Loại hạt Việt Nam có nhiều nhưng vẫn chi 1,2 tỷ USD nhập khẩu: Hóa ra rất tốt cho sức khỏe

Ngọc Minh,
Chia sẻ

Đây mà loại hạt Việt Nam sản xuất với số lượng lớn, xuất khẩu đi nhiều nước. Tuy nhiên, trong 10 tháng đầu năm 2024, nước ta vẫn nhập khẩu loại hạt này với số lượng kỷ lục.

Nội dung chính:

Việt Nam nhập khẩu gạo với số lượng kỷ lục.

Tác dụng, vị thuốc từ gạo.

Lưu ý khi dùng.

Gạo là thực phẩm gắn liền với đời sống hằng ngày của người dân Việt Nam. Trên thế giới, Việt Nam đứng thứ 3 về sản lượng xuất khẩu gạo. Tuy là một trong những nước đứng đầu về xuất khẩu gạo nhưng chúng ta cũng đang nhập khẩu gạo với số lượng không hề nhỏ.

Xuất khẩu và nhập khẩu gạo đều tăng kỷ lục

Theo Tổng cục Hải quan, trong 10 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu gần 7,8 triệu tấn gạo, thu về khoảng 4,86 tỷ USD - mức cao nhất trong lịch sử. Khối lượng gạo xuất khẩu tăng hơn 10% và giá trị tăng khoảng 23% so với năm trước. 

Với nhập khẩu, trong 10 tháng đầu năm, Việt Nam đã chi gần 1,2 tỷ USD để nhập khẩu gạo, tăng gần 73% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức kỷ lục từ trước đến nay, VNExpress đưa tin. Riêng tháng 10, giá trị nhập khẩu đạt 148 triệu USD, tăng 225% so với tháng 10/2023.

Nguyên nhân khiến các doanh nghiệp tăng cường nhập khẩu gạo do xu hướng trồng lúa đã thay đổi. Nông dân chuyển sang sản xuất gạo thơm chất lượng cao để xuất khẩu, trong khi nhu cầu làm bún, phở trong nước chỉ cần các loại gạo giá rẻ, có độ nở tốt. Điều này khiến các doanh nghiệp lựa chọn nhập loại gạo phù hợp với nhu cầu để giảm chi phí đầu vào.

Loại hạt Việt Nam có nhiều nhưng vẫn chi 1,2 tỷ USD nhập khẩu: Hóa ra rất tốt cho sức khỏe - Ảnh 2.

Việt Nam nhập khẩu gạo kỷ lục.

Tác dụng của gạo

Gạo – cơm là thực phẩm chính trong bữa ăn của người Việt. Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, trong 100g gạo tẻ có chứa khoảng 74g chất bột đường; 9,4g chất đạm; 4,47g chất béo và nhiều vi chất khác. Lớp ngoài cùng của hạt và mầm hạt gạo đều chứa các chất dinh dưỡng quý như: đạm, chất béo, canxi và vitamin nhóm B.

Nhà khoa học Bùi Đắc Sáng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết, gạo là thực phẩm cung cấp carbohydrate khá hiệu quả cho cơ thể, tăng năng lượng để duy trì các hoạt động trong cơ thể. Trong gạo có chứa canxi giúp xương chắc khỏe hơn và giảm nguy cơ loãng xương, sâu răng, gãy xương,.. Một số nghiên cứu cũng chỉ ra tinh bột kháng có trong gạo sau khi nấu chín và được làm nguội rất tốt cho tiêu hóa, đại tràng.

Gạo có thể dùng làm thuốc

Ông Sáng cho biết ngoài là thực phẩm cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể, gạo còn có thể dùng làm thuốc chữa bệnh. Trong y học cổ truyền, gạo tẻ có vị ngon ngọt, mát, tính bình. Tác dụng quy kinh vào tỳ và vị, giúp bổ khí huyết, cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể. Cách dùng thường là nấu cơm, cháo ăn để bồi bổ sức khỏe.

Các trường hợp gặp vấn đề tiêu hóa, khó tiêu có thể dùng gạo tẻ sắc uống hoặc nấu cháo ăn, giúp kiện tỳ, thông huyết mạch, tiêu hóa tốt.

Trong dân gian thường dùng gạo tẻ sao cháy khoảng 40g, 5 lát gừng, muối kết hợp thành bài thuốc sắc uống để điều trị nôn mửa, rối loạn tiêu hóa.

Theo ông Sáng, không chỉ gạo mà ngay cả cám gạo cũng được dùng làm thuốc. Cám gạo hay còn gọi là kháng tỷ có vị ngọt, tính bình. Cám gạo có tác dụng khai vị, hạ khí, chống đói. Cám gạo được chủ trị các chứng nghẹn, tê phù.

Người bị nghẹn có thể dùng cám gạo và đường nấu thành chè lam ăn.

Người bị phù dùng cám gạo, đậu đỏ, gạo nếp, mật mía nấu thành chè ăn hoặc sắc lấy nước uống để điều trị.

Ngoài ra, thân cây lúa (rơm, rạ) là thứ thường bị bỏ đi cũng có thể dùng làm thuốc và chế thành món ăn bổ dưỡng.

Ông Sáng lưu ý khi nấu cơm, mọi người không nên vo gạo kỹ, tránh làm mất dinh dưỡng quý. Ngoài ra, mọi người nên bảo quản gạo ở nơi khô ráo, tránh để gạo bị mốc vì thực phẩm bị mốc sẽ tạo ra độc tố có hại cho sức khoẻ. Khi gạo đã bị mốc, người dân cần vứt bỏ và tuyệt đối không sử dụng.

Chia sẻ