Lừa đảo đi làm "việc nhẹ, lương cao" ở Campuchia: "Chim mồi" và ổ nhóm mua bán người bị xử lý thế nào?

Sông Yên,
Chia sẻ

Làm quen người lạ qua mạng rồi được giới thiệu đi làm 'việc nhẹ, lương cao', nhiều thanh thiếu niên sa bẫy của nhóm buôn người, bị đưa sang Campuchia rồi đẩy vào các casino và nhiều nơi khác lao động khổ sai. Có xử lý được kẻ làm 'chim mồi' không?

Việt Nam có khu vực biên giới đất liền trải dài 25 tỉnh với trên 4.000km, tiếp giáp với 3 nước Lào, Campuchia và Trung Quốc, nhiều đường mòn, tiểu ngạch, lối tắt qua lại, nhất là biên giới, mang đậm nét về mối quan hệ dân tộc, thân tộc lâu đời, cùng với những đặc điểm, yếu tố đặc thù về địa lý, tự nhiên, kinh tế - xã hội là núi liền núi, sông liền sông, rất thuận lợi cho nhân dân các bên biên giới qua lại giao lưu buôn bán, thăm thân…

Lừa đảo đi làm "việc nhẹ, lương cao" ở Campuchia: "Chim mồi" và ổ nhóm mua bán người bị xử lý thế nào? - Ảnh 1.

Hoạt động mua bán người ở khu vực biên giới có chiều hướng gia tăng. (Ảnh minh họa)

Những năm gần đây, hoạt động mua bán người sang các nước lân cận, có đường biên giới liền với Việt Nam có chiều hướng gia tăng, các đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi nhằm che mắt các cơ quan chức năng để đưa nạn nhân qua biên giới. Trong đó, tỷ lệ phụ nữ, trẻ em bị bán sang Trung Quốc cao.

Thời gian gần đây lại phát triển các dịch vụ sòng bạc phía biên giới. Nguyên nhân là do nhiều nước đang thực hiện nhiều cơ chế thúc đẩy phát triển kinh tế biên mậu, xây dựng hạ tầng ở khu vực biên giới đối diện, khuyến khích di giãn dân ra cư trú ở sát biên giới, kéo theo các tệ nạn xã hội nảy sinh khó kiểm soát, phát sinh nhiều người tham gia và thu hút người dân sang lao động làm thuê.

Bên cạnh đó, Việt Nam có hệ thống đường bộ, đường biển và đường hàng không thuận lợi cho việc xuất nhập cảnh. Do vậy, các đối tượng phạm tội cũng lợi dụng việc thông thương này để thực hiện hành vi mua bán người ở phạm vi toàn cầu.

Lừa đảo đi làm "việc nhẹ, lương cao" ở Campuchia: "Chim mồi" và ổ nhóm mua bán người bị xử lý thế nào? - Ảnh 2.

Luật sư Diệp Năng Bình trao đổi với PV Infonet về nạn dụ dỗ, lừa đảo, mua bán người qua Campuchia.

Trao đổi với PV Infonet về vấn nạn đưa người sang nước ngoài rồi đem bán bằng thủ đoạn dụ dỗ "việc nhẹ lương cao", luật sư Diệp Năng Bình – Trưởng VPLS Tinh Thông Luật chia sẻ: “Phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người diễn ra ngày càng tinh vi, xảo quyệt, có tổ chức, có sự cấu kết chặt chẽ giữa người mua và người bán, môi giới, dẫn dắt, hình thành các đường dây tội phạm liên tỉnh và xuyên quốc gia.

Khác với trước đây, việc tiếp cận và làm quen với nạn nhân phải gặp gỡ trực tiếp để rủ rê thì hiện nay ngày càng nhiều đối tượng phạm tội thông qua các trang mạng xã hội và điện thoại thông minh để tiếp cận nạn nhân, hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp với nạn nhân, do đó công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn của lực lượng chức năng gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, tâm lý thích làm ít hưởng nhiều, mong muốn đổi đời, sự nhẹ dạ cả tin của các bị hại đã góp phần làm cho tệ nạn này ngày càng phát triển”.

Nói về xử lý tội phạm mua bán người có liên quan đến yếu tố nước ngoài, luật sư Diệp Năng Bình cho hay, công ước ASEAN về phòng, chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em (ACTIP) được các nhà lãnh đạo ASEAN ký kết vào ngày 21/11/2015 tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 27 tại Kuala Lumpur - Malaysia, Công ước có hiệu lực khi có ít nhất 6 quốc gia phê chuẩn.

Công ước đã thể hiện cam kết mạnh mẽ và một quyết tâm chung chưa từng có của các quốc gia thành viên trong cuộc đấu tranh chống nạn mua bán người.

Với Việt Nam, Chủ tịch nước đã ký Quyết định phê chuẩn Công ước ACTIP vào ngày 13/12/2016.

Ngày 08/3/2017, Công ước này chính thức phát sinh hiệu lực khi Philippines là quốc gia thứ 6 phê chuẩn. Công ước cũng chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày này. Tính đến nay, đã có 9 quốc gia thành viên ASEAN phê chuẩn ACTIP.

Lừa đảo đi làm "việc nhẹ, lương cao" ở Campuchia: "Chim mồi" và ổ nhóm mua bán người bị xử lý thế nào? - Ảnh 3.

Công an TP Sầm Sơn làm việc với một nạn nhân vừa trở về sau khi bị lừa bán sang Campuchia. (Ảnh: Công an Thanh Hóa)

Đối với các hành vi phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam, theo Điều 150 Bộ luật Hình sự, tội mua bán người được quy định như sau: Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc bằng thủ đoạn khác thực hiện một trong các hành vi sau đây thì bị phạt tù từ 5 đến 10 năm: Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác.

Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác. Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người khác để thực hiện hành vi quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản này.

Còn phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 8 - 15 năm: Có tổ chức. Vì động cơ đê hèn. Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%. Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 31% trở lên, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 3 Điều này. Đưa nạn nhân ra khỏi biên giới của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đối với từ 2 đến 5 người. Phạm tội 2 lần trở lên.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 12- 20 năm: Có tính chất chuyên nghiệp. Đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân. Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên. Làm nạn nhân chết hoặc tự sát. Đối với 06 người trở lên. Tái phạm nguy hiểm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 1- 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Đối với các vụ việc dụ dỗ người sang Campuchia làm việc rồi bán cho các casino hay các công ty khác, ép lao động khổ sai để trả nợ hoặc đòi tiền chuộc xảy ra trong thời gian gần đây, cần căn cứ vào kết quả điều tra của cơ quan công an, xác định rõ động cơ phạm tội, hành vi và hậu quả để xác định khung hình phạt theo quy định.

Chia sẻ