Loại thực phẩm là 'khắc tinh' của bệnh tim, tiểu đường, mỡ máu: Rất quen thuộc ở Việt Nam
Một món ăn vô cùng quen thuộc trong mâm cơm của mọi nhà không ngờ lại có nhiều lợi ích với sức khoẻ đến vậy.
Đậu phụ là một món ăn rất phổ biến trong bữa cơm của nhiều gia đình. Đậu phụ được làm bằng cách đông tụ sữa đậu nành và ép thành khuôn. Đậu phụ là một nguồn protein quan trọng, đặc biệt là đối với những người ăn chay và thuần chay. Tuy nhiên, ít ai biết được rằng loại thực phẩm vô cùng rẻ này lại có thể giúp cơ thể chống lại một số bệnh ung thư, tim mạch, loãng xương và giảm triệu chứng của thời kỳ mãn kinh.
Một miếng đậu phụ nặng 122g có chứa 177 calo; 5,36g carbohydrate; 12,19g chất béo; 15,57g protein; 421mg canxi; 3,35mg sắt; 282mg phốt pho; 178mg kali; 2mg kẽm; 27mcg vitamin B9. Khối lượng đậu phụ này cũng cung cấp một lượng nhỏ vitamin B1, vitamin B6, mangan và selen.
Những lợi ích của đậu phụ
1. Phòng tránh bệnh tim mạch
Theo một nghiên cứu của Viện Y tế và Dinh dưỡng Quốc gia, Tokyo, Nhật Bản, isoflavine trong đậu nành đã được chứng minh là có thể làm giảm mức cholesterol LDL (mỡ máu có hại).
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng tiêu thụ đậu nành hàng ngày có thể làm các yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch như béo phì, mỡ máu cao; tiêu thụ đậu phụ thay thế cho protein động vật có thể giúp giảm mức cholesterol LDL. Do đó, đậu phụ có thể làm giảm nguy cơ xơ vữa động mạch và huyết áp cao, từ đó phòng tránh mắc các bệnh tim mạch.
Đậu phụ là một nguồn protein quan trọng, đặc biệt là đối với những người ăn chay và thuần chay. Ảnh minh hoạ.
2. Tốt cho người tiểu đường loại 2
Những người mắc bệnh tiểu đường loại 2 thường mắc bệnh thận, khiến cơ thể có xu hướng bài tiết protein quá mức qua nước tiểu.
Bằng chứng từ một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những người chỉ tiêu thụ protein đậu nành trong chế độ ăn uống của họ bài tiết ít protein hơn những người tiêu thụ protein động vật. Do đó, đậu nành được cho là thực phẩm có lợi cho bệnh nhân tiểu đường loại 2.
3. Tốt cho thận
Protein, đặc biệt protein từ đậu nành giúp tăng cường chức năng thận và có lợi cho những người đang lọc máu hoặc ghép thận.
Một phân tích tổng hợp từ 9 thử nghiệm cho thấy đậu nành có tác dụng tích cực đối với một số triệu chứng của người bị thận mạn tính.
4. Tránh loãng xương
Isoflavones trong đậu phụ có thể giúp giảm mất xương, tăng mật độ khoáng chất của xương, đặc biệt đối với phụ nữ sau khi mãn kinh.
Đậu phụ cũng giàu canxi và phốt pho, 2 khoáng chất rất cần thiết cho một bộ xương chắc khoẻ.
5. Giảm nguy cơ mắc ung thư
Một số nghiên cứu lâm sàng và thực nghiệm cho thấy genistein, isoflavone trong đậu nành có đặc tính chống oxy hóa và có thể ức chế sự phát triển của tế bào ung thư.
Trước đây, nhiều người đã nhầm lẫn về sự an toàn của việc tiêu thụ đậu nành sau khi được chẩn đoán ung thư vú. Điều này là do isoflavone có cấu trúc hóa học tương tự như cấu trúc hóa học của estrogen. Nồng độ estrogen cao có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú.
Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, tiêu thụ một lượng vừa phải, hoặc ít hơn hai khẩu phần mỗi ngày thực phẩm từ đậu nành nguyên hạt dường như không ảnh hưởng đến sự phát triển của khối u hoặc nguy cơ phát triển ung thư vú.
Thêm vào đó, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy ăn đậu nành thường xuyên có thể làm giảm tái phát ung thư vú. Tuy nhiên, bằng chứng vẫn chưa đủ mạnh để khuyến nghị dùng đậu nành cho tất cả những người sống sót sau ung thư vú.
Đậu phụ là món khoái khẩu của nhiều người. Ảnh minh hoạ.
6. Giảm triệu chứng của thời kỳ mãn kinh
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, hợp chất phytoestrogen có trong các sản phẩm từ đậu nành giúp làm giảm các triệu chứng của thời kỳ mãn kinh, chẳng hạn như bốc hoả.
Mặc dù triệu chứng bốc hoả có thể khác nhau ở những phụ nữ khác nhau, nhưng các cơn bốc hoả dường như ít phổ biến hơn ở các nước châu Á, nơi mọi người tiêu thụ nhiều đậu nành hơn.
Tuy nhiên, vẫn cần có nhiều nghiên cứu hơn nữa để xác định tác dụng này của đậu nành.
7. Phòng tránh các bệnh về não liên quan tới tuổi tác
Các nghiên cứu dân số đã chỉ ra rằng, ở những vùng mà người dân tiêu thụ nhiều đậu nành hơn, tỷ lệ mắc các chứng rối loạn tâm thần do tuổi tác thấp hơn.
Những phát hiện được công bố vào năm 2017 chỉ ra rằng, các sản phẩm đậu nành có ích cho những người bị bệnh Alzheimer do hàm lượng lecithin trong chúng giúp cơ thể sản xuất axit phospholipid phosphatidic (PA) và phosphatidylserine (PS). PA và PS đóng một vai trò quan trọng trong hoạt động của các neuron thần kinh.
Đậu phụ tốt cho não bộ. Ảnh minh hoạ.
Ai không nên ăn đậu phụ?
Đậu phụ thường được công nhận là an toàn đối với hầu hết mọi người, trừ khi bạn bị dị ứng với món ăn này thì cần tránh ăn.
Việc tiêu thụ đậu nành gây tranh cãi trong những năm gần đây khi một số nghiên cứu trên động vật cho thấy mối liên hệ của nó với một số bệnh ung thư. Để ủng hộ sự an toàn của thực phẩm, Cơ quan An toàn Thực phẩm Châu Âu đã kết luận rằng, isoflavone trong đậu nành không ảnh hưởng xấu đến tuyến giáp, vú hoặc tử cung ở phụ nữ sau mãn kinh.
Đậu nành chứa các chất chống lại sự hấp thụ dinh dưỡng, bao gồm trypsin và phytate. Những chất này có thể ức chế sự hấp thụ một số dưỡng chất quý giá của đậu nành. Ngâm hoặc lên men đậu nành trước khi nấu có thể giảm thiểu các hợp chất này và đây là lý do tại sao đậu phụ lại là lựa chọn tuyệt vời để mang lại giá trị dinh dưỡng vượt trội.
Mặc dù đậu phụ có thể có những lợi ích kể trên đối với sức khoẻ nhưng để tận dụng tối đa lợi ích của chúng, mỗi chúng ta hãy có một lối sống lành mạnh với một chế độ ăn uống cân bằng và đa dạng, thay vì chỉ tập trung vào một số món ăn nhất định.
Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào khi sử dụng đậu này, hãy nói chuyện với bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn chi tiết hơn.
(Nguồn: Medical News Today)