Liên tục mất tiền sau các cuộc gọi giả danh

HOÀNG THUẬN,
Chia sẻ

Gần đây, nhiều người dân đã bị mất hàng tỷ đồng sau cuộc gọi giả danh “cán bộ công an”.

Ngày 20/4, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TPHCM đang làm rõ đơn trình báo của ông Đ.T.L., (71 tuổi, ngụ TPHCM) về việc bị mất gần 15 tỷ đồng trong tài khoản ngân hàng sau khi nghe cuộc gọi của người tự xưng là “Cục trưởng” Bộ Công an.

Ông D.TL, cho biết, sáng 17/4, ông nhận được điện thoại của một người tự xưng là “cán bộ công an” thông báo với ông có dính tới đường dây tội phạm. Ông L. nói bản thân không liên quan thì “cán bộ công an” gọi video call để nói chuyện và cho xem lệnh bắt giam.

Sau đó, người này chuyển máy tới “lãnh đạo Bộ Công an” để ông L. làm việc trực tiếp. Ít phút sau, ông L. nhận được điện thoại video call của một người đàn ông tự xưng là "Cục trưởng" của một Cục thuộc Bộ Công an nói ông dính vào vụ án tội phạm về kinh tế nên phải kê khai, chuyển tiền vào một tài khoản ngân hàng mà người này cung cấp để điều tra, nếu không liên quan tới vụ án thì sẽ trả lại.

Công an TPHCM khuyến cáo người dân cảnh giác khi nhận tin nhắn, cuộc gọi video với nội dung vay, mượn qua các ứng dụng mạng xã hội; cần xác minh, kiểm tra lại bằng cách gọi số điện thoại di động của người thân để đối chiếu. Người dân cần hạn chế đăng tải thông tin cá nhân, hình ảnh, video... của bản thân, người thân lên mạng xã hội để tránh lộ, lọt thông tin. Nếu phát hiện đối tượng giả mạo người thân, bạn bè, đồng nghiệp lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thì cần báo ngay cho cơ quan công an gần nhất để được hỗ trợ.

Do tin lời, ông L. chuyển 6 tỷ đồng vào số tài khoản mà “Cục trưởng” cung cấp. Ông L. chuyển tiền xong, “Cục trưởng” gọi điện yêu cầu ông không được nói với người thân, phải làm theo hướng dẫn của cán bộ công an để điều tra và mua điện thoại, sim mới đăng ký với ngân hàng.

Vị “Cục trưởng” hướng dẫn ông L. cài app để khai báo họ tên, căn cước công dân, tài khoản ngân hàng, tên đăng nhập, mật khẩu… Ngày 18/4, ông L. nhận được điện thoại của "Cục trưởng" yêu cầu ra ngân hàng chuyển tiếp tiền để kiểm tra. Ông L. chuyển hơn 8 tỷ đồng vào tài khoản của "Cục trưởng" cung cấp.

Do không thấy “Cục trưởng” gọi điện trả tiền, ông L. kể lại sự việc cho người thân và đến ngân hàng kiểm tra thì phát hiện gần 15 tỷ đồng trong tài khoản đã được chuyển tới 4 tài khoản khác nhau.

Liên tục mất tiền sau các cuộc gọi giả danh - Ảnh 1.

Đối tượng lừa đảo gửi lệnh bắt tạm giam giả cho ông Đ.

Tương tự, tháng 7/2022, ông M.X.Đ. (54 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) nhận điện thoại của “cán bộ công an” trực ban phòng chống tội phạm của Công an thành phố Đà Nẵng thông báo liên quan đến đường dây tội phạm về ma túy, rửa tiền. Người này yêu cầu ông Đ. chụp hình thẻ ngân hàng, gửi vào một đường link. Sau đó, ông Đ. gửi thông tin tài khoản ngân hàng V. và B. (tài khoản ngân hàng B. có dùng dịch vụ banking), sổ tiết kiệm và căn cước công dân theo hướng dẫn của “cán bộ công an”.

Khi ông Đ. nhấp vào đường link, “cán bộ công an” yêu cầu ông chuyển tiền từ ngân hàng V. vào ngân hàng B. để xác minh; đồng thời xóa app của ngân hàng B. trên điện thoại. Tổng cộng, ông Đ. chuyển hơn 751 triệu đồng từ khoản ngân hàng V. vào tài khoản ngân hàng B.

Bị hối thúc chuyển tiền liên tiếp, ông Đ. nghi ngờ mình bị lừa đảo nên đến ngân hàng để kiểm tra thì tá hỏa phát hiện hơn 751 triệu đồng đã chuyển trước đó và hơn 1 tỷ đồng trong tài khoản B. bị mất sạch .

Cuối tháng 3/2023, ông C.V.S. (58 tuổi), hiệu trưởng của một trường tiểu học ở huyện Cẩm Xuyên (tỉnh Hà Tĩnh) bị nhóm người gọi điện thông báo ông liên quan đến đường dây tội phạm xuyên quốc gia, buôn ma túy. Lo sợ, ông S. cung cấp toàn bộ thông tin cá nhân, số tài khoản ngân hàng, mã OTP cho nhóm người này.

Do tài khoản ông S. không có tiền, nhóm lừa đảo yêu cầu ông vay mượn tiền của người thân, bạn bè gửi vào để chứng minh trong sạch. Ông S. vay 965 triệu đồng của nhiều người để chuyển vào tài khoản. Lúc người thân phát hiện, ngăn chặn thì số tiền trong tài khoản đã mất sạch.

Chia sẻ