Liên cầu khuẩn lợn đã “lây” sang các thực phẩm khác?
Đây là câu hỏi các bác sĩ đặt ra khi trong nhiều ca mắc mới liên cầu lợn nhập viện Bệnh nhiệt đới TƯ có nhiều trường hợp không có tiền sử tiếp xúc với lợn.
Người nhà bà T. cho hay, sau khi đi chợ mua thức ăn về, bệnh nhân có biểu hiện mệt mỏi, nhức đầu, nóng sốt liên tục… phải nhập BV Đa khoa Phố Nối (Hưng Yên) cấp cứu sau đó được chuyển đến BV Nhiệt đới Quốc gia. Bà T. đã phải trải qua 3 tuần chữa trị mới thoát khỏi tình trạng nhiễm khuẩn huyết do liên cầu khuẩn lợn gây ra. Đáng nói, bà T trước đó không ăn tiết canh, không tiếp xúc với thịt lợn, đồ ăn hôm bà đi chợ mua về cũng không có thịt lợn.
Trước tình trạng này, BS Nguyễn Hồng Hà bày tỏ lo ngại: “Rất có thể loại vi khuẩn gây bệnh liên cầu lợn (Streptococcus Suis) đã lan ra môi trường và xâm nhập nhiều loại thực phẩm khác khiến người dân nhiễm bệnh mà không biết. Và nếu người dân vẫn chủ quan không chú ý giữ vệ sinh trong việc ăn uống, ăn thịt lợn bệnh, thịt lợn không nấu chín thì số người mắc và tử vong do nhiễm khuẩn liên cầu lợn sẽ ngày càng gia tăng”.
Ngoài ra, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TƯ cũng đang phải điều trị cho nhiều ca mắc liên cầu khuẩn lợn nguy kịch. Chỉ riêng trong tháng 8/2011, bệnh viện đã tiếp nhận 9 ca mắc liên cầu lợn. Tích lũy từ đầu năm đến nay, bệnh nhân mắc liên cầu lợn đã lên 35 ca với 31 trường hợp là nam giới. Theo TS Hà, điều này phù hợp với tập quán ăn uống, sinh hoạt, giết mổ động vật của các nhóm đối tượng khác nhau. Tình trạng này cũng phù hợp với điều tra dịch tễ của Viện Vệ sinh dịch tễ công bố trong tháng 5/2011 cho thấy, đến 98% bệnh nhân là nam giới, trong đó, hầu hết các bệnh nhân có ăn hoặc tiếp xúc trực tiếp với lợn/thịt lợn trong vòng 7 ngày trước khi khởi phát. Số bệnh nhân đã giết mổ lợn/ăn thịt lợn tái/tiết canh là 31 trường hợp (chiếm 64,58%). Riêng ăn lợn tái/tiết canh lợn chiếm tỷ lệ nhiều nhất (58,33%). Ngoài ra còn có một số yếu tố khác đều liên quan đến lợn như chăm sóc, chăn nuôi lợn ốm, ăn thịt lợn ốm/chết. Số tử vong xảy ra chủ yếu ở những bệnh nhân có cả 2 yếu tố ăn thịt lợn tái/tiết canh và giết mổ lợn (6/7 trường hợp).
Hầu hết các bệnh nhân khởi bệnh chỉ có dấu hiện sốt cao, sau đó tri giác lơ mơ, li bì hôn mê, bệnh nhân sốc tụt huyết áp, xuất hiện các ban hoại tử trên da. Bệnh diễn tiến nhanh chóng, khiến bệnh nhân bị suy đa phủ tạng, hôn mê nên cơ hội cứu chữa sẽ thấp đi nếu không kịp thời tới viện. Còn khi được đưa tới viện điều trị, tùy từng thể bệnh mà thời gian điều trị kéo dài bao lâu. Trung bình, một bệnh nhân bị bệnh liên cầu khuẩn lợn thể viêm màng não mủ phải nằm viện điều trị ít nhất là 3 tuần, có những bệnh nhân nhiễn khuẩn huyết phải điều trị đến 2 tháng, với chi phí hàng trăm triệu, tùy thuộc di chứng có trầm trọng hay không trầm trọng.
Nhiều bệnh nhân SXH nằm ghép giường Nửa tháng trở lại đây, tại bệnh viện Bệnh nhiệt đới TƯ, số bệnh nhân tới viện khám, nằm viện vì bệnh sốt xuất huyết tăng nhanh. Trung bình mỗi ngày có thêm khoảng 10 ca SXH mới nhập viện, đa số bệnh nhân tình trạng bệnh nặng nề phải điều trị dài ngày. Theo BS Lê Thị Họa, khoa Vi-rút - ký sinh trùng, trong hơn nửa tháng qua, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận thêm 10 bệnh nhân sốt xuất huyết mới. Đáng nói, hầu hết các trường hợp được đưa tới trong tình trạng nặng nên phải nhập viện điều trị dài ngày (từ 5-10 ngày). Số bệnh nhân đang nằm viện chưa được xuất viện, mỗi ngày lại tiếp nhận thêm khoảng 10 ca mới nên hai tuần trở lại đây, bệnh viện đã phải tăng số người trực ở mỗi ca lên, cũng như tăng số ca trực để đáp ứng yêu cầu. Hiện bệnh nhân đã phải nằm ghép 2-3 người/giường. BS Nguyễn Hồng Hà, Phó giám đốc bệnh viện, khuyến cáo ngay khi có các dấu hiệu của bệnh sốt xuất huyết (bệnh nhân bị sốt cao đột ngột, liên tục, kéo dài 2-7 ngày, xuất huyết da, niêm mạc, có thể kèm chảy máu cam, chán ăn, đau cơ, đau khớp, đau bụng…), cần nhanh chóng đưa người bệnh đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Trường hợp nhẹ, có thể chăm sóc tại nhà bằng cách nghỉ ngơi, tránh vận động nặng, cho ăn cháo, súp, sữa, uống nhiều nước. Tuy nhiên, người bệnh tuyệt đối không hạ sốt bằng Aspirin, không cạo gió. |