Loạt trường tư Hà Nội tung mức phí giữ chỗ vào lớp 10: Trường cao nhất lên tới hơn 20 triệu đồng

Phương Linh (T/h),
Chia sẻ

Hiện nay Sở GD&ĐT Hà Nội vẫn chưa công bố phương án tuyển sinh vào lớp 10 khiến nhiều phụ huynh phải đặt cọc giữ chỗ cho con ở trường tư.

Vietnamnet đưa tin, hiện nay, nhiều trường tư trên địa bàn Hà Nội đã đưa ra thông báo tuyển sinh vào lớp 10 năm 2024, trong đó đưa ra nhiều phương thức như: tuyển thẳng theo học bạ, xét tuyển theo học bạ hoặc xét tuyển hợp dựa vào điểm học bạ các môn và kết quả thi vào lớp 10 do Sở GD&ĐT tổ chức,...

Trong trường hợp đủ điều kiện trúng tuyển bằng hình thức nào đó, để xác nhận nhập học, các học sinh phải đóng một phí “đặt cọc” được gọi bằng nhiều tên khác nhau như: “phí ghi danh”, “phí đặt chỗ”,...

Trường Archimedes đưa ra mức phí nhập học cho học sinh đầu cấp năm học 2024-2025 lên đến 23 triệu đồng.

Số tiền phí nhập học này được tính toán gồm các khoản: phí ghi danh, dã ngoại hoặc học quân sự; bộ sách giáo khoa, sách hướng dẫn học, sách Tiếng Anh,...; đồng phục; cơ sở vật chất và phí hoạt động của năm; phí tài liệu học vụ và phần mềm quản lý học sinh. Tuy nhiên, trường này cho hay, phí này không hoàn trả, không được chuyển nhượng dưới mọi hình thức.

Trường THCS và THPT Lương Thế Vinh đưa ra phí nhập học là 15 triệu đồng. Nhà trường cũng cho biết phí nhập học sẽ không được hoàn trả trong mọi trường hợp. Tuy nhiên, số tiền này sẽ được đối trừ với các khoản thu trong năm học nếu học sinh theo học tại trường.

Loạt trường tư Hà Nội tung mức phí giữ chỗ vào lớp 10: Trường cao nhất lên tới hơn 20 triệu đồng - Ảnh 1.

Thí sinh và phụ huynh xem phòng thi trước kỳ thi vào lớp 10 ở Hà Nội, tháng 6/2023. Ảnh: VnExpress.

Trường THCS và THPT Newton thông báo phí đặt chỗ là 12 triệu đồng. Số tiền này sẽ được trừ hoàn vào các khoản đóng phí của năm học.

Để hoàn thành thủ tục ghi danh vào Trường THCS và THPT Lý Thái Tổ , các phụ huynh phải đóng phí ghi danh 1 triệu đồng và phí đặt chỗ 10 triệu đồng, tổng cộng 11 triệu đồng. Nhà trường cho biết phí ghi danh là khoản phí thu một lần duy nhất áp dụng đối với tất cả học sinh đăng ký nhập học tại trường. Phí này sẽ không được hoàn lại dù học sinh có theo học tại trường hay không. Còn phí đặt chỗ sẽ được tính trừ vào các khoản phí trong năm học 2024-2025 khi học sinh theo học tại trường. Nếu phụ huynh từ chối cho con theo học tại trường thì phí ghi danh và phí đặt chỗ sẽ không được hoàn lại trong mọi trường hợp.

Trường THCS và THPT M.V.Lômônôxốp cũng đưa ra mức phí nhập học là 5.910.000 đồng. Phí nhập học này, trường không trả lại, nếu học sinh rút hồ sơ chuyển đi trường khác. Tuy nhiên nhà trường cũng lưu ý phụ huynh cần cân nhắc kỹ trước khi nhập học cho con, chỉ khi chắc chắn con sẽ học tiếp mới làm thủ tục nhập học, tránh việc giữ chỗ khiến mất cơ hội vào học của học sinh khác.

Mức phí nhập học mà Trường THPT Đoàn Thị Điểm đưa ra là 2 triệu đồng. Nhà trường cũng nêu rõ, số tiền này sẽ không được hoàn trẻ khi học sinh rút hồ sơ khỏi trường.

Trường THCS và THPT Nguyễn Siêu cũng đưa ra mức phí “đặt cọc” là 2 triệu đồng. Tuy nhiên, nhà trường cũng lưu ý phụ huynh học sinh đọc kỹ thông tin và cân nhắc trước khi nhập học cho con.

Trường THPT Phan Bội Châu đưa ra mức phí ghi danh là 1,2 triệu đồng. Nhà trường chỉ hoàn trả phí ghi danh khi học sinh trúng tuyển trường công lập. Trường hợp phụ huynh, học sinh rút hồ sơ nhưng học sinh không đỗ trường công, nhà trường sẽ không hoàn trả các khoản phí.

Phí giữ chỗ của Trường THCS và THPT Lê Quý Đôn là 3 triệu đồng; phí ghi danh của Trường TH, THCS&THPT Ngôi sao Hoàng Mai với học sinh khối 10 là 2 triệu đồng,...

Loạt trường tư Hà Nội tung mức phí giữ chỗ vào lớp 10: Trường cao nhất lên tới hơn 20 triệu đồng - Ảnh 2.

Thí sinh dự thi vào lớp 10 Hà Nội những năm trước đây. Ảnh: Vietnamnet.

Khoản tiền ghi danh, giữ chỗ gây tranh cãi nhiều năm qua. Lý do là trong các quy định của ngành giáo dục không có khoản này, song nhiều trường cho hay hoạt động như doanh nghiệp nên được tự thỏa thuận với phụ huynh. Năm 2018, Sở GD&ĐT Hà Nội từng yêu cầu các trường tư không thu phí ghi danh, giữ chỗ, nhưng từ các năm sau đó đến nay, việc này lại tiếp diễn.

Lãnh đạo một trường tư thục cho biết việc đưa ra yêu cầu tiền cọc để hạn chế tỷ lệ ảo, gây khó khăn trong công tác tuyển sinh; đồng thời để các gia đình cân nhắc, có trách nhiệm với lựa chọn của mình.

Cuộc đua vào lớp 10 công lập ở Hà Nội luôn có tỷ lệ cạnh tranh cao. Trong hơn một trăm ngàn thí sinh, chỉ khoảng 60% trúng tuyển. Ở khu vực nội thành, tỷ lệ này thấp hơn. Từ đầu năm, các trường tư có tiếng thường được phụ huynh để ý, tìm hiểu và đặt cọc để con chắc chắn có chỗ học.

Theo thầy Nguyễn Ngọc Phúc, phó hiệu trưởng trường THCS Trần Duy Hưng, cho rằng nếu có, phụ huynh chỉ nên đặt cọc 1-2 trường, căn cứ lực học của con và điều kiện tài chính của gia đình để chọn lựa.

Kế hoạch tuyển sinh lớp 10 công lập của Hà Nội dự kiến được công bố trong tháng này. Năm nay, Sở yêu cầu các trường tư tuyển sinh trực tuyến, chấm dứt tình trạng phụ huynh xếp hàng, chen lấn để nộp hồ sơ lớp 10. Nếu không, trường đó không được giao chỉ tiêu, đồng nghĩa không được tuyển sinh, theo VnExpress.

Chia sẻ