Liên tiếp xảy ra hoả hoạn thảm khốc: Cảnh báo thực trạng lo ''chống trộm hơn chống cháy''
Công an Hà Nội nhận định những căn nhà lắp đặt lồng sắt, cửa cuốn bịt kín mặt tiền để chống trộm vô tình chặn hết các phương án thoát nạn khi xảy ra cháy nổ.
Vài tháng gần đây, địa bàn Hà Nội liên tiếp xảy ra các vụ cháy nhà thương tâm khiến nhiều người chết. Đặc điểm chung của những vụ hoả hoạn này là chủ hộ lắp đặt lồng sắt, cửa cuốn bịt kín lối thoát nạn.
Lực lượng chức năng phong tỏa hiện trường vụ cháy nhà khiến 3 người trong gia đình thiệt mạng, xảy ra vào rạng sáng 19/7 tại huyện Hoài Đức
"Lo chống trộm hơn chống cháy"
Nói về những vụ cháy thảm khốc xảy ra trên địa bàn, Công an TP Hà Nội nhận định, một trong những sai lầm nghiêm trọng trong công tác phòng cháy, chữa cháy mà đa số người dân hiện nay mắc phải đó là không cập nhật kiến thức về phòng cháy, chữa cháy, luôn mặc định "nhà tôi có bao giờ cháy".
Trong không gian sống ở đô thị, sự lơ là, chủ quan của người dân đối với "giặc lửa" là nguyên nhân chính gây nhiều vụ cháy lớn, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
"Thực tế, người dân có thể chi hàng trăm triệu đồng để mua sắm trang thiết bị hiện đại trong gia đình nhưng lại không bỏ ra vài trăm nghìn đồng để mua những thiết bị báo cháy, bình chữa cháy... Thậm chí, người dân cũng lo chống trộm hơn chống cháy", theo Công an TP Hà Nội.
Chính nghịch lý này tạo nên những ngôi nhà được lắp đặt lồng sắt, cửa cuốn điện bịt kín mặt tiền, chặn hết các phương án thoát nạn khẩn cấp. Khi xảy ra hỏa hoạn, căn nhà như chiếc lồng kiên cố nhốt các nạn nhân trong đó, dù lực lượng cứu hỏa và người dân rất cố gắng tìm cách giải cứu nhưng cũng đành bất lực.
Nên tách biệt nơi ở và nơi sản xuất, kinh doanh
Để đảm bảo tốt nhất công tác an toàn phòng cháy, chữa cháy tại các hộ gia đình được xây dựng dạng hình ống, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do cháy nổ gây ra, Công an TP Hà Nội đề nghị chủ hộ gia đình cần chủ động tìm hiểu để có kiến thức và kỹ năng cơ bản về phòng cháy, chữa cháy.
Cùng đó các gia đình cần đôn đốc, nhắc nhở thành viên thực hiện quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và nắm vững kiến thức cơ bản về phòng cháy, chữa cháy, thoát nạn, cứu người trong đám cháy, sơ cứu ban đầu.
Những căn nhà "chuồng cọp" không lối thoát hiểm luôn tiềm tàng tai nạn cháy nổ
Người dân không sắp xếp vật dụng che chắn, cản trở lối thoát nạn; không lắp đặt biển quảng cáo, lồng sắt, lưới sắt tại các ban công, lô gia của nhà.
Tầng sân thượng, mái cần bố trí thông thoáng và có lối lên từ tầng dưới qua các thang cố định và cửa đi, không khóa cửa lối lên mái. Trường hợp cửa có khóa, cần quy định vị trí đặt chìa khóa trong nhà.
"Đối với nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, chứa hàng hóa, chất nguy hiểm về cháy, nổ nên bố trí tách biệt với nơi ở, sinh hoạt; không sản xuất, kinh doanh chất, hàng hóa dễ cháy, nổ trong ngôi nhà (xăng, dầu, hóa chất dễ cháy, nổ)", Công an TP Hà Nội lưu ý.
Theo cơ quan chức năng, khi lắp đặt thêm thiết bị tiêu thụ điện, cần tính toán tránh gây quá tải; không nên sử dụng nhiều thiết bị điện trên cùng một ổ cắm; khi lắp đặt các thiết bị điện sinh nhiệt lớn (đèn sưởi, quạt sưởi, lò nướng...) cần có khoảng cách an toàn. Ngắt (rút phích cắm) các thiết bị điện khi không sử dụng trước khi đi ngủ hoặc ra khỏi nhà.
Bên cạnh đó, các hộ gia đình, hộ sản xuất - kinh doanh cũng cần chuẩn bị phương án thoát nạn khi có cháy xảy ra.
Theo đó, với nhà có một lối thoát nạn, cần hướng dẫn bố trí thêm phương án thoát nạn thứ hai (có thể là cầu thang sắt ngoài nhà, ống tụt hoặc thang dây, dây thả chậm đặt tại ban công, lô gia, sân thượng, lối sang mái của nhà bên cạnh để thoát nạn trong trường hợp khẩn cấp).
Lưu ý trong quá trình di chuyển qua đám cháy, người dân nên dùng khăn thấm ướt che kín miệng, mũi và cúi thấp người để tránh nguy cơ bị ngạt khói, men theo tường và di chuyển đến nơi an toàn.
Sáng 19/7, trên địa bàn Hà Nội xảy ra vụ hoả hoạn thương tâm cướp đi sinh mạng của 3 người trong cùng gia đình.
Lúc 2h07, căn nhà ở kết hợp kinh doanh xe đạp, xe máy điện ở thôn Ngãi Cầu (xã An Khánh, huyện Hoài Đức) bất ngờ phát hoả. Mặc dù lực lượng chức năng cùng người dân nỗ lực bằng mọi cách nhưng không thể cứu được anh T.D.Q. (SN 1985), chị N.T.H. (SN 1990, vợ anh Q.) và T.N.L. (SN 2016, con của vợ chồng anh Q.).
Theo lời người hàng xóm, họ dùng cả xe nâng, bình cứu hỏa để tìm lối thoát cho các nạn nhân nhưng chiếc cửa cuốn quá chắc nên không thể phá.
Trước đó, hồi trung tuần tháng 5, vụ hoả hoạn ở quận Hà Đông khiến 4 bà cháu tử vong cũng liên quan đến căn nhà được "bảo hộ" kín mít, mặt tiền từ tầng 2 đến tầng 3 được lắp khung sắt bảo vệ khiến hàng xóm không thể ném quả nổ cứu hoả vào.