Tiết canh, nem chạo gây bệnh liên cầu lợn

,
Chia sẻ

Dịch lợn tai xanh đã bùng phát tại 12 tỉnh thành trong cả nước. Nhiều bệnh nhân do ăn thịt lợn mắc bệnh liên cầu lợn vào nhập viện trong tình trạng nguy hiểm.

Lợn khoẻ vẫn chứa liên cầu khuẩn

Tại Viện Các bệnh nhiệt đới quốc gia đã có gần chục bệnh nhân bị mắc bệnh liên cầu lợn phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng nguy hiểm: viêm màng não, nhiễm trùng huyết nặng, huyết áp tụt, tiền sốc, hôn mê, chân tay hoại tử bốc mùi... Nguyên nhân là do các bệnh nhân ăn thịt lợn bị bệnh, không đảm bảo vệ sinh.

ThS Nguyễn Trung Cấp, khoa Điều trị tích cực (Viện Các bệnh nhiệt đới quốc gia) cho biết, vi khuẩn liên cầu lợn thường cư trú quanh năm ở họng một số con lợn mà không gây bệnh. Nhưng khi con lợn nhiễm virus lợn tai xanh thì sức miễn dịch bị suy giảm khiến vi khuẩn liên cầu phát triển mạnh, gây bệnh viêm phổi, nhiễm trùng huyết cho lợn.

 

Khi ăn tiết canh, cơ thể  người hấp thu một lượng lớn vi khuẩn liên cầu lợn còn sống.
 
Khi mổ thịt những con lợn bệnh này, hoặc đi tiêu hủy mà không đúng cách, rồi chế biến thịt trước khi đun nấu, thậm chí có nhiều người do không biết lợn bệnh nên vẫn ăn các sản phẩm tươi sống từ con lợn như tiết canh, lòng lợn, nem chạo... khi đó cơ thể người sẽ hấp thu một lượng lớn vi khuẩn liên cầu lợn còn sống. Đặc biệt, trên những nền bệnh nhân như tiểu đường, suy gan, nghiện rượu... thì liên cầu khuẩn lợn càng dễ gây bệnh.

Khó nhận biết thịt lợn mắc bệnh tai xanh

ThS Nguyễn Trung Cấp cảnh báo, điều nguy hiểm là từ khi tiếp xúc, ăn phải thịt lợn bệnh, thời gian khởi phát bệnh nhanh. Tại Viện Các bệnh nhiệt đới quốc gia đã từng ghi nhận bệnh nhân khởi bệnh nhanh nhất, chỉ sau 16 tiếng ăn thịt lợn bệnh. Hơn nữa, dù đã từng bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn, người bệnh vẫn hoàn toàn có thể mắc lại lần sau. Vì căn bệnh này giống như nhiễm trùng liên cầu bình thường, không để lại miễn dịch lâu dài cho cơ thể.

Ông Tô Long Thành, Phó giám đốc Trung tâm Chẩn đoán thú y trung ương khẳng định, bệnh tai xanh không lây cho người nhưng người dân không nên ăn lợn ốm, chết vì căn bệnh này. Bởi hầu hết lợn chết là do mắc các vi khuẩn gây bệnh nhiễm trùng cơ hội như phó thương hàn, liên cầu khuẩn... Trong số những bệnh nhiễm trùng cơ hội này, có bệnh liên cầu khuẩn lây cho người và từng làm chết người.

Cũng theo ông Thành, khó để nhận biết thịt lợn mắc bệnh tai xanh. Vì thế, người dân khi đi mua cần quan sát kỹ, chọn miếng thịt tươi, không bị tụ máu, không quá bóng, không có mùi kháng sinh, sờ  vào ấm, nóng, hơi dính. Còn nếu nó cứng, nhão thì có thể là thịt bệnh, thịt ôi. Nếu là lợn dịch còn sống, biểu hiện là tai cụp, tím tái, bỏ ăn, sổ mũi, trào bọt mép. Đối với thịt, khi mắc bệnh, lợn thường được tiêm kháng sinh nên thịt có mùi thuốc rất khó chịu.


Theo Bee
Chia sẻ