Lịch tiêm mũi vaccine phòng bạch hầu cho trẻ như thế nào?
Cha mẹ cần chú ý lịch tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu cho con em để đảm bảo miễn dịch phòng bệnh.
Theo CDC Hà Nội, lịch tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu cho trẻ em, thường kết hợp trong các vaccine 5 trong 1 hoặc vaccine 6 trong 1, bao gồm các mũi tiêm cơ bản và nhắc lại như sau:
- Mũi 1: Tiêm sớm nhất khi trẻ được 6 tuần tuổi.
- Mũi 2: Tiêm sau mũi 1 ít nhất 4 tuần.
- Mũi 3: Tiêm sau mũi 2 ít nhất 4 tuần.
- Mũi nhắc lại 1: Tiêm vaccine có thành phần bạch hầu nguyên liều, tiêm lúc 18 đến 24 tháng tuổi.
- Mũi nhắc lại 2: Tiêm vaccine có thành phần bạch hầu giảm liều lúc 4 đến 7 tuổi.
Đối với thanh thiếu niên: Tiêm 1 mũi vaccine có thành phần bạch hầu giảm liều lúc 9 đến 15 tuổi.
Ngoài ra, người lớn cũng có thể được tiêm thêm các mũi tiêm nhắc lại để đảm bảo sự bảo vệ liên tục khi cần thiết.
Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp:
- Đưa trẻ đi tiêm chủng theo lịch tiêm các vaccine có chứa thành bạch hầu (DPT-VGB-Hib, DPT…) đầy đủ, đúng lịch để đảm bảo miễn dịch phòng bệnh cho trẻ trong độ tuổi tiêm chủng. Trong trường hợp hoãn tiêm, đưa trẻ tham gia tiêm chủng sớm nhất có thể.
- Người dân tại nơi có ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc điều trị dự phòng và tiêm vaccine phòng bệnh theo chỉ định và khuyến cáo của cơ quan y tế. Trong trường hợp tiếp xúc gần tự theo dõi sức khỏe, khi có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh phải thông báo ngay cho cán bộ y tế.
- Người dân không để tâm lý hoang mang, tiếp nhận thông tin sai lệch từ các phương tiện thông tin đại chúng không chính thống; thực hiện tiêm chủng vaccine chứa thành phần bạch hầu theo đúng khuyến cáo của cơ quan y tế phòng chống dịch để đảm bảo an toàn, hiệu quả phòng bệnh. Trong trường hợp cần thiết, liên hệ với cơ sở y tế gần nhất để nhận được tư vấn về các biện pháp phòng bệnh bạch hầu.