Lợi dụng hủ tục “bắt vợ” để lừa bán phụ nữ
Các chàng trai người Mông, người Thái thường tổ chức “bắt vợ” vào những chợ phiên chợ xuân. Theo cái lý của họ, phải “bắt vợ” nơi đông người để cả bản làng đều biết và chung vui?
Cán bộ huyện Phong Thổ (Lai Châu) tuyên truyền đến các em học sinh về hệ lụy của nạn tảo hôn. Ảnh: Cao Tuân
“Bắt vợ” giữa ban ngày
Tục “bắt vợ” hay gọi là “trộm vợ” xuất hiện từ lâu và trở thành một bản sắc văn hóa độc đáo của người Mông, người Thái... Trải qua hàng trăm năm, tục lệ này vẫn được duy trì. Tại các tỉnh Tây Bắc, số lượng đồng bào dân tộc thiểu số ở rải rác trên diện rộng. Từ những vùng rẻo cao quanh năm sương mù che phủ như Sapa (Lào Cai) cho đến các huyện có nền kinh tế, văn hóa phát triển như Mộc Châu (Sơn La) thì tục “cướp vợ” vẫn trở thành sự kiện ý nghĩa khi các thế hệ trong bản làng, họ hàng quây quần nhảy múa bên vò rượu cần. Những cuộc vui đó là kết quả của tình yêu đôi lứa, là sự đồng thuận của hai gia đình cho một cuộc hôn nhân đúng theo pháp luật và tục truyền.
Trải qua thời gian, phong tục đẹp này phần nhiều bị biến tướng, kéo theo nhiều hệ lụy khôn lường. Nhiều nữ sinh đang ở độ tuổi 15, 16 đã phải đảm đương vai trò làm vợ, làm mẹ. Chưa kể, nhiều em bị bắt về làm vợ khi không có tình cảm, lấy chồng rồi phải bỏ học để làm lụng, sinh con. Những cô gái tuổi trăng tròn bỗng chốc rơi vào bi kịch cuộc sống. Câu nói của già làng A Bắc chúng tôi gặp trên đường đến huyện Sapa (Lào Cai) rằng “Trai làng lấy vợ sớm để có thêm người làm, vừa sớm sinh con đẻ cái, có thêm nhiều lao động” nghe vừa chua chát vừa xót xa.
Hình ảnh “bắt vợ” ngay giữa thị trấn Sapa (Lào Cai) khiến nhiều người phản đối. Ảnh: Nhà văn Ngọc Hân
Mới đây nhất là ngày mồng 9 Tết Đinh Dậu, ngay tại thị trấn Sapa xảy ra một vụ “bắt vợ” giữa đường thu hút sự chú ý của người dân. Một nữ sinh học lớp 9 Trường THCS thị trấn Sapa đã bị một nhóm người lao vào kéo, bắt giữ để đưa về nhà làm vợ mặc cho cô bé kêu khóc thảm thiết và phản đối quyết liệt. Sau gần 2 tiếng đồng hồ giằng co, cô bé đã bị “họ trai” lôi đi xềnh xệch.
Trong tình huống bất đắc dĩ, một bạn học của cô gái đã gọi điện đến nhà trường Sa Pa cầu cứu. Đích thân thầy Hiệu phó đã nhanh chóng có mặt để nắm tình hình. “Tại đây, cuộc đàm đạo giữa “cái lý” người Mông và đại diện nhà trường diễn ra một cách căng thẳng và quyết liệt. Thầy giáo nói với gia đình người đi kéo là “em nó còn đang đi học, cứ để em nó học xong và đủ 18 tuổi đã thì gia đình muốn kéo cũng được”. Dù vậy, gia đình kia gồm 4 người lớn vẫn quyết liệt kéo cô gái đi. Đến khi không thể ngăn cản, vị Hiệu phó phải liên hệ với bố mẹ của em cùng chính quyền tới giải quyết…”, một người chứng kiến kể lại.
Trò chuyện với PV, bà Lưu Thị Ngân Hà, Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ huyện Sapa cho biết: “Sự việc Hạ Thị V. học sinh lớp 9B Trường THCS Sa Pa bị một nhà ở San Sả Hồ kéo về làm vợ vừa qua là có thật. Ngay sau khi nắm được sự việc, huyện đã có chỉ đạo các ngành liên quan để tuyên truyền cho gia đình kia hiểu em V. vẫn còn nhỏ tuổi, đang đi học, không nên lập gia đình sớm. Ngay tối hôm đó, bố mẹ em V. cũng đã nói chuyện, trao đổi, thống nhất với gia đình nhà trai để đón được em về nhà. Hiện tâm lý em V. đã ổn định và đi học trở lại”.
“Tục bắt vợ là nét truyền thống từ lâu đời, tuy nhiên nó không phù hợp với bối cảnh hiện nay. Chúng tôi đã xây dựng các hương ước, quy ước quy định rõ về vấn đề này để tiếp tục tuyên truyền xuống các thôn, bản để vận động nhân dân thực hiện. Việc này, rất cần các cấp ngành vào cuộc bởi nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ xảy ra các trường hợp tảo hôn rồi lừa bán người sang biên giới”, vị Chủ tịch Hội LHPN huyện Sapa chia sẻ.
Một nhóm thanh niên người Mông giúp bạn “bắt vợ”. Ảnh: Tiến Thành
Thời gian gần đây, trên địa bàn các bản vùng sâu, vùng xa của tỉnh Lai Châu xuất hiện vụ việc phụ nữ ở địa phương bị mất tích. Đây là chiêu lừa của một số kẻ xấu lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin, hủ tục “ bắt vợ” của đồng bào dân tộc mà một số phụ nữ bị lừa bán sang nước ngoài.
Vượt quãng đường rừng gần 50 cây số, leo qua mấy quả đồi dốc trơn trượt, chúng tôi được cán bộ Công an huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu đưa đến nhà một cô gái trẻ ở xã biên giới Sì Lờ Lầu. Cô gái tên Mẩy, năm nay tròn 16 tuổi - nạn nhân của một vụ “bắt vợ” xảy ra cách đây không lâu.
Trong một buổi đi chợ phiên, cô gái được 2 thanh niên lạ mặt hỏi chuyện. Sau lời tán tỉnh, các đối tượng hứa hẹn đưa cô gái về làm dâu nhà giàu có. Vì nhẹ dạ, cô gái đồng ý lên xe máy đi cùng 2 thanh niên về thăm nhà trai. Dọc đường, họ còn trò chuyện nếu cô gái đồng ý, ngày mai nhà trai sẽ mang lễ vật sang xin cưới. Biết “con mồi” đã trúng kế, hai đối tượng đi thẳng ra khu vực biên giới để bán cho nhóm người đưa sang Trung Quốc với giá 3.000 Nhân dân tệ (khoảng gần 10 triệu VNĐ). Tại đây, Công an huyện Phong Thổ đã phối hợp với Bộ đội biên phòng bắt giữ các đối tượng.
Chứng kiến những sự việc đau lòng trên, già làng Vàng Văn Chổn chia sẻ: “Tập tục “bắt vợ” có từ thời xa xưa thể hiện giá trị của người con gái. Khi cô gái bị chàng trai kéo về nhà trai sẽ có một nghi lễ “nhập hồn” của cô gái đó vào họ nhà trai, sau đó nhà trai sẽ mang lễ sang nhà gái và thông báo cho nhà gái chính thức xin làm lễ cưới. Bây giờ xã hội phát triển, luật tục này không phù hợp nữa, cần phải bỏ. Các cô gái Mông cần phải hiểu được luật pháp để tránh nạn tảo hôn và không để kẻ xấu lợi dụng, lừa bán ra nước ngoài”.
Bắt vợ vì... thách cưới quá cao
Nhà văn Tống Ngọc Hân - người chứng kiến nhiều vụ “bắt vợ” lý giải, tục “bắt vợ” có nét nhân văn, đó là tìm đến sự công bằng cho những chàng trai Mông, Dao... nghèo có thể lấy được vợ mà không phải sa vào cái cảnh sính lễ nặng nề. Vì để cưới được cô vợ, có chàng trai bị thách cưới từ vài chục đến cả trăm triệu đồng. Theo nhà văn này, chính thách cưới con giá ngất ngưởng với cái lý “tôi đẻ, tôi nuôi lớn, đòi bao nhiêu là quyền tôi” khiến nhiều chàng trai lao đao. Do vậy, những chàng trai nghèo không có tiền thách cưới đã tìm cách “bắt vợ”.
“Tục “bắt vợ” vốn được sinh ra như bản đính chính cho tục lệ thách cưới nên nếu hô hào bỏ tục kéo vợ nhưng vẫn giữ cái tục thách cưới bán con thì sẽ khó bỏ được. Theo tôi chúng ta cần tuyên truyền để bỏ tục thách cưới đi thì cái tục kéo vợ kia cũng biến mất và cái nạn tảo hôn cũng đỡ nhức nhối”, nhà văn Tống Ngọc Hân bày tỏ.