Lời tâm sự dằn vặt "Mẹ không đủ tự tin về tiếng Anh để dạy con, cũng không dư dả để cho con học trung tâm" và câu trả lời bất ngờ từ chuyên gia
Tâm sự được viết khi đứa trẻ đã ngủ say và người mẹ thì luôn dằn vặt lo rằng con mình sẽ thiệt thòi hơn các bạn khác.
"Mẹ không đủ tự tin về tiếng Anh để dạy con đọc, mẹ cũng không dư dả gì để cho con đi học trung tâm như các bạn khác. Mẹ hứa sẽ làm mọi thứ để có tiền cho con, mẹ hứa!".
Đó là dòng kết của 1 tin nhắn rất dài một người mẹ gửi cho chuyên gia Anh Nguyễn, tác giả của cuốn sách "Làm mẹ không áp lực". Nó được viết khi đứa trẻ đã ngủ say và người mẹ thì luôn dằn vặt lo rằng con mình sẽ thiệt thòi hơn các bạn khác.
Câu trả lời của chuyên gia này đó là: TRẺ KHÔNG CẦN BẠN NHIỀU TIỀN.
Chuyên gia Anh Nguyễn cho rằng:
Điều đứa trẻ thật sự cần không phải ở tiền nhiều hay sự thông minh của người mẹ, mà ở cách nghĩ hướng đến giải pháp tích cực của người mẹ và thời gian thật sự của người mẹ dành cho sự phát triển của người con.
Hơn nữa việc hướng trẻ đến những cách tích cực hơn để học hay giải quyết vấn đề cũng sẽ là hình mẫu tốt để trẻ học được cách suy nghĩ hướng giải quyết sau này, hơn là mình chấp nhận số phận.
Mẹ của Mạnh Tử - Người đã không tiếc cực khổ, tiền của, công sức để "đầu tư" dạy Mạnh Tử thành 1 vị thánh hiền lưu danh ngàn năm - thông qua cách suy nghĩ giải quyết tích cực. Bà không tiếc công chuyển nhà 3 lần chỉ để con bà Mạnh Tử được tiếp xúc và trò chuyện với những nho sĩ, học hành, hơn là phải sống trong môi trường lừa dối gian lận như nhà gần chợ. Thay vì chấp nhận môi trường sống ảnh hưởng đến con bà, bà chọn cách suy nghĩ để biến đổi nó phù hợp hơn.
Có một bài giảng rất hay tôi được nghe cách đây vài năm, đó là: Thay vì tìm cách biến đổi suy nghĩ tiêu cực thành tích cực là rất khó thì việc làm dễ hơn là chọn cách làm tích cực, cách nói tích cực, và hành xử tích cực mỗi ngày một ít, dần dần bạn sẽ có suy nghĩ tích cực sau đó.
Làm cha mẹ cũng vậy, mỗi ngày bạn chọn cách vui chơi, trò chuyện, dạy dỗ trẻ 1 điều gì đó tích cực hoặc đáp ứng lắng nghe một cách tích cực khi trẻ trò chuyện thì việc nuôi dạy con là không quá áp lực.
Đây là những đức tính quan trọng trong hành trình làm cha mẹ, từng được chia sẻ trong hội thảo dành cho hàng trăm cha mẹ trẻ nhằm định hướng giáo dục trẻ tích cực tại BV Northern Lincolnshire, Anh Quốc.
1. Hãy biết đâu là ưu tiên. Ưu tiên của 30 tuổi, sẽ khác 20 tuổi. dĩ nhiên, ưu tiên khi có con sẽ khác mới lập gia đình.
2. Cho trẻ biết sự yêu thương không giới hạn của bạn, nhưng không bằng lời nói, mà chính là hành động và việc làm hằng ngày.
3. Giao tiếp và trò chuyện về cảm nhận của trẻ, chứ không phải là chỉ dành thời gian dạy chữ, dạy toán, tiếng Anh...
4. Cứng rắn trong kỷ luật, nhưng linh hoạt khi trẻ có lí do hợp lý.
5. Cho trẻ không gian quyết định.
6. Biết rõ những giới hạn của bản thân để biết cập nhật và lắng nghe. Cha mẹ không bao giờ là luôn đúng!
Chuyên gia Anh Nguyễn gợi ý những cách để xây dựng ý chí giáo dục ở các bé:
1. Quan tâm và tạo điều kiện đọc sách cho trẻ. Thói quen đọc sách là có thể hình thành từ nhỏ. Nó sẽ khơi nguồn khám phá và sáng tạo ở trẻ. Đọc sách trẻ cũng nhận ra các kỹ năng như cách chọn lọc, đánh giá và sử dụng thông tin.
2. Đừng chỉ quan tâm đến điểm số, mà là công việc con đang làm.
4. Tôn trọng và cho trẻ có ý kiến.
5. Tránh dùng các từ hổ báo để giao tiếp với trẻ. Cha mẹ có tư duy giáo dục cần biết cách sử dụng có giáo dục để giao tiếp với trẻ.
6. Đặt mục tiêu phấn đấu để trẻ có kỳ vọng và cố gắng.
7. Đừng nói các vấn đề làm mất ý chí học tập của con trẻ như phê phán sự ngu dốt của trẻ, so sánh nặng lời với trẻ khác, hay la chửi con ngu khi con không đạt mục tiêu hay gặp khó khăn trong học tập.