LỪA ĐẢO BỦA VÂY, LÀM SAO THOÁT (*): Tiền chảy qua ngân hàng, chặn được không?
Các tổ chức tín dụng - ngân hàng cần có những biện pháp, quy trình chặt chẽ để ngăn chặn lừa đảo và bảo vệ tiền cho khách hàng.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, thời gian gần đây nhiều ngân hàng (NH) thương mại liên tục phát hiện những trường hợp khách hàng suýt bị lừa khi tới quầy giao dịch yêu cầu chuyển tiền với thái độ, hành vi không bình thường…
Nhiều chiêu chiếm đoạt tiền ngân hàng
Nhân viên một NH ở TP HCM kể có trường hợp khách hàng nữ bị kẻ gian mạo danh cơ quan cảnh sát điều tra lừa chuyển tiền. Chồng của nữ khách hàng đã cố can ngăn, giải thích nhưng người này nhất định không nghe, nhất quyết yêu cầu phải ra NH để chuyển tiền cho kẻ gian. Nhân viên NH cũng cản, nói đây là chiêu lừa đảo và khuyên khách hàng này về nhà, đừng chuyển tiền nữa nhưng sau đó người này vẫn âm thầm tới chi nhánh khác của NH để chuyển tiền cho kẻ gian vì lo sợ. Cuối cùng là mất tiền oan!
Mọi thủ đoạn của kẻ gian đều nhằm mục đích chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng của người dùng. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Mới đây, Bộ Công an lên tiếng cảnh báo người dân về thủ đoạn mạo danh công ty tài chính, NH thương mại chào mời vay tín chấp với lãi suất thấp, thủ tục đơn giản. Các đối tượng lừa đảo tạo hàng ngàn tài khoản Facebook với các nguồn thông tin giả và tham gia vào các hội nhóm, diễn đàn, đăng bài quảng cáo cho vay tín chấp, như: thủ tục vay đơn giản, không cần gặp trực tiếp, nợ xấu vẫn vay được, không thế chấp, không thẩm định, chỉ cần CMND/CCCD và có tài khoản ngân hàng, thẻ ATM là có thể vay được tiền...
Khi "con mồi" sập bẫy, các đối tượng dụ người vay chuyển tiền phục vụ xác minh, duyệt khoản vay nhanh, giải ngân nhanh hoặc thủ tục vay gặp trục trặc, cần thêm tiền để duyệt sớm… "Với thủ đoạn lừa đảo tinh vi trên, người bị hại không những mất tiền mà còn bị mất toàn bộ thông tin cá nhân, tiềm ẩn nguy cơ tiếp tục bị lợi dụng để phục vụ cho các hoạt động vi phạm pháp luật khác như đăng ký sim không chính chủ, đăng ký mở tài khoản NH, ví điện tử phục vụ các hoạt động lừa đảo, rửa tiền, cá độ trực tuyến" - Bộ Công an cảnh báo.
Ngoài ra, một thủ đoạn khác liên quan việc cài đặt ứng dụng giả mạo cơ quan thuế nhằm đánh cắp thông tin cá nhân, tài khoản NH và chiếm đoạt tài sản của người dùng. Theo đó, để lừa đảo người dùng, kẻ gian mạo danh cán bộ thuế liên hệ với người dùng qua nhiều hình thức như gọi điện, nhắn tin với các lý do hỗ trợ quyết toán thuế, đề nghị cập nhật thông tin khai thuế, hỗ trợ thủ tục hoàn thuế... và cung cấp các đường link tải ứng dụng thuế giả mạo.
Khi người dùng cài đặt, ứng dụng thuế giả mạo chứa mã độc yêu cầu cho phép truy cập các ứng dụng trên thiết bị máy tính cá nhân, điện thoại, lập tức kẻ gian sẽ chiếm đoạt quyền sử dụng ứng dụng và rút hết tiền trong tài khoản của người dùng.
Cần vào cuộc mạnh mẽ
Theo ông Đoàn Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin - NH Nhà nước, NH luôn là mục tiêu số 1 của tội phạm công nghệ. Dù công nghệ được đầu tư phát triển đến đâu thì cũng chỉ ngăn chặn loại tội phạm này ở mức độ nhất định. Khi các NH thương mại tập trung nâng cấp công nghệ hiện đại, chặt chẽ hơn thì tội phạm công nghệ sẽ chuyển hướng tấn công vào những lỗi bất cẩn của khách hàng.
Theo ông Hải, các NH cần đặt ngưỡng giao dịch buộc phải xác minh chính chủ để vô hiệu hóa nạn cho thuê, cho mượn tài khoản nhận tiền lừa đảo. Nếu xác minh không đúng, NH có quyền tạm dừng giao dịch và yêu cầu xác thực tại quầy.
Nghị định 13 của Chính phủ về bảo vệ dữ liệu cá nhân vừa có hiệu lực từ ngày 1-7 cũng yêu cầu các NH thương mại phải bảo vệ khách hàng trước nạn lừa đảo, liên tục quét các giao dịch đáng ngờ, nếu phát hiện phải dừng ngay giao dịch...
Để tiếp tục góp phần ngăn ngừa, hạn chế việc mở, sử dụng tài khoản thanh toán cho mục đích gian lận, lừa đảo, bất hợp pháp, NH Nhà nước yêu cầu các NH thương mại, chi nhánh NH nước ngoài rà soát quy trình, quy định nội bộ về mở, sử dụng tài khoản thanh toán và chỉ đạo cán bộ, nhân viên trong toàn hệ thống thực hiện nghiêm trình tự, thủ tục mở tài khoản theo quy định. Không được mở tài khoản thanh toán theo danh sách khách hàng lập sẵn, bảo mật thông tin khách hàng mở tài khoản.
Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán - NH Nhà nước, yêu cầu đối với các tài khoản thanh toán nghi ngờ nguồn tiền chuyển vào không hợp pháp, tổ chức tín dụng cần yêu cầu khách hàng ra quầy giao dịch để xác minh lại thông tin, dừng cung cấp dịch vụ trên Mobile banking hoặc yêu cầu xác thực giao dịch thanh toán kênh điện tử bằng yếu tố sinh trắc học hoặc sử dụng chữ ký số, dừng giao dịch nếu chưa có đủ căn cứ xác đáng…
Ngoài ra, các NH thương mại cần chủ động nghiên cứu, xây dựng, áp dụng các biện pháp quản lý rủi ro trong hoạt động mở, sử dụng tài khoản thanh toán nhằm phát hiện, ngăn ngừa các hành vi gian lận, lừa đảo, lợi dụng tài khoản thanh toán cho mục đích bất hợp pháp. Trong đó, bao gồm việc xây dựng, áp dụng bộ tiêu chí nhận diện các tài khoản thanh toán có dấu hiệu nghi ngờ gian lận, lừa đảo trên cơ sở tham khảo các dấu hiệu lừa đảo; thường xuyên cập nhật các dấu hiệu trong bộ tiêu chí và phổ biến quán triệt trên toàn hệ thống để áp dụng thống nhất bộ tiêu chí.
Một trong những biện pháp bảo mật đang được các tổ chức tín dụng triển khai là định kỳ hằng tháng cung cấp thông tin về các tài khoản thanh toán có dấu hiệu nghi ngờ liên quan đến giao dịch gian lận, lừa đảo cho NH Nhà nước.
Đồng thời, NH Nhà nước cũng sẽ rà soát tổng hợp, xây dựng kho dữ liệu chung về tài khoản thanh toán có dấu hiệu nghi ngờ gian lận và nghiên cứu để có cơ chế chia sẻ thông tin với các tổ chức tín dụng nhằm góp phần ngăn ngừa hoạt động gian lận, lừa đảo qua tài khoản thanh toán.
Giả mạo nhân viên ngân hàng
Nhiều NH cảnh báo tình trạng lừa đảo thông qua hình thức mạo danh nhân viên NH yêu cầu khách hàng quét mã QR, chụp mặt trước, mặt sau CMND/CCCD, hình ảnh khuôn mặt; đề nghị khách hàng cung cấp thông tin thẻ, số OTP hoặc thông tin tài khoản NH... Ngay khi khách hàng cung cấp các thông tin, đối tượng sẽ chiếm đoạt quyền sử dụng thẻ, tài khoản NH để lấy tiền.