Lễ cưới không cỗ bàn của đôi vợ chồng cách đây 30 năm: Thấy cô gái chăn trâu xinh đẹp, chàng trai mê mẩn rồi dùng chiêu "mặt dày", thành công "lừa" nàng về dinh!
"Nhưng mà tao bị bố mày lừa đây này, cả làng không ai nói được câu anh yêu em mà bố lại nói được. Vậy là tự nhiên đồng ý cưới thôi", mẹ Thanh Hằng kể.
Ba mẹ luôn biết cách viết nên những câu chuyện tình khiến con cái nghe xong phải xuýt xoa khen ngợi vì tình cảm quá, đẹp đẽ quá. Cũng giống như những người trẻ tuổi, cách đây mấy chục năm, các "bậc phụ huynh" cũng rất biết cách yêu đương.
Trịnh Thị Thanh Hằng khoe về câu chuyện tình yêu của bố mẹ. Họ đã về chung một nhà được 30 năm nay. Trải qua biết bao nhiêu thăng trầm, cuộc hôn nhân đó vẫn bền chặt, khiến con cái phải ghen tị vì quá hạnh phúc. Bố Hằng tên Long 51 tuổi, mẹ tên Lài, ít hơn chồng 1 tuổi. Bố cô làm thầu xây dựng còn mẹ ở nhà nội trợ, làm nông nghiệp để có lúa sạch phục vụ cho gia đình.
Người đàn ông "mặt dày" và mối lương duyên bắt nguồn từ bãi chăn trâu
Năm bố 22, mẹ 21 thì họ quyết định về chung một nhà. Nhưng nói đến chuyện quen nhau thì cả hai có một câu chuyện rất dài và không kém phần hài hước.
Hồi nhỏ, mẹ rất nghịch. Mẹ ở làng trên, bố ở làng dưới. Cả hai làng có một khu vực để cùng chăn trâu bò. Ai ngờ đâu thấy mẹ cưỡi trâu giỏi, bố thích luôn từ lúc đó.
Lên đến cấp 3, bố đi học qua chỗ mẹ, lúc nào cũng phải trêu chọc một chút mới thỏa lòng. Mẹ cũng đâu chịu thua, bị trêu nên gọi nguyên đám con nít làng ra để trêu lại. Cứ như vậy cho đến hết cấp 3, hai bên từ mấy vụ trêu qua trêu lại mà rơi vào cảnh "tình trong như đã".
Cảm thấy chưa đủ chắc chắn, bố quyết định chơi luôn bài "mặt dày", ngày ngày lên nhà ông bà ngoại ngồi lì ở đó với mục đích tán tỉnh.
Hồi ấy, mẹ cũng xinh có tiếng, nhiều người "đặt vấn đề". Con gái 21 tuổi vào những năm 1990 là "ế" lắm rồi. Thấy bố tôi kiên trì nhất, ông ngoại kiên quyết gả luôn. Thế là cả hai bỗng nhiên thành vợ chồng.
Bây giờ con cái hỏi mẹ chuyện ngày đó có yêu không mà đồng ý cưới vội thế, mẹ đều bật cười: "Thấy bố mày đẹp trai, học giỏi nên cưới để sau này con cái thông minh theo chứ sao. Dù sao tao cũng chỉ học hết có lớp 7"...
Ngày đó, bố mẹ về với nhau nhưng không có đám cưới hay cỗ bàn linh đình, họ cũng chẳng có lấy một bức hình cưới.
Nhà ông ngoại khó khăn lại có đến 10 người con nên cũng "lực bất tòng tâm", khó có thể giúp mẹ một đám cưới thật sự tươm tất. Phía bên nội cũng có chút khó khăn nên ngày vui đó, bố chỉ cùng đoàn nhà trai lên ngoại rước dâu và tổ chức một buổi liên hoan nho nhỏ mà thôi. Đơn sơ, mộc mạc trong những ngày khó khăn vậy cũng đủ để hai người hoàn tất thủ tục, về chung một nhà.
Thiệt thòi nhưng mẹ cũng không lấy đó làm buồn. Thời thế như vậy, hoàn cảnh như vậy, có lẽ những thủ tục chỉ là "gia vị" thêm thôi còn cốt yếu vẫn là sự đồng lòng từ cả hai.
Đến bây giờ, nhớ lại ngày về nhà chồng đó, mẹ vẫn thoải mái bảo: "Không có gì khổ hết. Ngày ấy ai chẳng vậy. Nhưng mà tao bị bố mày lừa đây này, cả làng không ai nói được câu anh yêu em mà bố lại nói được. Vậy là tự nhiên đồng ý cưới thôi".
Cuộc hôn nhân bình dị và hạnh phúc suốt 30 năm
Những ngày đầu sau hôn lễ, cuộc sống của bố mẹ thật sự rất vất vả. Việc ở chung xảy ra nhiều mâu thuẫn thật nhiều. Những chuyện như mẹ chồng - nàng dâu, vợ chồng trẻ bất đồng ý kiến đương nhiên là không thể nào tránh được.
Sống chung với nhà ông bà nội một thời gian, sau đó bố mẹ quyết định ra ở riêng để thoải mái hơn trong tất cả mọi thứ. Những ngày ấy khổ sở thật sự. Hai vợ chồng trẻ không kiếm được nhiều tiền, con còn nhỏ, bố mẹ tôi vất vả vô cùng.
Mẹ bảo rằng khổ nhất là không ai trông con để đi làm, gửi hết người này qua người khác. Những ngày tháng tuổi thơ của các con mẹ được gửi khắp nơi vì bố mẹ bận rộn. Cũng vì điều đó mà tôi sinh sau anh trai kha khá tuổi. Mẹ muốn để anh trai đủ lớn, đủ khôn ngoan trông chừng em út cho bà đi làm.
Thế nhưng vất vả nào cũng qua, dần dần họ xây dựng được cuộc sống yên bình, sung túc vừa phải và hạnh phúc. Có lẽ tiếc nuối vì năm xưa không thể có được tấm ảnh cưới, khi đã có tôi, bố mẹ quyết định đi chụp ảnh coi như là cách lưu giữ kỷ niệm.
Bố mẹ có tuổi lại càng yêu thương nhau hơn, tình cảm hơn khi còn trẻ. Ở nhà, bố chắc là người có quyền lực nhất, đấy là bố nghĩ thế. Tôi lại cho rằng ai nắm giữ kinh tế là người có quyền lớn, ở đây, mẹ mới là tay hòm chìa khóa, là người ra quyền mua quyền bán trong nhà.
Bố kiếm tiền vậy thôi chứ chúng tôi có xin tiền vẫn phải gọi mẹ cơ mà. Tuy nhiên, có vẻ vì sự chiều chuộng đó của bố nên tình cảm của bố mẹ lúc nào cũng mặn nồng. Ngẫm đi cũng thấy đúng, được toàn quyền cầm tiền do chồng làm ra, ai mà chẳng thấy hứng khởi cơ chứ!
Bình thường bố cũng chiều mẹ lắm. Mẹ gầy, bố hứa hẹn nếu mẹ được 45kg thì tặng dây chuyền vàng. Cũng vì điều ấy mà mẹ cố gắng lắm, đạt được thành quả, bố quyết định mua luôn không nhiều lời.
Nhưng về những ngày lễ Tết thì bố lại ngại ngùng lắm. Bố chẳng biết mua quà cáp lãng mạn gì mấy đâu. Chỉ là cảm xúc dâng trào, ông lại trao cho mẹ mấy lời chúc tụng thôi nhưng chừng đó cũng đủ làm mẹ vui lắm, đi khoe khắp nơi. Mối quan hệ của bố mẹ có niềm vui ngay từ những điều tưởng như nhỏ bé như vậy đó.
Đôi khi, tình yêu và hôn nhân chẳng mong gì cao sang hay quá xa vời, chỉ mong được như bố mẹ, sống bên nhau 30 năm mà vẫn hạnh phúc, thích thú với những việc làm của nhau. Bố mẹ bận rộn, ít khi cùng ở nhà. Vậy là khi nào rảnh rỗi, người nọ lại ngồi xem camera coi người kia ở nhà làm gì, có gì hay ho không. Thật sự đó là việc làm quá mức kiên nhẫn mà chẳng phải ai cũng làm được.
Bố mẹ bên nhau 30 năm, tôi nghĩ rằng một phần nữa khiến họ hạnh phúc bền chặt chính là sự chung thủy, một lòng một dạ. Cả hai người đều là mối tình đầu của nhau và cũng thành tình cuối luôn. Suốt một cuộc đời chỉ yêu một người hàng chục năm, nghĩ thôi cũng thấy ngọt ngào làm sao!
Có nhiều câu chuyện tình yêu rất "éo le", "đao to búa lớn" thế nhưng đôi lúc, những điều cơ bản nhất, nhẹ nhàng lại tạo ra ấn tượng nhất. Đúng là ai cũng chỉ mong một tình yêu bền chặt, có thể theo ta đến suốt cuộc đời như trên mà thôi!