Lịch sử là môn thi tốt nghiệp THPT bắt buộc: Muộn còn hơn không...

Nguyễn Dũng - Hà Linh,
Chia sẻ

Thông tin Lịch sử dự kiến sẽ là môn thi bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) từ năm 2025 được nhiều chuyên gia, nhà giáo đồng tình, ủng hộ.

Mới đây, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, trong phương án thi Tốt nghiệp THPT từ năm 2025, học sinh sẽ phải thi 4 môn bắt buộc là Toán, Văn, Ngoại ngữ, Lịch sử. Lí do là theo chương trình GDPT mới, học sinh từ lớp 10 đã học các môn bắt buộc và tự chọn, trong các môn bắt buộc có môn Lịch sử.

Lịch sử là môn thi tốt nghiệp THPT bắt buộc: Muộn còn hơn không... - Ảnh 1.

Một trong những hoạt động dạy và học lịch sử của giáo viên và học sinh ở Hà Nội

Môn học để học sinh biết yêu quê hương đất nước

NGƯT.GS.TS Võ Văn Sen, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TPHCM), Chủ tịch Hội khoa học Lịch sử TPHCM cho rằng, Lịch sử là môn thi bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT là việc đương nhiên, đáng ra phải thực hiện từ lâu.

“Một công dân tốt nghiệp lớp 12, không học đại học, không làm chuyên gia... thì cũng phải biết tối thiểu về lịch sử của đất nước. Chỉ học sử phổ thông sơ sơ ở cấp 1, cấp 2 thì không đủ cho nên các em phải thi môn Lịch sử trước khi làm người. Đây là kiến thức phổ thông căn bản các em cần phải biết”. NGƯT.GS.TS Võ Văn Sen


Theo ông Võ Văn Sen, tại các nước phát triển, môn Lịch sử được chú trọng và được đưa vào kỳ thi tốt nghiệp cuối cấp, bên cạnh các môn Toán, Văn, Lý, Hóa… “Trong nền giáo dục của nhiều nước, môn Lịch sử, Địa lý có vị trí rất quan trọng. Tại Mỹ, ở bậc trung học học sinh phải học môn Lịch sử 6 tiết/tuần (Việt Nam đang học 2 tiết/tuần).” - ông Sen nói và cho rằng, không thi môn Lịch sử như thời gian qua mới là bất thường, thậm chí là một sai lầm, bây giờ sửa đổi, thà muộn còn hơn không.

Chuyên gia này cho rằng, với học sinh, việc thi môn Lịch sử là bình thường. Thầy cô giáo sẽ cải tiến chất lượng giảng dạy giúp học sinh thi tốt.

Thầy Hoàng Sơn Hải, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (quận Tân Bình TPHCM) cho biết, rất ủng hộ việc đưa Lịch sử trở thành môn thi bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, bởi đây là môn học quan trọng để học sinh biết và yêu hơn quê hương, đất nước.

Phải thay đổi phương thức dạy học

Cô giáo Nguyễn Thị Lĩnh, Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh chia sẻ, Lịch sử trở thành môn thi bắt buộc từ năm 2025 là cần thiết bởi vì “dân ta phải biết sử ta”. Tuy nhiên, cô Lĩnh cũng cho rằng, trước đây, Lịch sử là môn thi tốt nghiệp THPT tự chọn, chỉ có học sinh chọn tổ hợp khoa học xã hội mới thi nghĩa là các em có lợi thế mới chọn. Nhưng khi trở thành môn bắt buộc, 100% học sinh phải thi, là điều kiện để tốt nghiệp sẽ khó khăn hơn đối với những em chọn tổ hợp khoa học tự nhiên. Do đó, cần thay đổi phương pháp dạy học và hình thức kiểm tra, đánh giá lẫn thi cử.

Bà Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) nói rằng, thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 từ năm học 2022-2023 đối với lớp 10, đến năm 2025, Bộ GD&ĐT đưa môn Lịch sử vào kỳ thi tốt nghiệp là cần thiết, phù hợp. Điều cần làm là giáo viên bộ môn phải thay đổi phương pháp dạy đề học sinh tự học, không nên đọc - chép, truyền thụ kiến thức một chiều.

Cũng theo bà Quỳnh, từ năm học này, hướng dạy khiến học sinh hào hứng tìm hiểu kiến thức môn học chính là dạy học theo dự án. Theo đó, học sinh sẽ chia nhóm, thực hiện các dự án tự tìm hiểu kiến thức, dựa trên gợi ý của giáo viên, sau đó làm thành những bài tiểu luận nhỏ. Giáo viên sẽ là người tổng kết lại, đánh giá sự kiện, giai đoạn đó có ý nghĩa thế nào. Ngoài ra, hằng tuần, nhà trường kết hợp hoạt động trải nghiệm, chương trình giáo dục địa phương để cho học sinh tham gia ngày đọc sách miễn phí tìm hiểu kiến thức về lịch sử, văn hoá. “Cách học như vậy khiến học sinh rất hào hứng, chủ động tiếp cận kiến thức. Tiếp đó cần thay đổi cách ra đề sẽ thấy kể cả học sinh ban A cũng không “quay lưng” với Lịch sử. Lâu nay, một số học sinh sợ hãi môn học là vì cách kiểm tra yêu cầu ghi nhớ cụ thể về sự kiện”, bà Quỳnh nói.

Thầy Hoàng Sơn Hải, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (quận Tân Bình TPHCM) đề nghị Bộ GD&ĐT sớm công bố rõ thi hay không thi và nếu thi thì hình thức thi ra sao, cấu trúc thế nào để các trường kịp thời chuẩn bị. “Hiện nay, thời lượng dành cho môn Lịch sử trong chương trình phổ thông rất ít, chỉ từ 1,5- 2 tiết mỗi tuần. Bên cạnh đó, tâm lý của học sinh vẫn “sợ” môn sử. Giáo viên thì chưa biết định hướng ra sao do chương trình mới chỉ vừa thực hiện trong một năm học, chưa có thời gian để đánh giá tổng quát các bậc phổ thông” - thầy Hải nói.

Chia sẻ