Lộ diện 3 công ty kiểm toán ‘bỏ lọt’ báo cáo tài chính bất thường của SCB
Giai đoạn 2012 - 2022, ba công ty kiểm toán hàng đầu là Ernst & Young Việt Nam, Deloitte Việt Nam, KPMG Việt Nam đã thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính của SCB. Tuy nhiên, số tiền khổng lồ đã bị "rút ruột" ở SCB trong thời gian dài nhưng hoạt động kiểm toán không phát hiện bất thường gì.
3 công ty kiểm toán hàng đầu
Phiên xét xử bà Trương Mỹ Lan và 85 bị cáo khác trong vụ án Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các đơn vị liên quan đang diễn ra, ra thu hút sự chú ý bởi số tiền bị rút ruột khỏi SCB lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng, đã đặt dấu hỏi về vai trò và trách nhiệm của các công ty kiểm toán trong việc thực hiện công việc tại SCB.
Theo kết luận của Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an, trong số 1.284 khoản vay của nhóm bà Lan và Vạn Thịnh Phát còn dư nợ đến thời điểm khởi tố vụ án vào tháng 10/2022 là 677.000 tỷ đồng. Sau khi trừ đi giá trị tài sản đảm bảo bà Lan bị chiếm đoạt 304.000 tỷ đồng, gây thiệt hại gần 130.000 tỷ đồng lãi.
Sau khi bà Lan bị khởi tố, SCB được Ngân hàng Nhà nước đưa vào diện kiểm soát đặc biệt. Báo cáo kiểm toán của Công ty Kiểm toán KPMG Việt Nam công bố tháng 5/2023 xác định, SCB âm vốn chủ sở hữu hơn 443.000 tỷ đồng.
KPMG Việt Nam cũng là công ty kiểm toán báo cáo tài chính của SCB trong các năm 2020, 2021. Tuy nhiên trong các báo cáo kiểm toán năm 2020 và soát xét 6 tháng đầu năm 2022, KPMG chỉ nhấn mạnh việc SCB đang thực hiện đề án cơ cấu lại ngân hàng gắn với xử lý nợ xấu. Kiểm toán viên của KPMG cho rằng báo cáo tài chính của SCB đã phán ánh trung thực và hợp lý, trên các khía cạnh trọng yếu, tình hình tài chính hợp nhất của ngân hàng.
Trước KPMG Việt Nam, hai công ty kiểm toán danh tiếng khác là Deloitte Việt Nam và Ernst & Young Việt Nam đều từng kiểm toán báo cáo tài chính cho SCB. Cụ thể, giai đoạn 2012 - 2016 là Ernst & Young Việt Nam kiểm toán cho SCB. Giai đoạn 2017 - 2019 là Deloitte Việt Nam. Từ 2020 - 2022 là KPMG Việt Nam.
Đáng chú ý, trong suốt 10 năm kiểm toán cho báo cáo tài chính của SCB, các kiểm toán viên tại 3 công ty trên dường như không phát hiện điều gì bất thường của ngân hàng. Các kỳ báo cáo phần lớn đều là “không thấy có vấn đề gì”, “phản ánh trung thực”, phù hợp với chuẩn mực kế toán...
Chỉ tại báo cáo tài chính kiểm toán năm 2012 và báo cáo soát xét bán niên 2013, Ernst & Young Việt Nam chỉ lưu ý một số vấn đề, trong đó có nhắc tới thanh khoản ngân hàng.
Cụ thể, kiểm toán viên có lưu ý trong thuyết minh 41.3 về rủi ro thanh khoản, tại ngày 30/6/2012 ngân hàng có các khoản nợ khác đã quá hạn, gồm: Tiền gửi, vay các tổ chức tín dụng và các khoản nợ khác. Ngân hàng cũng có một khoản phải thu đã quá hạn nhưng chưa thu hồi được gây ra những khó khăn về thanh khoản và hoạt động kinh doanh.
Ban điều hành SCB đã biết được các vấn đề này và đã thực hiện các biện pháp để duy trì hoạt động kinh doanh liên tục. Ngoài ra ngân hàng cũng thực hiện các giải pháp cơ cấu danh mục tài sản có và tái cấu trúc ngân hàng để ổn định hoạt động, nâng cao thanh khoản.
Với báo cáo tài chính năm 2021, kiểm toán viên của KPMG Việt Nam chỉ nêu vấn đề nhấn mạnh, lưu ý người đọc các thuyết minh liên quan phân loại nợ, dự phòng và khoản lãi dự thu phát thuộc đề án cơ cấu lại ngân hàng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2019 - 2020.
Kết quả trái ngược
Báo cáo tài chính của SCB cho thấy từ năm 2007 đến nay ngân hàng luôn báo lãi đều đặn, trong đó năm 2008 lãi trước thuế 646 tỷ đồng. Giai đoạn 2012-2029, lợi nhuận SCB có chững lại nhưng sau đó tiếp tục tăng tốc.
Cụ thể, năm 2020 lợi nhuận SCB bất ngờ tăng gấp 3 lần 2019, đạt 696 tỷ đồng. Còn năm 2021 lãi đột biến hơn 1.400 tỷ đồng. Còn nửa đầu năm 2022 - trước khi vụ án bị khởi tố, SCB lãi sau thuế lên tới 718 tỷ đồng.
Về tài sản, tỷ lệ nợ phải trả/tổng tài sản của SCB luôn duy trì tỷ lệ cao trên 90% từ hàng chục năm nay. Thậm chí năm 2019 và 2020 tỷ lệ nợ phải trả trên tổng tài sản vượt 97%.
Báo cáo ghi nhận tổng tài sản SCB tính đến 30/6/20222 đạt 761.178 tỷ đồng, còn tổng nợ phải trả 738.054 tỷ đồng. Trong tổng nợ phải trả, dư tiền gửi khách hàng đạt 594.630 tỷ đồng, tăng 16% so với thời điểm đầu năm.
Trong tổng 594.630 tỷ đồng tiền gửi của khách hàng vào SCB tính đến cuối quý II/2022 có 549.177 tỷ đồng là tiền gửi của các cá nhân, chiếm 92,4% tổng tiền gửi khách hàng.
Sau khi Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, cơ quan điều tra đã cho xác minh, đánh giá thực trạng tài chính của SCB.
Theo đó, thực trạng tài chính của SCB tại 30/6/2017 với tỷ lệ nợ xấu đến 20,92% trong khi so với SCB báo cáo chỉ 0,61%; tỷ lệ an toàn vốn riêng lẻ CAR 6,5% trong khi so với số SCB báo cáo là 10,06%; tỷ trọng dư nợ cho vay bất động sản/tổng dư nợ 62,95% trong khi số SCB báo cáo 55% (quy định của Ngân hàng Nhà nước cho phép không quá 55%)…
Báo cáo rà soát, đánh giá cho kết quả SCB đã âm vốn chủ sở hữu 443.769 tỷ đồng, lỗ lũy kế 464.547 tỷ đồng. Đối với nhóm Trương Mỹ Lan, kết quả điều tra cho thấy xuyên suốt quá trình, hơn 1,06 triệu tỷ đồng đã được giải ngân.
Tính đến thời điểm bị khởi tố, dư nợ của nhóm Trương Mỹ Lan còn 677.286 tỷ đồng. Trong khi đó tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại SCB đang hơn 511.262 tỷ đồng. Kết quả thẩm định giá của Công ty Hoàng Quân cho thấy giá trị tài sản SCB còn lại là 295.940 tỷ đồng.