Loại lá này chính là "kem chống nắng tự nhiên", chống tia cực tím, giúp giảm nhăn, mịn da vào mùa hè
Loại lá này thường mọc hoang chỗ ẩm ướt, mùi tanh khó chịu nên rất nhiều người không dám dùng.
Vào những ngày nắng nóng, nếu chị em muốn tìm một loại thảo dược lành tính, giúp giải khát, làm đẹp da, chống nắng tự nhiên thì đừng bỏ qua: Rau diếp cá.
Loại lá này thường mọc hoang chỗ ẩm ướt, mùi tanh khó chịu nên rất nhiều người không dám dùng. Tuy nhiên, rau diếp cá khi tận dụng làm nước uống, mặt nạ thì lại rất tốt cho cả sức khỏe, lại có thể làm đẹp da.
Trong lá diếp cá có chứa nhiều chất chống nhiễm khuẩn, từ đó giúp nâng cao sức đề kháng cho da, làm mát da, tránh mụn cho da.
Đặc biệt, trong diếp cá có chứa chất lycopene, hoạt chất này có khả năng ngăn chặn tia UV từ ánh sáng mặt trời. Một nhóm nghiên cứu từ trường Y Mount Sinal ở New York (Mỹ) đã phát hiện ra khi được sử dụng trên da, lycopene sẽ ngăn ngừa hiện tượng cháy nắng. Vào năm 2004, báo cáo của Viện da liễu châu Âu cũng cho thấy rằng lycopene có thể được sử dụng để ngăn ngừa tình trạng viêm và phá huỷ ADN trong các tế bào da sau khi tiếp xúc với ánh nắng.
Những cách sử dụng lá diếp cá để chống nắng, làm đẹp da:
- Mặt nạ lá diếp cá làm mịn da: Lá diếp cá rửa sạch, nghiền nát, lấy bông mềm thấm phần nước cốt lau nhẹ lên da mặt và cổ. Sau đó, dùng các đầu ngón tay vỗ nhẹ khắp mặt khoảng 1 phút để nước cốt diếp cá thấm sâu vào da và rửa mặt sau 15 phút. Phần nước cốt diếp cá sẽ thấm vào da, nhìn da mặt sẽ có một lớp màng mỏng tự nhiên, chỉ cần rửa mặt nhẹ nhàng là đã cảm nhận sự mềm mại của da.
- Làm trắng da: Sử dụng mật ong nguyên chất một thìa trộn với một thìa nước cốt diếp cá. Đắp mặt nạ này lên mặt 15 phút rồi rửa sạch.
- Chống nắng, nuôi dưỡng làn da: Dùng diếp cá ép lấy nước, sau đó thưởng thức. Có thể uống lạnh.
Lưu ý: Nên che nắng kỹ sau khi dùng mặt nạ lá diếp cá. Mỗi tuần chỉ nên dùng 1-2 lần.
5 bài thuốc trị bệnh từ rau diếp cá trong Đông y
Theo lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng (Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội): Theo Đông y, rau diếp cá vị cay, hơi lạnh, có tác dụng thanh nhiệt giải độc, lợi thuỷ tiêu thũng, tác động vào 2 kinh can và phế.
Rau diếp cá lành tính, bạn có thể sử dụng theo một số cách sau:
1. Chữa tiểu rắt
Sử dụng 50g rau diếp cá, 30g bông mã đề tươi và 50g rau má tươi. Rửa sạch các nguyên liệu, sau đó giã nát và lọc để lấy nước cốt. Hãm trong nước sôi và để nguội trước khi uống.
2. Trị dị ứng, mẩn ngứa
Rau diếp cá, cỏ nhọ nồi, lá cải rừng, lá xương sông, lá nhài, lá dưa chuột, lá khế, lá đơn đỏ, lá huyết dụ, lá mía mỗi thứ 15g. 3 miếng bí đao, 3 miếng củ nâu. Rửa sạch tất cả các nguyên liệu, sau đó giã nhuyễn và hòa vào nước sôi, vắt lấy nước cốt để uống. Phần còn lại có thể đắp ngoài da.
3. Trị sốt
Dùng 30g lá diếp cá, đun sôi và sau đó đắp lên thái dương của trẻ. Nước cũng có thể uống, giúp hạ nhiệt hiệu quả.
4. Chữa viêm tắc tuyến sữa
Sử dụng 30g lá diếp cá và 30g lá cải trời. Giã nhuyễn và vắt lấy nước cốt để uống. Phần còn lại có thể trộn với giấm và đắp ngoài da.
5. Trị bệnh trĩ
Sử dụng 50g lá diếp cá tươi, giã nhuyễn và vắt lấy nước, sau đó thêm muối để giảm vị tanh. Uống mỗi ngày từ 50 - 100ml, liên tục trong 3 tháng.
Lưu ý:
Theo lương y Bùi Đắc Sáng, mặc dù lá diếp cá có tính chất lành tính, nhưng do thường được sử dụng để ăn sống, nên có thể gây kích thích đối với hệ tiêu hóa. Đặc biệt là đối với những người có các vấn đề liên quan đến ruột, rối loạn tiêu hóa, viêm đại tràng, suy thận, cũng như phụ nữ mang thai. Do đó, nhóm người này nên tránh ăn diếp cá sống.
Trong trường hợp bệnh lý nặng, việc tìm kiếm sự tư vấn và điều trị từ bác sĩ là cần thiết. Hạn chế việc tiêu thụ nước diếp cá quá mức trong một ngày để tránh gặp phải tình trạng chóng mặt là điều quan trọng.
Nhớ rằng, việc sử dụng các phương pháp tự nhiên trong điều trị cần phải được thảo luận và theo dõi dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia y tế, đặc biệt là đối với những người có tình trạng sức khỏe đặc biệt hay đang dùng các loại thuốc khác.