Loại thực phẩm không dầu mỡ lại có thể khiến gan "ngập" mỡ nếu ăn quá nhiều: Rất quen mặt với người Việt
Những đồ ăn nhiều dầu mỡ không phải là thứ duy nhất có thể dẫn tới bệnh gan nhiễm mỡ khi chúng ta ăn quá nhiều.
Theo thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai, gan nhiễm mỡ đang dần trở thành một căn bệnh phổ biến trong cuộc sống hiện đại. Dù diễn tiến âm thầm, căn bệnh này lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ nghiêm trọng, có thể dẫn tới xơ gan, ung thư gan. Không chỉ dừng lại ở gan, gan nhiễm mỡ còn làm gia tăng nguy cơ mắc ung thư đại tràng lên tới 20 lần và liên quan đến nhiều bệnh lý ngoài gan khác như tim mạch, suy thận mạn tính, hội chứng ngưng thở khi ngủ,…

Mô phỏng gan nhiễm mỡ (Ảnh: Getty).
Theo đó, một trong những nguyên nhân lớn nhất dẫn tới bệnh gan nhiễm mỡ là thói quen ăn uống không lành mạnh. Các thói quen này bao gồm: tiêu thụ quá nhiều thực phẩm chứa nhiều đường, chất béo; thực phẩm chế biến sẵn; đồ ăn nhanh; lạm dụng rượu bia.
Ngoài các thực phẩm trên, việc tiêu thụ quá nhiều ngũ cốc tinh chế cũng có thể khiến lá gan “nặng trĩu mỡ”, Medical News Today thông tin.
Mối liên hệ giữa ngũ cốc tinh chế và bệnh gan nhiễm mỡ
Ngũ cốc tinh chế là loại ngũ cốc đã được xử lý qua quá trình xay xát nhằm loại bỏ lớp cám và mầm. Việc này giúp tạo ra kết cấu mịn màng hơn và kéo dài thời gian bảo quản. Tuy nhiên, trong quá trình tinh chế, chất xơ cùng nhiều loại vitamin và khoáng chất quan trọng có thể bị mất đi. Một số ví dụ phổ biến của ngũ cốc tinh chế bao gồm bột mì trắng, gạo trắng, tinh bột ngô. Ngoài ra, nhiều loại thực phẩm như bánh mì, ngũ cốc ăn sáng, bánh quy, món tráng miệng và bánh ngọt hiện nay cũng thường sử dụng ngũ cốc đã qua tinh chế trong quá trình sản xuất, Bệnh viện Vinmec thông tin. Đây đều là những thực phẩm rất quen mặt với người Việt hoặc thường thấy trên mâm cơm của mỗi gia đình.

Gạo trắng là một loại ngũ cốc tinh chế (Ảnh: Dr Axe).
Khi ăn ngũ cốc tinh chế, lượng đường trong máu sẽ tăng nhanh hơn. Điều này có thể khiến bạn ăn nhiều hơn vì không cảm thấy no lâu. Những yếu tố này có thể làm tăng nguy cơ tích tụ mỡ và gây viêm ở gan, thông tin từ GoodRx.
Theo Hướng dẫn Chế độ ăn uống cho người Mỹ giai đoạn 2015-2020, xét trong chế độ ăn 2.000 calo/ngày (được coi tiêu chuẩn đối với người trưởng thành), mỗi người nên tiêu thụ khoảng 6 ounce (khoảng 170g) ngũ cốc, trong đó phải có ít nhất một nửa là ngũ cốc nguyên hạt (như lúa mì, lúa mạch, yến mạch, gạo lứt, hạt kê,...). Điều đó có nghĩa là mọi người không nên ăn quá 85g ngũ cốc tinh chế như gạo trắng, bánh mì trắng,... mỗi ngày.
Ăn gì để phòng ngừa bệnh gan nhiễm mỡ?
Theo thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai, để phòng ngừa bệnh gan nhiễm mỡ, mỗi chúng ta cần có chế độ ăn uống lành mạnh. Cụ thể, cần tăng cường tiêu thụ rau xanh, trái cây tươi và các thực phẩm giàu chất xơ, ngũ cốc nguyên hạt. Đồng thời, cần hạn chế tối đa lượng đường, chất béo, đặc biệt là các món ăn chiên rán và thực phẩm chế biến sẵn.

Chế độ ăn nhiều chất xơ giúp phòng ngừa bệnh gan nhiễm mỡ (Ảnh: Liver Foundation).
Ngoài ra, thay đổi lối sống cũng là yếu tố then chốt để phòng ngừa bệnh gan nhiễm mỡ. Mọi người nên tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày để kiểm soát cân nặng và đốt cháy lượng mỡ dư thừa. Các hoạt động đơn giản như đi bộ, chạy bộ, bơi lội hay yoga cũng có thể mang lại hiệu quả tích cực cho sức khỏe gan.
Việc đưa cân nặng về mức lý tưởng có thể làm giảm đáng kể nguy cơ mắc gan nhiễm mỡ. Cụ thể, giảm hơn 3% trọng lượng cơ thể giúp cải thiện tình trạng mỡ trong gan; giảm trên 5-7% cải thiện viêm gan và khi giảm trên 10% sẽ có thể tác động tích cực đến quá trình xơ hóa gan. Một điều đáng lưu ý đó là ngay cả người không béo cũng có thể bị gan nhiễm mỡ. Trong những trường hợp này, mục tiêu là giảm mỡ nội tạng và tăng khối lượng cơ.
Một điều quan trọng khác trong phòng ngừa bệnh gan nhiễm mỡ đó là quản lý tốt các bệnh lý đi kèm. Nếu đang mắc các bệnh nền như tiểu đường, tăng huyết áp hay rối loạn mỡ máu, người bệnh cần kiểm soát tốt các chỉ số này để hạn chế biến chứng ảnh hưởng đến gan.
Với những người thuộc nhóm nguy cơ cao, việc khám sức khỏe thường xuyên là cần thiết để phát hiện bệnh gan nhiễm mỡ ở giai đoạn sớm và có biện pháp can thiệp kịp thời.
(Tổng hợp)