Loại mứt giúp dưỡng họng, tăng sức đề kháng
Quất bày Tết xong đừng vứt đi, tận dụng làm mứt để uống, rất tốt cho sức khỏe những ngày giao mùa.
Nhiều loại quả có quanh năm để thưởng thức nhưng kinh nghiệm của người xưa cho rằng mùa nào thức nấy vẫn tốt hơn cả. Mùa đông xuân ăn quả gì tốt nhất? Ngoài táo, cam quýt thì quất cũng là loại quả nên ăn nhiều.
Mứt quất có gì đặc biệt?
Gần Tết Nguyên đán, nhà nào cũng tất bật sắm lấy ít nhất một cây quất để bày biện đón năm mới. Không chỉ có ý nghĩa may mắn, tượng trưng cho những điều mới mẻ đẹp đẽ, quất còn có tác dụng rất tốt cho sức khỏe trong dịp Tết. Cụ thể là việc ăn nhiều đồ chiên rán, dầu mỡ, các loại thịt trong Tết dễ khiến bạn bị đầy bụng, thời tiết lạnh dễ khiến họng bị khó chịu. Ăn vài quả quất vào đúng là thoải mái hẳn. Nhưng quất tươi ăn nhiều sẽ bị đau dạ dày. Có một cách hấp thụ dinh dưỡng của quất tốt hơn đó là làm mứt quất. Làm một lần mà ăn được cả tháng.
Đừng nhìn quả quất nhỏ bé như vậy mà bỏ qua, chúng chứa tới 35mg vitamin C trong mỗi quả. Hàm lượng vitamin cũng cao gấp 10 lần so với táo. Bên cạnh đó, quất còn rất giàu carotene và nhiều loại khoáng chất tốt cho phụ nữ, người già và trẻ em.
Mùa đông khô lạnh hay đầu xuân còn hanh hao, ăn quất sẽ giúp giải nhiệt trong người, giúp dưỡng họng tốt hơn. Nếu ăn nhiều đồ béo và ngọt, dầu mỡ ngán thì ăn mứt quất sẽ giúp bụng dạ dễ chịu hơn.
Dinh dưỡng của quất hầu như nằm trên vỏ vì vậy khi làm mứt không nên bỏ vỏ quất đi. Mặc dù chơi Tết xong nhiều người không nỡ bỏ những trái quất đi nhưng lại e ngại chúng bị phun thuốc, ăn vào sẽ có hại. Bởi vậy, quất dùng làm mứt nên mua chỗ uy tín để tránh bị ảnh hưởng của thuốc trừ sâu.
Nhiều người cứ nghĩ quất chua ăn không ngon, chẳng qua đấy là chưa biết cách làm mứt quất chuẩn mà thôi. Hướng dẫn bạn làm mứt quất như sau, làm đúng còn giúp tăng hiệu quả của chúng lên nhiều. Mứt quất làm kiểu này không chỉ ngon mà còn bảo quản được lâu nữa.
Mứt quất làm xong có thể dùng bất cứ lúc nào, phết bánh mì ăn sáng hay pha với nước ấm để uống giải khát đều ngon cả. Mứt quất không có gì phức tạp, cắt quả rồi bỏ lõi, bỏ hạt, làm chín nhưng vẫn cần chú ý một vài công đoạn.
Hãy cùng nhau thử làm mứt quất nhé.
Hướng dẫn cách làm mứt quất ngày Tết
Nguyên liệu cần thiết để làm mứt quất
Quất tươi - 500g
Đường phèn - 200g
Nước lọc, muối, bột mì
Cách thực hiện
Quất tươi mua về mang xát nhẹ với bột mì cho sạch tạp chất, sau đó rửa lại với nước sạch. Sau đó, ngâm quất trong nước muối loãng khoảng 10 phút để đảm bảo vỏ quất sạch nhất có thể.
Khi rửa quất không nên bỏ cuống, bởi làm vậy sẽ khiến chất bẩn ngấm vào quất dễ hơn. Sau khi rửa sạch, để quất khô ráo. Cắt đôi quả và loại bỏ hạt.
Vì sao nên bỏ hạt quất? Mặc dù mứt quất nấu cả hạt sẽ cho vị thơm đậm đà nhưng vì hạt có vị đắng nên loại bỏ là tốt nhất. Bạn có thể giữ lại một ít hạt để điều chỉnh hương vị theo ý muốn.
Cắt quất thành các miếng nhỏ, càng nhỏ càng tốt vì sẽ giúp giảm thời gian làm chín. Cho quất vào nồi hoặc chảo, thêm đường phèn. Cho thêm một chút nước, đun sôi ở nhiệt độ cao. Khi sôi thì chuyển sang lửa nhỏ, và đun liu riu. Bởi quất không chứa nhiều nước nên cần cho nước thêm vào để quất chín kỹ. Dùng đường phèn màu nâu sẽ giúp mứt thơm ngon hơn, dùng đường trắng hoặc đường phèn tinh hạt nhỏ đều không ngon bằng.
Trong quá trình nấu, nên đảo mứt thường xuyên đến khi mứt trở nên đặc sánh và trong lại, cạn nước. Những miếng quất nhỏ như bị cán vỡ ăn vào có chút sần sật rất ngon, khi pha nước cũng đẹp. Còn nếu thích nhuyễn hơn thì bạn có thể đun thêm.
Sau khi mứt quất chín, tắt bếp. Cho mứt vào lọ thủy tinh đã được khử trùng. Không nên đổ quá đầy và đậy kín nắp. Vặn chặt và dốc ngược xuống. Để nguội tự nhiên và cho vào tủ lạnh để bảo quản.
Mứt quất có hương vị thơm ngon, tương đối dịu ai cũng dùng được nhưng tránh cho các em bé nhỏ dưới 3 tuổi dùng!
Lưu ý:
- Không ăn mứt quất với sữa vì protein trong sữa gặp axit trong quất sẽ tạo ra cặn, không dễ tiêu hóa.
- Không dùng nhiều mứt quất khi bụng đói.
- Nên trữ quất vào các lọ nhỏ để dùng mỗi lần hết không bị dở. Mang bên mình bất cứ lúc nào cũng tiện.