Loại quả được mệnh danh là 'ruby đỏ' của Việt Nam, thế giới khen hết lời: Hóa ra có nhiều tác dụng
Đây là loại quả có vị ngọt và hương thơm rất đặc trưng, được rất nhiều thị trường trên thế giới ưa chuộng.
Nội dung chính:
Quả vải Việt Nam được nhiều nước trên thế giới ưa chuộng.
Tác dụng của quả vải.
Bài thuốc từ quả vải.
Loại quả được ví như “ruby đỏ”, được nhiều nước ưa chuộng
Theo chuyên trang Trí thức trẻ, trái vải của Việt Nam đang tích cực xây dựng thương hiệu trên bản đồ nông sản thế giới. Quả vải được ví như viên "ruby đỏ đỏng đảnh" của làng trái cây do cây chỉ cho ra quả chất lượng tốt ở một vài khu vực nhất định.
Trang tin Sohu (Trung Quốc) từng thừa nhận rằng, mặc dù Trung Quốc cũng trồng vải nhưng nước này vẫn nhập khẩu vải thiều số lượng lớn từ Việt Nam do điều kiện nhiệt độ tại Việt Nam phù hợp để trồng, giúp vải chín nhanh và cho chất lượng tốt hơn.
Theo Sở Công Thương, mùa vải năm 2024, do thời tiết bất lợi nên sản lượng vải đạt khoảng gần 100 nghìn tấn, chỉ bằng 50% so với năm ngoái. Tuy nhiên, giá vải thiều ngay từ những ngày đầu vụ đã tăng cao gấp đôi thậm chí gấp 3 lần so với năm 2023.
Cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Giang đăng tải thông tin đến ngày 24/6, sản lượng vải xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc là hơn 24,5 nghìn tấn; còn lại được xuất khẩu sang các thị trường khác như: Châu Âu: 53 tấn, Nhật Bản: 45 tấn, Úc: 42 tấn, Hoa Kỳ: 20 tấn, Dubai: 21 tấn, Canada: 16 tấn và các nước khu vực Đông Nam Á: 18 tấn.
Tác dụng của quả vải
Theo bác sĩ, lương y Nguyễn Hữu Trọng, Ủy viên thường vụ Hội Nam y Việt Nam, quả vải có tên gọi khác là: tu hú, lệ chi. Vải là loại quả bổ dưỡng, có chứa nhiều đường và các chất dinh dưỡng như: protein, lipid, các vitamin B1, B2, PP, C và caroten, acid citric. Hạt quả có chứa chất béo, tannin, saponozid.
Trong y học cổ truyền, quả vải có vị ngọt chua, tính bình hay ôn. Có tác dụng bổ tỳ, mát phế, làm cơ thể khoan khoái bớt bốc nóng, nặng đầu. Ăn vải giúp dưỡng nhan, làm đẹp da.
Hạt vải có vị ngọt, hơi đắng, tính ấm có tác dụng hành khí, tán kết, khu hàn chỉ thống, trị phong hàn nhức mỏi đầu do lạnh, cải thiện tiêu hóa.
Ông Trọng cho biết, vải là thực phẩm bổ dưỡng tuy nhiên, ăn nhiều vải có thể gây nóng nên mọi người cần dùng với lượng vừa đủ.
BSCKII Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho hay, hạt vải (lệ chi hạch), cũng là vị thuốc, có vị ngọt, chát, tính ôn, không có độc, có tác dụng tán hàn, nghiền thành bột có thể chữa được tiêu chảy ở trẻ em.
Thịt quả vải thơm ngon lại giàu chất dinh dưỡng, có thể giúp cải thiện sức khỏe theo nhiều cách:
- Giúp ngăn ngừa dấu hiệu lão hóa, cải thiện sức khỏe làn da, tốt cho tóc, tăng cường miễn dịch. Chất chống oxy hóa và vitamin C trong quả vải có lợi cho da và giúp loại bỏ các vết thâm.
- Cải thiện tiêu hóa: Vải rất giàu chất xơ, giúp duy trì nhu động ruột trơn tru và giảm tình trạng táo bón.
- Cải thiện sức khỏe tim mạch: Hợp chất chống oxy hóa là oligonol trong vải thiều rất tốt cho sức khỏe tim mạch. Ngoài ra, vải cũng rất giàu kali, có thể giúp hỗ trợ điều hòa huyết áp.
- Thịt quả vải giàu sắt, đồng, mangan, phốt pho và magiê, giúp cải thiện sức khỏe của xương và tim, ngăn ngừa bệnh thiếu máu.
Bác sĩ Vũ lưu ý do vải có lượng đường lớn cho nên người mắc đái tháo đường nên tham khảo ý kiến của thầy thuốc để biết lượng dùng phù hợp với tình trạng sức khỏe. Bác sĩ Vũ cũng cho biết mọi người không ăn quá nhiều vải cùng một lúc vì có thể dẫn đến sinh nhiệt, khô miệng, đau họng, buồn nôn,…
Ngoài ra, vải có thể gây ra phản ứng dị ứng ở một số người có cơ địa nhạy cảm. Những người bị thủy đậu, có đờm hay bị cảm thì không nên ăn vải bởi sẽ làm bệnh tình thêm nặng hơn.
Một số bài thuốc dân gian từ vải
- Chữa nhọt: Giã nát thịt quả vải với ô mai thành cao đắp lên mụn nhọt. Hoặc dùng 5-7 quả vải, lấy thịt quả giã nát với ít hồ nếp, dàn thành miếng cao dán lên nơi mụn nhọt.
- Đau răng: Dùng quả vải nguyên cả vỏ, hạt, thêm ít hạt muối, đốt thành than, nghiền nhỏ, xát vào răng để giảm đau.