Lời kể người tìm cánh tay để nối cho cô gái bị nạn đèo Hải Vân

HẢI HIỂU- TÂM AN,
Chia sẻ

Khi chiếc xe khách bị nạn, một bác sĩ tình cờ đi ngang qua đã giúp cho việc sơ cứu đúng cách và đặc biệt là anh đã góp công rất lớn trong việc tìm ra để nối lại cánh tay của cô gái.

BS Phạm Trần Xuân Anh, Phó giám đốc BV Đà Nẵng, đã chia sẻ như thế về trường hợp của bệnh nhân Ngô Thị Su Sal (SN 1998, quê Kiên Giang), bị đứt lìa cánh tay trái sau vụ tai nạn trên đèo Hải Vân xảy ra hôm 8-1.

Nỗ lực tìm kiếm cánh tay cho cô gái

Sáng 9-1, trao đổi với PLO, anh Nguyễn Xuân Hải (37 tuổi), cho biết lúc xe vừa rơi xuống vực anh cũng vừa có mặt. Anh Hải là bác sĩ đang làm việc ở phòng khám đa khoa Sống Khỏe ở TP Tam Kỳ (Quảng Nam) đang đi học nâng cao chuyên môn ở Huế trên đường về thì gặp vụ tai nạn.

Lời kể người tìm cánh tay để nối cho cô gái bị nạn đèo Hải Vân - Ảnh 1.

Anh Nguyễn Xuân Hải kể lại sự việc. Ảnh: HẢI HIẾU

Theo anh Hải, thời điểm này mọi người trong xe la hét, cầu cứu. Anh Hải bình tĩnh điều động mọi người cứu từng nạn nhân ra ngoài. Riêng có một nữ sinh viên bị ghế đè lên đầu, phía trên là hai người khác đè thêm lên.

Khi đưa hai người phía trên ra nhưng vẫn không kéo được nữ sinh viên ra được vì thân xe đè lên chiếc ghế, kẹt cứng. Anh Hải huy động mọi người có mặt (khoảng 20 người) dùng sức nâng chiếc xe khách lên để kéo nữ sinh viên ra ngoài.

Trong số những sinh viên bị nạn được đưa ra khỏi xe thì có một nữ sinh viên bị mất cánh tay. Nữ sinh viên này lập tức được đưa lên xe vào bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng. Lúc sau, mọi người trên đèo nhận được thông tin từ bệnh viện là phải tìm được phần cánh tay bị rơi tại hiện trường.

Lời kể người tìm cánh tay để nối cho cô gái bị nạn đèo Hải Vân - Ảnh 2.

Vị trí xe vào vách núi là nơi tìm thấy cánh tay nữ sinh. Ảnh: HH

Lúc này, mọi người chưa biết cánh tay ở vị trí nào nhưng anh Hải vẫn gọi anh Cường – một cán bộ bộ đội biên phòng lấy xe máy chạy xuống đèo mua thùng xốp và đá để lúc tìm thấy sẽ ướp vào. Sau nỗ lực tìm kiếm, mọi người thấy cánh tay của nữ sinh viên nằm vắt vẻo trên vách đá, vị trí mà xe va vào vách núi trước khi rơi xuống vực.

Cũng chính anh Hải là người trực tiếp ướp và bưng thùng xốp đựng cánh tay lên xe cấp cứu để chở thẳng vào bệnh viện nối lại cho nữ sinh viên.

“Tôi rất mừng vì nỗ lực của mọi người đã cứu được cánh tay cho cô gái”, anh Hải hồ hởi nói.

Anh Hải cho biết thêm, chiếc xe bị tai nạn chạy trên đèo Hải Vân hướng từ Đà Nẵng về Huế, một bên vách núi, còn bên kia là vực thẳm. Khi xe đang đổ đèo, đến đoạn đường cua, bất ngờ lao qua chiều ngược lại, đâm vào vách núi. Kính chắn gió vỡ nát, nhiều phụ tùng rơi vãi tại vách núi này.

Khi xe tựa vào vách núi thì cánh tay của cô gái này bị cứa đứt, dính lại. Xe tiếp tục lao sang làn ngược lại, húc đổ taluy rồi đâm xuống vực sâu khoảng 30 m mới dừng lại. Một số sinh viên đã bị rơi lại lúc xe trượt xuống vực, còn đa phần mắc kẹt trong xe.

5 giờ "tìm lại" cánh tay cho cô gái

Trao đổi với PV, BS Phạm Trần Xuân Anh cho hay bệnh nhân Ngô Thị Su Sal nhập viện khoảng 13 giờ 30 ngày 8-1 trong tình trạng mất một phần cánh tay trái. Phần tay còn lại bị tổn thương, dập nát nghiêm trọng.

Bệnh viện Đà Nẵng đã hội chẩn, quyết định thành lập ngay một ekip gồm tám bác sĩ tiến hành phẫu thuật cho nạn nhân. Đồng thời, liên hệ với trung tâm cấp cứu 115 phải tìm bằng được cánh tay và nhanh chóng chuyển về BV Đà Nẵng.

Lời kể người tìm cánh tay để nối cho cô gái bị nạn đèo Hải Vân - Ảnh 3.

BS Phạm Trần Xuân Anh, Phó giám đốc BV Đà Nẵng, chia sẻ thông tin về tình hình sức khỏe của bệnh nhân. Ảnh: T.AN

“Cánh tay được ướp lạnh theo đúng quy trình và chuyển về bệnh viện rất kịp thời. Nhờ vậy mà ca phẫu thuật diễn ra rất thuận lợi. Sau khi xử lý, cắt bỏ một phần hoại tử và nối liền thì cánh tay hiện ngắn hơn 3-5 phân”, BS Xuân Anh chia sẻ.

Theo BS Xuân Anh, sau ca phẫu thuật kéo dài năm tiếng đồng hồ, các bác sĩ đã nối được cánh tay đứt lìa cho cô gái. Trước mắt chi nối liền đã hồng hào nhưng để đánh giá nó có "sống" được hay không thì cần phải tiếp tục theo dõi. Việc hồi phục chức năng của cánh tay sau này là cả quá trình rất dài.

“Nguy cơ xảy ra sau phẫu thuật như tắc mạch nối thì hôm nay đã giảm đi rất nhiều. Sợ nhất lúc này là nguy cơ nhiễm trùng. Bệnh nhân đang ở phòng điều trị đặc biệt, bác sĩ theo dõi sát. Sau này hoại tử phần nào thì mình sẽ cắt lọc, tạo hình che lại phần đó và tập hồi phục chức năng”, ông cho hay.

Lãnh đạo BV Đà Nẵng cũng cho biết sức khỏe của các bệnh nhân còn lại đang có tiến triển tốt. Ngoài hỗ trợ về chuyên môn, Phòng Công tác xã hội (BV Đà Nẵng) đã kịp thời liên lạc với người nhà bệnh nhân để giúp các em sớm ổn định về mặt tinh thần.

“Hầu hết bệnh nhân bị chấn thương phần mềm nên có thể xuất viện ngay. Tuy nhiên, do điều kiện gia đình bệnh nhân đều ở xa, bệnh viện đã thống nhất giữ các em lại để vừa động viên nhau về mặt tinh thần, vừa có điều kiện điều trị tốt nhất”, BS Xuân Anh nói thêm.

Chia sẻ