Long An: Bất chấp giông gió, nhiều người đổ xô đi xem “thiên cổ kỳ hoa” 3.000 năm mới nở một lần?
Nghe tin hoa ưu đàm (loài hoa theo truyền thuyết nhà Phật 3.000 năm mới nở một lần) nở rộ tại một ngôi chùa hẻo lánh ở xã Hòa Khánh Tây, bất chấp thời tiết giông gió, rất nhiều người đã không quản đường sá xa xôi đến xếp hàng ngắm hoa cầu may mắn.
Hai ngày qua, tại một ngôi chùa hẻo lánh tại xã Hòa Khánh Tây (huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) bất ngờ trở nên náo nhiệt khi thông tin về một loài hoa cực kỳ linh thiêng trong truyền thuyết nhà Phật – hoa ưu đàm đang nở rộ tại đây được truyền đi. Hàng trăm lượt du khách đã lặn lội từ khắp các nơi, bất chấp thời tiết để tìm đến tận nơi mà thưởng lãm loài hoa quý được mệnh danh là "thiên cổ kỳ hoa".
Hoa ưu đàm
Đông đảo người dân kéo đến xem hoa lạ.
Tưởng váng nhện, ai ngờ là hoa ưu đàm?
Theo ghi nhận của chúng tôi vào chiều 23-5, chỉ trong ít phút đã có đến hai đoàn xe lớn từ huyện Cần Đước (Long An) và quận 5 (TP.HCM) tìm đến chùa, dù con đường dẫn vào đây đang thi công, dọc đường có rất nhiều ổ gà, ổ voi lổm chổm, và trước đó vừa có một cơn mưa khá nặng hạt. Khuôn viên ngôi chùa nhỏ bé, cũ kỹ nhanh chóng được lấp đầy. Vì không còn ghế ngồi, nhiều người khi vào trong phải đứng xếp hàng rồng rắn trước một pho tượng Phật lớn. Cạnh bên, các ni sư trong chùa tay đã cầm sẵn các đèn pin, sẵn sàng chờ dẫn khách đi chiêm ngưỡng hoa.
Một nhánh cây nhựa trong chùa xuất hiện "hoa ưu đàm".
Trên bệ hoa sen cũng mọc loài hoa này.
Thầy Thích Tâm Đức (86 tuổi, trụ trì ngôi chùa) kể lại, từ hơn một tuần trước, thầy đã phát hiện tại chùa có loài hoa này nhưng tưởng là bụi nên không để ý. Đến khuya 22-5, trong lúc thắp nhang bái Phật, thầy lại phát hiện dưới tòa sen tượng Phật Thích Ca ra một đám cây thân trong suốt, mỏng manh hơn cả cây kim, có bông trắng li ti chiếu sáng như pha lê.
"Hoa ưu đàm" mọc trên nhánh cây cảnh nhựa.
"Mới đầu, tôi còn tưởng đó là chùm bụi nên định lấy tay quẹt đi rồi, may sao lại không làm. Nhưng nghe các đệ tử nói ít ngày trước tại khu vực Vĩnh Lộc A (quận Bình Tân, TP.HCM) xuất hiện hoa ưu đàm được rất nhiều người đến theo dõi nên mới lục tài liệu tìm hiểu và xác nhận đây chính là loài hoa quý 3.000 năm mới nở" - sư trụ trì vui mừng cho biết.
Và cả trên trái đào.
Nghĩ là điềm lành nên ngay trong đêm, các thầy trò trong chùa cùng nhau tìm kiếm và phát hiện tổng cộng có đến 9 điểm hoa, mọc rải rác tại các tượng Phật lớn nhỏ và các nhánh cây, hoa quả giả trong sảnh. Những ngày sau đó, số điểm phát hiện có loài hoa lạ tăng lên 11, rồi 13 điểm. Đến ngày 24-5, nơi đây đã có tổng cộng 15 điểm được cho là có hoa ưu đàm nở.
Thầy Thích Tâm Đức nói về lý do tìm thấy "hoa ưu đàm".
Theo thầy Thích Tâm Đức, thầy tu học đã 80 năm nhưng đây là lần đầu tiên được nhìn thấy loài hoa này.
Đổ xô xem "thiên cổ kỳ hoa"
Sau khi chia sẻ chuyện này với một vài Phật tử thân thiết, thông tin tại chùa xuất hiện hoa quý lập tức được lan truyền trên mạng. Và chỉ hai ngày sau, hàng chục người đã tìm cách đến chùa để xem bằng được loài hoa mệnh danh là "thiên cổ kỳ hoa".
Nhiều người nóng lòng chờ xem hoa.
Tối 23-5, thời điểm chúng tôi có mặt, đám đông theo sự chỉ dẫn của các sư thầy đã bao quanh những nơi được cho là xuất hiện hoa ưu đàm, cố gắng rọi đèn pin để xem cho bằng được. Sau khi ánh sáng chiếu vào, như lời sư thầy nói, những thân cây màu trắng, sợi mảnh, nhỏ li ti hiện lên trong sự trầm trồ của mọi người. Một số phật tử không đủ kiên nhẫn chờ đợi các sư hướng dẫn đã lấy đèn điện thoại để "soi" khắp chánh điện nhằm tìm cho ra hoa quý.
Các phật tử dùng đèn pin soi hoa sau khi được sư thầy chỉ dẫn chỗ có hoa mọc.
Bà Huỳnh Thị Cúc, một phật tử theo đoàn xe từ TP.HCM đến, nói khoe tấm ảnh chụp hoa vừa nói: "Mới chiều hôm qua nghe tin là chúng tôi rủ nhau mướn xe từ quận 5 để hôm nay đi liền. Hồi nào giờ chỉ toàn thấy hoa ở trên mạng chứ chưa từng thấy thực tế. Có lẽ đây là cơ duyên, sống bao nhiêu năm mà tôi mới thấy lần đầu".
Còn anh Cao Trần Vinh thậm chí phải tốn công hơn khi mất hơn 2 tiếng đồng hồ ngồi xe từ Cần Đước (Long An) tìm đến đây chia sẻ: "Lúc mới nghe nói về hoa ưu đàm, tôi cứ tưởng hoa bự lắm kìa, tròn cao như hoa huệ, giờ mới biết nó chỉ như cọng tóc. Đến đây vừa được lễ Phật, vừa được xem hoa quý, vậy cũng vui rồi".
Cùng chúi đầu dưới một tượng Phật xem hoa.
Một người phụ nữ vui mừng khi nhìn thấy hoa vì tin sẽ được may mắn.
Cả trẻ con cũng háo hức xem hoa theo người lớn.
Tương tự, bà Vương Thị Tơ cho biết cũng tạm gác chuyện buôn bán làm ăn một ngày để tranh thủ đi xem hoa, vì nghe nói mấy ngàn năm mới có. "Mặc dù không phải theo đạo Phật nhưng mà tôi vẫn muốn chứng kiến một lần loài hoa này. Sống hơn sáu chục tuổi rồi, đây là lần đầu tiên tôi mới được thấy, chắc hẳn đây là cái duyên, điềm lành sắp đến với mình" - bà Tơ vui mừng nói.
Nhiều người dùng điện thoại lưu giữ hình ảnh về loài thực vật được cho là "Thiên cổ kỳ hoa".
Đến hơn 18 giờ, khuôn viên ngôi chùa vẫn còn rất đông người tụ tập xem hoa.
Tuy nhiên trái với thông tin về sự quý hiếm của loài hoa mà sư thầy cũng như nhiều người nghe được, theo như chúng tôi tìm hiểu, cách đây không lâu, đã có rất nhiều nơi tại Việt Nam như Quảng Ngãi, Hải Phòng, Nghệ An, và kể cả TP.HCM xuất hiện loài hoa được xem là "ưu đàm" này. Mới nhất là vào đầu tháng 2-2017 khi loài hoa trên xuất hiện trên một pho tượng Phật ở Bình Long Tự (TP Phan Thiết), hay một trường hợp khác tại huyện Hàm Thuận Nam (tỉnh Bình Thuận) khi "hoa ưu đàm" mọc trên trái thanh long, thu hút sự hiếu kỳ của rất nhiều người dân.
Hoa ưu đàm có quý hiếm như nhiều người vẫn tưởng?
Nhiều chuyên gia thực vật cho biết, loài cây mà nhiều người cho là hoa ưu đàm thực chất là một loại nấm và không quá hiếm gặp. Từ những năm 1997, người ta đã thấy giống này xuất hiện rải rác ở các quốc gia, vùng lãnh thổ như tại Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Mỹ...
Loài hoa này thường mọc dưới tượng Phật nên được nhiều người cho là linh thiêng.
Giống này thường mọc ở những vị trí đặc thù như trên các thanh sắt thép, lá cây, trên các loại hoa quả và đặc biệt là trên các tượng Phật. Có thể vì lý do này cộng với các ghi chép tôn giáo mà nhiều người thường cho rằng sự xuất hiện của loài này mang yếu tố linh thiêng, thần kỳ.
Cũng theo một quan niệm khác trong Phật giáo, hoa ưu đàm (tiếng Phạn là uḍumbara) có nghĩa là hoa của cây sung, một loài hoa hiếm hoi và mang lại điềm lành. Nhưng nếu chiếu theo nghĩa này thì hoa ưu đàm là tương đối phổ biến.