Lo sợ biến thể mới, chuyên gia y tế kêu gọi nâng cấp khẩu trang
Trong bối cảnh ngày càng xuất hiện nhiều biến thể virus SARS-CoV-2 mới có khả năng lây lan nhanh hơn, các chuyên gia y tế khuyến cáo cần phải đeo những loại khẩu trang chất lượng và tiêu chuẩn hơn, hoặc có thể cùng lúc đeo khẩu trang y tế và khẩu trang vải.
Theo hãng tin AFP, các nhà khoa học nhất trí rằng virus SARS-CoV-2 lây truyền chủ yếu qua không khí chứ không qua các bề mặt ô nhiễm. Có nhiều bằng chứng cho thấy những giọt nhỏ có thể bắn rộng xa vài mét trong quá trình nói chuyện hoặc thở của một người đủ khả năng để truyền bệnh.
Theo một số chuyên gia, tình hình dịch bệnh còn phức tạp hơn vì một số phiên bản virus đột biến, chẳng hạn như biến thể mới lần đầu phát hiện ở Anh, có khả năng lây lanh nhanh hơn phiên bản gốc.
Trước đó, khi đại dịch bắt đầu lây lan rộng, các nhà chức trách khuyến cáo việc đeo khẩu trang y tế.
Do không đủ lượng cung, việc đeo khẩu trang vải "tự làm" vẫn được khuyến khích. Tuy nhiên đó vẫn chưa phải là giải pháp tốt nhất.
Khẩu trang có màng lọc và kín khí
Lynsey Marr, Giáo sư tại Đại học Công nghệ Virginia chuyên về các bệnh truyền nhiễm qua không khí, cho biết: “Hiệu quả của khẩu trang phụ thuộc vào hai yếu tố: khả năng lọc và khả năng kiểm soát không khí ra vào”. Nhà khoa học chỉ ra "màng lọc tốt ngăn chặn các hạt nhỏ li ti xâm nhập và việc điều chỉnh mép khẩu trang khít vào khuôn miệng sẽ giảm được lượng không khí đi qua”.
Vật liệu tốt nhất để ngăn chặn sự xâm nhập của các hạt nhỏ li ti là polypropylene được sử dụng trong nhiều khẩu trang dùng trong phòng phẫu thuật hoặc khẩu trang được trang bị màng lọc như "KN95".
Đối với khẩu trang vải, vật liệu tốt nhất là bông được đóng gói kỹ càng. Với những khẩu trang bằng vải bông, chuyên gia cho biết người đeo khi hít vào cần cảm nhận được lớp vải cũng bị kéo vào bên trong, hoặc nếu đặt tay ở hai bên mép khẩu trang, người đeo phải không cảm nhận được bất kỳ luồng khí nào thoát ra trong quá trình thở ra thì đó mới là khẩu trang đạt chuẩn.
Khẩu trang cũng được nên trang bị một thanh kim loại cho phép điều chỉnh phần mép khẩu trang phù hợp với mũi người sử dụng và dùng dây cao su quấn quanh đầu thay vì gài vào hai tai.
Hai chiếc khẩu trang sẽ tốt hơn một chiếc. "Nếu bạn đã đeo một khẩu trang bằng vải, hãy chọn chiếc có nhiều lớp. Hoặc bạn có thể đeo bên trong là khẩu trang y tế dưới lớp khẩu trang vải”, chuyên gia Lynsey Marr giải thích .
Khẩu trang y tế được làm bằng vật liệu có khả năng lọc lớn nhưng có xu hướng dễ bị hở. Do đó, thêm một khẩu trang vải có thể giúp giữ các mép dính vào mặt, giảm khả năng hạt xâm nhập vào qua không khí.
Đeo khẩu trang mãi mãi
Các chuyên gia cho rằng ngay cả sau khi khủng hoảng COVID-19 chấm dứt, khẩu trang vẫn tiếp tục là một phần trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta.
Trước khi đại dịch bùng phát, Giáo sư Donald Milton của Đại học Maryland cùng với các nhà khoa học khác đã nghiên cứu về bệnh cúm và kết luận rằng nó cũng có thể lây truyền qua các hạt sản sinh ra khi nói hoặc thở. Họ giải thích rằng vai trò của hắt hơi, ho và sự lây truyền virus qua các bề mặt ít hơn so với những tính toán ban đầu.
Vào thời điểm đó, nghiên cứu của họ đã gây ra tranh cãi nhưng đã được ghi nhận sau khi dịch bệnh COVID-19 lan rộng. Do đó, khẩu trang có thể tiếp tục được khuyến khích trong tương lai đề phòng các dịch bệnh cúm sau này.