“Lấy vợ làm gì, về mà bám váy mẹ anh ấy!”

Cẩm Tú,
Chia sẻ

Quyên điên tiết hét lên: “Tôi tự hỏi anh lấy vợ làm gì, sao không về mà bám váy mẹ anh ấy. Người thích hợp và vừa ý với anh chỉ có mẹ anh mà thôi! Sao không ở vậy với mẹ anh luôn đi!”.

Hữu - chồng Quyên là một người hiền lành, tốt bụng, ngoại hình khá, công việc ổn định, gia đình gia giáo. Chả thế mà ai cũng nói Quyên may mắn khi lấy được Hữu.  Còn Quyên thầm mãn nguyện khi chọn được một đức lang quân như thế.

Nhưng thật không ngờ, khi về sống chung chẳng được bao lâu thì vợ chồng cô bắt đầu nảy sinh mâu thuẫn. Bất hòa gia đình cô ngày một bị đẩy lên cao vì một lí do thật chẳng ai ngờ tới: Hữu quá yêu quý mẹ anh.

Mặc dù Quyên và Hữu đã ở riêng trên thành phố để tiện đi làm, còn bố mẹ chồng Quyên ở quê cách xa 50km, nhưng bất cứ việc gì 2 vợ chồng làm, Hữu cũng đều mang bàn với mẹ. Và ý kiến của mẹ anh cũng sẽ chính là ý kiến của anh. Hữu đặc biệt nghe mẹ nên ý của Quyên mà khác là anh thẳng tay phủi đi ngay. Thành ra, chuyện trong nhà cô chủ yếu là do mẹ chồng quyết hộ chứ chẳng phải là 2 người bàn bạc và cùng quyết định nữa.

Cuộc sống vợ chồng sao tránh khỏi những xô xát nhưng bất cứ khi nào vợ chồng có xích mích Hữu đều khoe ngay với mẹ, nhờ mẹ phân xử hộ. Trong những lần như thế thì người bị giáng tội bao giờ chả là Quyên, vì mẹ anh có bao giờ không bênh con trai. Hữu nhiều khi có sai lè lè ra nhưng tìm được đồng minh tin cậy nên lại gân cổ lên cãi, cho rằng mình đúng. Rồi Quyên có nói gì hơi khó nghe trong lúc bực tức thì Hữu cũng liền “tâu” lại với mẹ anh. Mẹ chồng chẳng hiểu đầu cua tai nheo và nguồn cơn câu chuyện thế nào, chỉ nghe Hữu nói lại thì đâm ra ghét Quyên.

“Lấy vợ làm gì, về mà bám váy mẹ anh ấy!” 1
Bất cứ việc gì 2 vợ chồng làm Hữu cũng đều mang bàn với mẹ, và ý kiến của mẹ anh cũng sẽ chính là ý kiến của anh (Ảnh minh họa).

Chiều thứ 7 nào tan làm xong Hữu cũng phi xe máy về nghỉ cuối tuần với mẹ, Quyên đi cùng thì đi mà không thì anh đi 1 mình. Đều đặn như thế, bất kể nắng mưa, từ khi 2 người cưới nhau tới giờ. Có hôm Quyên ốm mệt, muốn chồng ở nhà nhưng Hữu vẫn kiên quyết về với mẹ, như thể vợ ốm là là việc của vợ vậy. Mà mỗi lần về quê như thế, Hữu bao giờ chẳng thủ thỉ đủ thứ chuyện trên trời dưới bể cho mẹ anh nghe, rồi không biết mẹ anh lại rót những tư tưởng và suy nghĩ gì cho anh nữa.

Không chỉ dừng ở đó, đối với Hữu thì mẹ anh là người phụ nữ tuyệt vời nhất, không ai sánh bằng. Chính vì thế Quyên làm gì anh cũng mang so sánh với mẹ, rồi chê bai cô “có mà xách dép chạy theo mẹ anh cũng không kịp”. Có hôm mẹ đẻ Quyên lên chơi, khi bà ra về Quyên lại được nghe một bài ca so sánh giữa mẹ cô và mẹ anh. Mà kết quả thì là mẹ Hữu mặt nào cũng vượt trội hơn hẳn mẹ Quyên.

Mọi lời nói của Quyên đối với chồng đều vô trọng lượng. Đối với Hữu chỉ có lời của mẹ anh mới đáng tin, mới đáng nghe theo, còn ý kiến của vợ chỉ là rác rưởi và vớ vẩn. Quyên thực sự chán nản vô cùng, khi mà mặc dù ở riêng nhưng bàn tay và bóng dáng của mẹ chồng vẫn vươn tới gia đình cô, gần như bóp nghẹt hơi thở của cô.

Quyên đã cố gắng nói chuyện nhỏ nhẹ với chồng về vấn đề giờ anh đã có gia đình riêng thì nên tự lo, tự quyết cuộc sống của mình, các cụ già rồi để các cụ nghỉ ngơi, đừng làm phiền các cụ. Nhưng Hữu tỉnh bơ: “Gần 30 năm nay anh đã thế rồi, giờ thay đổi thấy không quen!”.

Có lần Hữu bị ốm, thực chất chỉ là cảm mạo, hắt hơi thông thường, như những người khác vẫn đi làm được không cần phải nghỉ. Nhưng mẹ anh nghe tin con trai ốm thì nhất quyết bắt anh xin nghỉ ở nhà, rồi tay đùm tay nắm lên chăm anh. Nhìn 2 mẹ con xuýt xoa dỗ dành và nựng nhau, Quyên chỉ biết lắc đầu ngán ngẩm.
“Lấy vợ làm gì, về mà bám váy mẹ anh ấy!” 2
Nghĩ đến người chồng bám váy mẹ của mình, Quyên cảm thấy một cảm giác chán chường tột độ dâng lên trong lòng… (Ảnh minh họa).

Đến khi Quyên mang bầu sinh con, về ở với bố mẹ chồng nghỉ cữ thì mâu thuẫn và những ức chế trong cô dâng lên đến đỉnh điểm. Quyên về nghỉ sinh, mẹ chồng cũng gọi Hữu nghỉ việc về cùng luôn, không anh ở trên thành phố một mình bà lo không ai chăm sóc. “Không làm chỗ này thì làm chỗ khác, sức khỏe mới là quan trọng” – bà đã bảo vậy.

Mấy tháng ở quê, Hữu như một đứa trẻ thứ 2 trong nhà, và bảo mẫu của “đứa trẻ lớn” này không ai khác chính là mẹ chồng. Còn mẹ con Quyên thì tự lo cho nhau. Bố chồng cũng chướng mắt với cảnh vợ và con trai trong mắt chỉ có nhau nên đã đề nghị thuê người giúp việc cho Quyên, lúc đó cô mới dễ thở hơn. Thời gian ở quê chồng với Quyên như một cực hình, cố gắng lắm đến khi con được 6 tháng, vợ chồng cô mới khăn gói trở lại thành phố. Ấy thế mà Hữu còn tiếc nuối chưa muốn đi, vẫn còn muốn ở nhà thêm với mẹ.

Cuối tuần vừa rồi, con thì sốt, Quyên cũng thấy người nóng hầm hập, muốn ốm đến nơi. Thế nhưng Hữu vẫn theo thường lệ về quê nghỉ cuối tuần với mẹ. Quyên nhờ Hữu ở lại chăm con giúp cô, cô chóng mặt lắm, sợ 1 mình không lo được cho con. Nhưng lạ thay, Hữu vẫn tỉnh bơ như không: “Từ xưa tới giờ tuần nào cũng về, giờ tự nhiên không về thấy không quen”.

Đến mức này thì Quyên thực sự không thể chịu đựng hơn được nữa, cô điên tiết hét lên: “Tôi tự hỏi anh lấy vợ làm gì, sao không về mà bám váy mẹ anh ấy! Người thích hợp và vừa ý với anh chỉ có mẹ anh mà thôi! Sao không ở vậy với mẹ anh luôn đi!”.

Quyên nói xong thì bật khóc nức nở, bế con đứng giữa nhà. Thế mà Hữu vẫn phóng xe đi, vợ con có ra sao cũng không cần quan tâm, chỉ mong nhanh chóng về mới mẹ. Nhìn bóng lưng Hữu xa dần, Quyên cảm thấy một cảm giác chán chường tột độ dâng lên trong lòng…
 
Chia sẻ