Loại cây mọc dại leo bờ tường chẳng ai ngó, nay được “săn lùng”: Hoá ra cực tốt cho nam giới
Đây là loại cây mọc dại ngoài tự nhiên hoặc được trồng làm tường rào. Hiện nay, quả của loại cây này được “săn lùng” với giá cao.
Quả trâu cổ được bán với giá cao
Trâu cổ là loại cây mọc dại. Trước kia, quả của loại cây này chẳng được mấy ai ngó tới. Tuy nhiên, hiện nay, khi mọi người biết đến tác dụng của quả trâu cổ, loại quả này lại được săn lùng.
Trên các sàn thương mại điện tử, quả trâu cổ được rao bán rất nhộn nhịp với mức giá khá cao. Quả trâu cổ tươi có giá từ 150.000-200.000 đ/kg. Quả trâu cổ khô có giá đắt hơn, từ 250.000-300.000đ/kg. Quả trâu cổ được biết tới có tác dụng cực tốt cho sức mạnh đàn ông nên được nhiều người “lùng” mua.
Tác dụng của trâu cổ
Bác sĩ, Lương y Nguyễn Hữu Trọng, Viện trưởng Viện nghiên cứu y học cổ truyền sản phẩm hữu cơ Việt Nam, cho biết trâu cổ còn có tên gọi khác là cây xộp, xộp xộp, vẩy ốc, bị lệ. Trâu cổ có tên khoa học là Ficus pumila L., thuộc họ dâu tằm (Moraceae). Cây thường mọc hoang nhưng cũng được trồng bằng đoạn dây leo cho leo lên tường nhà hoặc bờ tường.
Trâu cổ còn được biết đến là vị thuốc. Trong Y học cổ truyền, lá, dây leo và quả trâu cổ được dùng làm thuốc chữa nhiều chứng bệnh khác nhau. Riêng quả trâu cổ được biết tới là loại quả rất bổ dưỡng, đặc biệt là bổ dương. Quả thường được thu hái vào các tháng 8-9, đem về bổ dọc phơi sấy khô.
Bác sĩ Hữu Trọng cho hay quả trâu cổ có vị ngọt, tính mát, có tác dụng tráng dương, cố tinh, thông sữa, lợi thấp, kích thích tiêu hóa. Do đó, quả trâu cổ được dùng chữa di tinh, liệt dương, đau lưng, tay chân tê mỏi, phụ nữ ít sữa, tắc sữa, lỵ lâu ngày (ngày dùng 15-30g dạng thuốc sắc hoặc cao lỏng).
Rễ dây leo có vị hơi đắng, tính bình, có tác dụng khu phong hoạt lạc, hoạt huyết giải độc. Lá có vị chát, hơi chua, tính mát, có tác dụng tiêu thũng giải độc. Do đó, dây, rễ được dùng trị phong thấp tê mỏi, xương khớp sưng đau (ngày dùng 20-30g dạng thuốc sắc hoặc nấu thành cao).
Bài thuốc hay từ trâu cổ
Dưới đây là một số bài thuốc hay có dùng trâu cổ:
- Bổ thận, chữa di tinh, tay chân tê mỏi: Quả trâu cổ 1kg; Quả kim anh 0,5kg. Đun nấu kỹ với nước thành cao mềm, ngày uống 5-10g. Nếu không có quả kim anh, chỉ dùng một vị trâu cổ (cả quả, cành, lá) nấu thành cao dùng cũng rất tốt.
- Chữa bà mẹ ít sữa, tắc tia sữa: Quả trâu cổ 30g; Gạo nếp 50 -100g; Móng chân lợn 10 cái. Móng chân lợn rang cát phồng, tán bột mịn để riêng. Gạo nếp nấu cháo, khi cháo chín cho bột móng chân lợn vào quấy đều nêm chút gia vị ăn; ngày ăn 2 lần. Ăn đến khi sữa về nhiều, thông thì ngừng ăn cháo.
- Chữa đau xương, đau người: Cao đặc quả trâu cổ, ngày uống 5-10g.
- Chữa quáng gà: Lấy 5 quả trâu cổ, gan lợn 20g, nấu canh ăn hằng ngày đến khi hết bệnh.
- Chữa liệt dương, di tinh, tim loạn nhịp: Quả trâu cổ sao khô, bạch khiên ngưu sao khô (lượng bằng nhau) làm thành bột mịn, trộn đều, đựng trong lọ khô sạch có nút kín. Ngày uống 3 lần mỗi lần 6g.
- Chữa đái buốt, đái rắt, đái ra máu: Cành lá trâu cổ 30g, rễ cỏ tranh 30g, mã đề 20g, sắc nước uống.
- Chữa suy nhược sau ốm: Cành lá trâu cổ 80g hầm với 300g xương lợn, ăn hằng ngày.
Lưu ý khi dùng trâu cổ làm thuốc, mọi người cần tuân thủ theo đúng liều lượng, tốt nhất nên tư vấn ý kiến của người có chuyên môn.