Loay hoay tìm lối ra ở "mê cung" trên đường Nguyễn Huệ
Sau gần 1 tháng rào chắn đường Nguyễn Huệ (Q.1, TP.HCM) để thi công tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên, các lô cốt bao bọc quanh tuyến đường Bạch Đằng, Đồng Khởi, Lê Thánh Tôn… đang gây khó khăn cho việc lưu thông tại khu vực này.
Ngày 11/10, đơn vị thi công tuyến metro số 1 đã bắt đầu lập rào chắn vỉa hè để chuẩn bị thi công nâng cấp, cải tạo con đường trung tâm TP.HCM. Đến ngày 15/10, rào chắn đã được lập thành hàng dài xuyên suốt đường Nguyễn Huệ và khiến phương tiện lưu thông vào khu vực này gặp nhiều khó khăn.
Bên trong rào chắn, các đơn vị đầu tư vẫn làm việc miệt mài để rút ngắn thời gian thi công công trình tránh gây ảnh hưởng cho người dân trong khu vực. Thời gian cấm xe vào đường Nguyễn Huệ sẽ kéo dài đến hết ngày 28/4/2015.
Lề đường Nguyễn Huệ chật chội, xe đi trên lề phải len lỏi qua dòng người đi bộ. Các cửa hàng kinh doanh thì chỉ có khách quen ra vào. Các hộ kinh doanh đều ký hợp đồng thuê mặt bằng dài hạn nên động viên nhau cầm cự trong 6 tháng và hy vọng khi con đường trở thành quảng trường đi bộ trong tương lai, lượng khách sẽ ổn định trở lại.
Công trường thi công nhiều khói bụi và tiếng ồn nên người đi bộ và đi xe máy đều đeo khẩu trang chống bụi.
Ngã tư Lê Lợi - Nguyễn Huệ bị chặn khiến người dân loay hoay không biết làm sao. Nhiều người vẫn lách qua rào cấm để cố đi ra đường Lê Lợi nhưng vẫn phải ngậm ngùi quay đầu tìm lối đi khác. Trong khi đó, đường Đồng Khởi là đường một chiều nên các phương tiện lại phải đánh vòng nhiều đường mới đến được điểm mong muốn.
Buổi trưa, nhân viên làm việc tại các tòa nhà cũng phải đi bộ mỏi nhừ chân để sang được quán ăn, nhà hàng bên kia đường, vốn chỉ cách văn phòng mình vài chục mét. Nhiều nhóm nhân viên không bắt được taxi đi ăn như thường lệ vì các tuyến đường đồng loạt cấm ô tô lưu thông vào khu vực.
Công nhân nhắc nhở người lưu thông không tự ý chen qua đoạn đường cấm.
Các xe chạy trên lề đường Nguyễn Huệ, một phần đường Lê Lợi đều gặp những biển cảnh báo giảm tốc độ để an toàn cho người đi bộ.
Xe máy đi trên lề luôn được nhắc nhở từng đoạn đường.
Người dân phải đi bộ ra đường Bạch Đằng để đón taxi. Các nhân viên đi làm bằng ô tô riêng cũng phải gửi xe ở các con đường khác gần đó rồi đi bộ vào văn phòng làm việc.
Các tòa nhà cao tầng, khách sạn, hộ kinh doanh bị cô lập trong "con đường đau khổ". Chị Bích Liên, nhân viên một văn phòng tại khu vực này cho biết: "Bây giờ đi làm buổi sáng khổ lắm, phải chạy xe lên lề, tránh người đi bộ, khách du lịch. Buổi trưa thường cả nhóm đi bộ sang bên kia đường để ăn trưa, uống cafe, nhưng bây giờ phải vào bãi lấy xe ra, chạy đường vòng mới đến được chỗ ăn".
Tài xế taxi cũng kêu than khi không thể đón khách tại các tuyến đường cấm. Họ phải gọi điện yêu cầu khách đi bộ ra đường Đồng Khởi, Bạch Đằng hoặc những đường cho phép ô tô lưu thông, đậu xe...
Theo Sở GTVT TPHCM, kể từ ngày 11/10/2014 đến ngày 28/4/2015, hạn chế các phương tiện lưu thông trên đường Nguyễn Huệ và di chuyển theo lộ trình thay thế. Theo hướng từ Tây sang Đông: Lộ trình 1: Vòng xoay Quách Thị Trang -> Hàm Nghi -> Hồ Tùng Mậu -> Võ Văn Kiệt -> Tôn Đức Thắng -> Vòng xoay Công trường Mê Linh -> Hai Bà Trưng -> Công trường Lam Sơn. Lộ trình 2: Vòng xoay Quách Thị Trang -> Lê Lợi -> Pasteur > Lý Tự Trọng -> Đồng Khởi -> Công trường Lam Sơn. Lộ trình 3: Vòng xoay Ngã 6 Phù Đổng Thiên Vương -> Lý Tự Trọng -> Đồng Khởi -> Công trường Lam Sơn. Lộ trình 4: Vòng xoay Ngã 6 Phù Đổng Thiên Vương -> Nguyễn Thị Nghĩa -> Nguyễn Thái Học -> Trần Hưng Đạo -> Hàm Nghi -> Hồ Tùng Mậu -> Võ Văn Kiệt -> Tôn Đức Thắng -> Vòng xoay Công trường Mê Linh -> Hai Bà Trưng -> Công trường Lam Sơn. Theo hướng từ Đông sang Tây: Lộ trình 1: Lê Thánh Tôn -> Đồng Khởi -> Tôn Đức Thắng -> Hàm Nghi -> Vòng xoay Quách Thị Trang -> Lê Lai. Lộ trình 2: Lê Thánh Tôn -> Hai Bà Trưng -> Nguyễn Du -> Nam Kỳ Khởi Nghĩa -> Lê Lợi -> Vòng xoay Quách Thị Trang -> Lê Lai. Lộ trình 3: Lê Thánh Tôn -> Hai Bà Trưng -> Vòng xoay Công trường Mê Linh -> Tôn Đức Thắng -> Hàm Nghi -> Vòng xoay Quách Thị Trang -> Lê Lai. |