thiêng liêng đối với chúng ta, không một cá nhân đơn lẻ nào có thể mang ra để so sánh với hình ảnh ấy.

Người đăng tải video có hình ảnh lãnh tụ kèm nội dung so sánh, không chỉ vi phạm về mặt đạo đức, mà nó có tác động rất lớn đến nhận thức, gây ảnh hưởng xấu đến xã hội. Hành vi trên sẽ bị xử lý theo luật an ninh mạng, thậm chí còn bị xử lý hình sự.

3 lần bị xóa kênh của TikToker Nờ Ô Nô vì loạt content độc hại, cộng đồng nói “cần mạnh tay hơn!" - Ảnh 3.


Theo luật sư Bình, căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Luật an ninh mạng 2018 có nêu rõ, nghiêm cấm sử dụng không gian mạng để xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc.

Đồng thời, tại Điều 16 và Điều 18 Luật an ninh mạng 2018 cũng có quy định hành vi xúc phạm dân tộc, quốc kỳ, quốc huy, quốc ca, vĩ nhân, lãnh tụ, danh nhân, anh hùng dân tộc là một trong những dạng thông tin có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và bị nghiêm cấm.

Theo đó, tùy theo tính chất và mức độ hậu quả của hành vi đó mà cá nhân có hành vi xúc phạm lãnh đạo có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cụ thể như sau:

Xử phạt hành chính hành vi xúc phạm lãnh tụ, lãnh đạo trên mạng xã hội

Căn cứ khoản 7 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP có quy định phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau.

Tuyên truyền, kích động bạo lực; truyền bá tư tưởng phản động mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;

Cung cấp thông tin, hình ảnh vi phạm chủ quyền quốc gia; xuyên tạc sự thật lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, danh nhân, anh hùng dân tộc mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.”

Từ quy định nêu trên, có thể thấy, hành vi sử dụng hình ảnh, video để bôi nhọ, xúc phạm lãnh tụ mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị phạt tiền từ 50 đến 70 triệu đồng. Bên cạnh đó, người vi phạm còn bị buộc phải gỡ thông tin xuyên tạc và có thể tịch thu phương tiện vi phạm.

Truy cứu trách nhiệm hình sự với hành vi xúc phạm lãnh tụ, lãnh đạo

Luật sư Diệp Năng Bình cho biết, trường hợp nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, người xúc phạm lãnh đạo có thể bị xem xét, truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân quy định tại Điều 331 Bộ Luật Hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung bởi Luật sửa đổi Bộ Luật Hình sự 2017 như sau:

Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

Theo đó, đối với hành vi xúc phạm lãnh tụ, lãnh đạo đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm thì người vi phạm có thể bị phạt từ từ 06 tháng đến 03 năm. Trường hợp gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự và an toàn xã hội thì có thể bị xử phạt lên đến 07 tù.

Cộng đồng mạng bức xúc, nói cần mạnh tay xoá thẳng

Dù không trực tiếp bôi nhọ hay xúc phạm nhưng việc đưa lãnh tụ của đất nước, anh hùng dân tộc ra để “câu view” là hành vi không thể chấp nhận đối với bất cứ ai. Chính bởi vậy, những lời xin lỗi, việc xóa kênh hay thậm chí số tiền phạt hành chính với nhiều người là đáp án nhưng chưa thể thoả mãn, đặc biệt là với người đã vi phạm lần thứ hai như nam tiktoker này.

3 lần xóa kênh hay số tiền phạt 30 triệu đồng có thể đã là đúng người, đúng tội nhưng chẳng có gì là chắc chắn sẽ không có lần thứ 4 của Nờ Ô Nô hay nhiều Nờ Ô Nô khác với tư duy tương tự xuất hiện khi hình phạt này vẫn khá nhẹ so với sức nặng mà những lượt xem, lượt theo dõi… mang lại.

Lan Hương (27 tuổi, Hà Nội) cho biết: “Tưởng rằng Nờ Ô Nô sau lần đầu sẽ rút được kinh nghiệm về lời ăn tiếng nói của bản thân cũng như chín chắn hơn trong suy nghĩ nhưng dường như mọi kỳ vọng đó đều là quá đáng. Số tiền 7,5 triệu đồng lần phạt đầu tiên là chưa đủ nên mới có lần thứ 2 với những phát ngôn còn nghiêm trọng hơn như này.

Mình nghĩ nên cấm hẳn người này sử dụng một số nền tảng mạng xã hội cũng như hạn chế người tiếp cận nội dung. Cùng với đó, đây cũng là bài học cho các nền tảng mạng xã hội hiện tại trong việc quản lý nội dung đăng tải.”

3 lần bị xóa kênh của TikToker Nờ Ô Nô vì loạt content độc hại, cộng đồng nói “cần mạnh tay hơn!" - Ảnh 5.

Tài khoản có tới 1,3 triệu lượt theo dõi của Nờ Ô Nô trước khi bị khoá

“Mong các nhà sáng tạo nội dung dù là trên bất cứ nền tảng nào cũng nên sáng suốt với những gì mình đã, đang và sẽ phát ngôn. Với riêng cá nhân Nờ Ô Nô dù đã xin lỗi nhiều nhưng có vẻ bạn ấy không hề rút được ra bài học nào. Có thể thấy, dù qua 2 lần xoá kênh đầu, đến hiện tại ở lần thứ 3, số người theo dõi đã tăng lên gấp đôi, vậy lần xoá kênh và lần phạt đầu tiên có tác dụng gì?

Lợi nhuận, sự nổi tiếng … từ mạng xã hội là quá lớn khiến nhiều người vẫn tiếp tục tái diễn dù biết sai. Tốt nhất nên cấm các hoạt động kiếm tiền từ Tiktok hay các nền tảng mạng xã hội khác đối với cá nhân Nờ Ô Nô cũng như kiểm soát các hoạt động, nội dung đăng tải trong tương lai” - Đ.Tr. (20 tuổi) cho biết.

Sáng tạo nội dung có lẽ là công việc trong mơ của nhiều bạn trẻ trong thời đại 4.0 hiện nay. Vậy nhưng, không phải bất cứ nội dung nào nhận về nhiều lượt tương tác cũng đồng nghĩa với việc bạn được chấp nhận, khi ranh giới giữa sự nổi tiếng và tai tiếng là vô cùng mong manh. Đây chắc chắn sẽ là bài học chung dành cho các nhà sáng tạo nội dung. Đừng để những nội dung bẩn, những suy nghĩ độc hại nhuộm đen danh tiếng và quan trọng hơn là  đạo đức làm người của bản thân.

Chia sẻ