Linens for life: Dự án "hô biến" hàng tấn vải cũ của khách sạn 5 sao thành quần áo cho trẻ sơ sinh, đến Việt Nam cũng hưởng ứng nhiệt liệt

Diệp Lục,
Chia sẻ

Hàng năm, các khách sạn cao cấp thường thải ra khoảng hai đến ba tấn vải đã qua sử dụng từ ga trải giường, vỏ gối, khăn tắm... gây ra tình trạng lãng phí.

Hàng năm, theo định kỳ, các khách sạn cao cấp thường thải ra hàng tấn vải khác nhau đã qua sử dụng như ga trải giường, vỏ chăn, vỏ gối, khăn trải bàn, khăn ăn, khăn tắm... Nhiều khách sạn đã phải mất một khoản ngân sách lớn để tiêu hủy chúng và ảnh hưởng không hề nhỏ đến môi trường sống.

Những loại vải này đều có chất lượng tốt và hoàn toàn có thể tái sử dụng được. Chính vì vậy, một dự án xã hội gắn với đời sống thường nhật của mọi người đã ra đời với tên gọi Linens for life - Vải cho cuộc sống. Đây là dự án được hình thành từ ý tưởng của ông Stefan Phang, người Singapore vào năm 2011, khi ông chứng kiến cơn bão lớn đổ bộ vào Philippines, cướp đi mạng sống của nhiều người.

Khi đó, sau khi thảm họa ập đến, người dân bị mất toàn bộ nhà cửa và đồ đạc. Họ phải sống trong những khu nhà tạm bợ hay trại tị nạn với điều kiện vệ sinh không được đảm bảo. Họ rất thiếu thốn những đồ dùng thiết yếu như khăn mặt, quần áo, chăn hay vỏ gối. Chính vì vậy, ông Stefan Phang đã nảy ra ý tưởng huy động sự trợ giúp từ các khách sạn với số lượng lớn đồ vải không dùng đến nữa để giúp đỡ người dân địa phương có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Người đàn ông "hô biến" hàng tấn vải cũ ở khách sạn 5 sao thải ra hàng năm trở thành quần áo cho trẻ sơ sinh và nhiều đồ dùng thiết yếu khác - Ảnh 1.

Ông Stefan Phang (bên trái) là người đưa ra ý tưởng cho dự án "Vải cho cuộc sống".

Theo ông Stefan Phang, Giám đốc trách nhiệm xã hội và phát triển bền vững công ty Diversey, dự án Vải cho cuộc sống được triển khai với 3 mục tiêu chính: giúp đỡ các nỗ lực cứu trợ sau thảm họa; cung cấp những đồ dùng thiết yếu cho cộng đồng hay các nhóm xã hội dễ bị tổn thương và giúp các khách sạn xử lý những đồ vải thải ra với số lượng lớn.

Đến nay, Diversey đã khởi động hơn 23 dự án Linens For Life tại tổng số 15 thành phố trên khắp châu Á, Trung Đông và châu Phi. Các loại đồ dùng vải đã qua sử dụng tại các khách sạn sẽ được Diversey thu thập và phân phối cho các tổ chức phi chính phủ và cộng đồng địa phương để được tái sử dụng hoặc tái chế. Những dự án này đã cung cấp đồ dùng cho khoảng 700 người dân.

Ở Việt Nam, trước khi có dự án "Vải cho cuộc sống", hàng tấn ga trải giường, khăn bàn, vỏ chăn, vỏ gối, khăn ăn, khăn tắm, quần áo nhân viên, tấm phủ... từ các khách sạn lớn ở Việt Nam bị tiêu hủy sau một thời gian sử dụng. Chi phí tiêu hủy không nhỏ, lại gây ảnh hưởng môi trường.

Người đàn ông "hô biến" hàng tấn vải cũ ở khách sạn 5 sao thải ra hàng năm trở thành quần áo cho trẻ sơ sinh và nhiều đồ dùng thiết yếu khác - Ảnh 2.

Dự án đã lan đến Việt Nma vào năm 2016.

Nhưng từ năm 2016 cho đến nay mọi thứ đã khác, cứ đến kỳ thay các đồ vải nói trên, nhiều khách sạn 5 sao ở Việt Nam đã gửi đến dự án của ông Stefan Phang, người đã gắn bó với các hoạt động hỗ trợ cộng đồng tại Việt Nam và các nước đang phát triển khác. Các mảnh vải tốt, còn rất mới sẽ được "hô biến" trở thành quần áo, tã lót cho trẻ sơ sinh.

Đi xa hơn nữa, hiện nay dự án "Vải cho cuộc sống" của ông Stefan Phang mở rộng sang may các sản phẩm như túi xách, đồ chơi, áo, váy, đồng phục học sinh, hay chăn, vỏ gối, ga giường bệnh, tấm lót, phủ dụng cụ... tại các trạm y tế vùng cao. Ngoài ra, dự án còn dùng vải cũ để may khẩu trang, áo chống nắng, túi... bán ra ngoài thị trường.

Tại Việt Nam, chương trình Linens for Life - Vải cho cuộc sống hiện đang được triển khai tại 14 tỉnh, thành phố, với sự tham gia của 50 khách sạn và hơn 1.500 người hưởng lợi trực tiếp.

Người đàn ông "hô biến" hàng tấn vải cũ ở khách sạn 5 sao thải ra hàng năm trở thành quần áo cho trẻ sơ sinh và nhiều đồ dùng thiết yếu khác - Ảnh 3.

Dự án "Vải cho cuộc sống" đã được nhân rộng và phát triển thành nhiều hoạt động tái chế khác nhau.

Cứ như vậy, hàng tấn vải cũ từ các khách sạn trên khắp cả nước đã được tái chế thành các sản phẩm sáng tạo, không chỉ được tặng miễn phí cho các bà mẹ nghèo mới sinh con mà còn giúp tăng thu nhập cho người khuyết tật và góp phần bảo vệ môi trường.

Nguồn: Tổng hợp

Chia sẻ