Loài ký sinh trùng sống trong cơ thể người hàng chục năm
Cơ thể người là một mảnh đất màu mỡ cho các loài “quái vật” kinh dị ký sinh.
Mới đây, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng, có một số loài sinh vật có khả năng tồn tại ký sinh trong cơ thể người nhiều thập kỷ.
Một trong số các loài đó là sán lá máu - thuộc loài giun dẹp, sống ở những nơi có nguồn nước ô nhiễm. Chúng sẽ xâm nhập qua da khi da tiếp xúc với môi trường nước ô nhiễm, vì ký sinh trong máu nên chúng được gọi là sán lá máu.
Hiện nay, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra "bí quyết" mà sán lá máu sử dụng để có chu kỳ sống lâu dài như vậy. Đó chính là tế bào gốc ẩn giấu cho phép nó tái tạo các bộ phận cơ thể.
Nhà nghiên cứu Phillip Newmark thuộc ĐH Illinois (Mỹ) chia sẻ: "Điều này đã đem đến cho chúng ta cái nhìn sâu sắc về sinh học, đặc biệt cách sửa chữa và duy trì các mô để tăng "tuổi thọ" của các ký sinh trùng".
Theo nghiên cứu, các loại ký sinh trùng, đặc biệt là sán lá máu phát triển vào tuổi trưởng thành, ăn máu và tìm đối tác để giao phối. Con cái sau đó để trứng, ước tính lên tới hàng trăm trứng mỗi ngày.
Trứng không bị loại bỏ trong phân của vật chủ - con người nên chúng có cơ hội "ghé thăm" các cơ quan nội tạng, đặc biệt là gan - dẫn tới tình trạng viêm mãn tính và tổn thương mô nghiêm trọng.
Mặc dù không gây chết người ngay lập tức nhưng tầm ảnh hưởng của nó sẽ gây tổn hại lớn tới sức khỏe của nhiều người, gây ra chứng chậm phát triển.
Newmark và các đồng nghiệp đã đưa ra giả thuyết mới, loài sán lá máu có khả năng loại bỏ và thay thế các bộ phận khác nhau trong cơ thể chúng. Dựa trên sự quan sát các tế bào có đánh dấu huỳnh quang, họ cho rằng, tìm thấy 1 trong những loài sán máu - Schistosoma mansoni có thể làm được điều này.
Hiện, các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục nghiên cứu để tìm ra lời giải chính xác nhất cho giả thuyết của họ.