Lấy phải chồng... “bẩn tính”

,
Chia sẻ

Không có nỗi đau nào giống như nỗi đau của người phụ nữ khi... bỗng nhiên nhận ra chồng mình thật nhỏ nhen, ích kỉ, đáng khinh và tựu chung lại là... “bẩn tính”.

Từ “đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành”

“Keo kiệt, bẩn tính, thứ gì chồng em cũng có”, không biết bao nhiêu lần Hoàn (ngõ 137, Trường Chinh, Hà Nội) đã phải kêu lên như vậy với người ngoài để giải tỏa những bức bối trong lòng. Chẳng hay ho gì cái trò nói xấu chồng nhưng nếu không thể nói ra chắc em sẽ stress đến mức lên cơn điên mất”, cô rầu rĩ.

Cả hai vợ chồng Hoàn đều là công chức nhà nước. Lương thưởng của hai vợ chồng cộng lại mỗi tháng cũng được khoảng hơn 10 triệu. Đối với một gia đình trẻ có một con trong thành phố, số tiền đó tuy không dư dả nhiều nhưng cũng có thể thoải mái trong chi tiêu. Ấy nhưng, sự chi tiêu của vợ chồng Hoàn, người ngoài nhìn vào cũng phải giật mình vì sự tằn tiện quá mức. Không phải là do Hoàn muốn thế mà do Kiêm, chồng của Hoàn đích thực là một anh chàng “vắt cổ chày ra nước”.
 
Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, từ nhỏ Kiêm đã tập cho mình thói quen sống chi li, tằn tiện. Thói quen đó theo anh trong suốt quá trình học đại học và sau khi có gia đình riêng thì nó lại càng được “phát huy”. Kiêm trở nên quá quắt tới mức anh không thể phân biệt được thế nào là tiết kiệm và thế nào là keo kiệt. Anh chi li, kiểm soát đến từng chuyện nhỏ trong gia đình của hai vợ chồng đến mức Hoàn không thể chịu nổi. Trên thực tế, Hoàn là người cầm tay hòm chìa khóa của cả nhà nhưng chi tiêu bất cứ thứ gì cô cũng bị chồng căn vặn.

Dù không phải là người đi chợ nhưng không hiểu Kiêm từ đâu mà biết cụ thể hàng thịt, hàng rau nào bán giá rẻ nhất và anh cứ nhất nhất bắt vợ phải mua ở những cửa hàng đó. Hoàn thì hoàn toàn không thích mua ở những cửa hàng anh dặn vì ở đó tuy có rẻ hơn những cửa hàng khác một chút nhưng thịt lại không được tươi và rau thì có vẻ không đảm bảo an toàn về vệ sinh thực phẩm. Mỗi lần chồng hỏi, chị trả lời mình không mua ở những cửa hàng anh dặn thì ngay lập tức mặt anh xì ra như cái bơm, anh chê trách vợ “có mỗi việc đi chợ cũng không biết mua cho ra hồn”. Những ngày cuối tuần, muốn vợ chồng con cái vui vẻ, chị thường bày vẽ một số món ăn ngon và lạ miệng chiêu đãi cả nhà. Không những không cảm kích sự cố gắng của vợ, anh Kiêm còn cằn nhằn vợ chi tiêu không biết hợp lý và “ăn uống thế này thì đến phá sản” khiến cho bữa ăn đáng lẽ sẽ rất vui vẻ lại trở nên nặng nề, ức chế.

Nhiều lần bực quá không chịu nổi, chị nói thẳng: “Anh keo kiệt như thế để làm gì? Tiền làm ra cũng chính là để cuộc sống được thoải mái hơn...” thì được nhận lại một loạt các thuyết giảng đạo đức về tính tiết kiệm và bao giờ cũng được chốt lại bởi một câu chắc như đinh đóng cột: “Anh tiết kiệm chính là vì em, vì con và vì cái nhà này. Sau này có điều kiện về kinh tế hơn chúng ta thiếu gì dịp để mua sắm, ăn ngon mặc đẹp...”.

Thực ra, chị Hoàn biết rằng dù sau này anh chị có giàu có đến đâu thì cũng chẳng bao giờ có chuyện “ăn ngon mặc đẹp” như anh nói. Tính tằn tiện đến keo kiệt đã ăn sâu vào máu anh mất rồi.
 

Đến nhỏ nhen, tính toán, ti tiện, bỉ ổi

Một cô giáo dạy văn cấp 3 kể cho người viết bài này câu chuyện của chồng mình khiến cho tôi phải ngẫm nghĩ mãi.

Chồng chị là một trí thức đáng kính, được nhiều người kính trọng về tài năng và địa vị, anh lại đối xử với mẹ con chị không có điều gì phải chê trách. Điều đó khiến cho ai cũng nghĩ rằng chị có một hạnh phúc thật lý tưởng. Nhưng, có ở trong chăn mới biết chăn có rận, mà hơn nữa, đó lại là loại rận rất to và rất đau.

Không thể phủ nhận một điều rằng chồng chị là người đàn ông rất thương vợ, yêu con. Với vợ con, anh không tiếc một điều gì, luôn dành tất cả mọi điều tốt đẹp cho họ. Anh đi đâu, làm gì, ăn miếng gì ngon, nhìn thấy gì đẹp cũng nhớ tới vợ, tới con và tìm mọi cách để mua về cho vợ con cùng được hưởng thụ như mình. Nhưng, đó chỉ là với vợ con còn với người ngoài thì anh lại keo bẩn đến đáng sợ. Mà người ngoài ở đây là ai? Người ngoài với anh là em gái anh, anh trai ruột của anh, bà con họ hàng và thậm chí cả bố mẹ đẻ của anh nữa.

Cô giáo nói với tôi rằng: Kể ra thì có thể nhiều người không tin nhưng sự thực là chồng chị đối xử với anh em ruột của anh, bố mẹ của anh khiến cho chị cảm thấy anh không có tình người. Cả gia đình, chỉ có mình anh được học hành đến nơi đến chốn còn những người anh em còn lại đều chỉ học hết cấp 2 là ở nhà chạy chợ. Chính vì vậy, kinh tế gia đình chị có thể nói là khá giả nhất trong mấy anh em trong nhà. Do hai anh chị sống riêng ngay từ những ngày đầu nên chị luôn tâm niệm mình không có điều kiện sống cùng để phụng dưỡng bố mẹ chồng thì phải cố gắng chăm sóc, gần gũi các cụ được chừng nào tốt chừng đó. Chính vì vậy, cứ thỉnh thoảng, đi dạy về, chị lại tạt vào nhà bố mẹ chồng, khi thì biếu ông bà hộp sữa, túi hoa quả, lúc lại đưa ít tiền để hai cụ tiêu dần.

Về nói chuyện với chồng, tưởng sẽ nhận được sự cảm kích của chồng không ngờ anh cáu gắt ầm ĩ. Anh nói chị muốn đến chơi thì đến với ông bà còn không phải mua bán, biếu xén tiền nong làm gì cho tốn kém. Chị thấy quá bất ngờ, chị biếu tiền cho bố mẹ anh, những người đã rứt ruột đẻ ra anh, nuôi anh khôn lớn vậy mà anh còn sợ “tốn kém”. Em gái anh bị rau tiền đạo, phải sinh mổ, tốn kém rất nhiều mà chồng cô ấy lại không chạy đủ tiền nên chị lấy luôn nửa tháng lương của mình cho em rể kịp nộp viện phí.
 
Anh biết chuyện, xót tiền đến mức đay đả, bắt chị phải đến nói với em rể rằng “tiền đó là cho mượn chứ không cho hẳn, bao giờ cô khỏi thì phải trả lại cho anh chị”. Cũng với số tiền tương đương, anh có thể nhờ người bạn đi công tác nước ngoài mua cho chị một lọ nước hoa “xịn” mà không hề thấy lăn tăn. Anh trai anh đến vay tiền để đầu tư sản xuất, anh thẳng thừng từ chối. Đến khi anh trai về, anh buông câu: “Cho ông ấy vay thì đến đời nào ông ấy mới trả”.

Họ hàng nhà anh ốm, chị có mua cân đường hộp sữa đến thăm cũng bị anh cằn nhằn, kêu ca suốt cả buổi. Đó là anh em, họ hàng nhà anh mà anh còn như thế thì chắc chắn anh em bên nhà chị thì anh còn nặng nhẹ đến mức nào. Vậy nên, nhiều khi hai bên gia đình có người ốm đau, bệnh tật, chị có đến thăm thì cũng phải trốn chui trốn nhủi như người đi ăn trộm. Đến thăm bố mẹ chồng, biếu ông bà cái gì chị cũng phải dấm dấm dúi dúi như buôn bạc giả. Chị nói, đời mình, chưa từng thấy một con người nào nhẫn tâm, lạnh lùng với cả người thân ruột thịt trong nhà đến như vậy.

Một chị khác tên Nga, nhà ở Vĩnh Tuy, Hoàng Mai, Hà Nội thì tâm sự rằng chị thấy... ghê sợ chính chồng mình. Chồng chị là dân làm ăn nên chuyện đôi khi phải dùng thủ đoạn là điều khó tránh khỏi. “Nhưng anh ta nói về chuyện lừa thầy phản bạn, dùng thủ đoạn để triệt hạ cả những người đã một thời hết lòng giúp đỡ anh ta cứ như không”, chị Nga nói. Khốn thay, anh chồng chị lại thuộc dạng người thích khoe “chiến tích”, cứ giành được thành công gì trên thương trường là anh về khoe mẽ cả với vợ, không quên kể tỉ mỉ những “chiêu”, những “bài” bỉ ổi đã dùng để đạt được những điều đó. Anh không biết rằng những điều anh kể đã khiến chị thấy chồng mình lừa lọc và phản trắc. Chị lại liên tưởng rằng với những người đã cùng anh sống chết một thời, bây giờ cũng bị anh đối xử như vậy thì chắc hẳn một mai chị cũng có thể chịu chung số phận với những con người này. Và chị càng ngày càng thấy xa chồng dần dần.

Thay cho lời kết

Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa cho rằng:

Không có người đàn ông hoàn mỹ, dù có tốt đẹp đến đâu vẫn có những mặt hạn chế của họ. Vì chính bạn hay tôi cũng có hoàn mỹ đâu. Đúng không ?

Nếu nghĩ được như vậy bạn sẽ không quá thất vọng. Tuy nhiên có những tật xấu chấp nhận được và có những thói xấu không thể chấp nhận được như nghiện hút, cờ bạc, bạo hành, trai gái triền miên ... vì kéo dài cuộc sống chung với họ ngày nào chỉ khổ thêm ngày ấy. Cho nên không phải khi nào nhà tư vấn cũng khuyên người ta chấp nhận “sống chung với lũ”.

Để biến đổi một con người đã trưởng thành khi nhân cách của họ đã ổn định là rất khó. Tuy nhiên có thể “cải thiện” được như bạn nói. Có điều phương pháp làm họ thay đổi không nên quá cứng rắn như kêu ca, phàn nàn, chì chiết khiến họ tự ái càng giữ nguyên “bản sắc” của họ.

Muốn cải tạo chồng có hai cách :

Một là  dùng tình yêu để cảm hoá họ. Nếu người chồng yêu thuơng vợ, họ sẽ tự điều chỉnh để biến đổi đi cho phù hợp với mong muốn của người mình yêu.

Hai là bạn đừng “tham lam” cải tạo tất cả những thói xấu của họ cùng một lúc mà phải làm từng bước dần dần trong một thời gian dài. Muốn thế, bạn hãy lên một danh sách những thói xấu khó chịu của chồng. Thí dụ có 5 thói khó chịu. Và sau đó bạn cải tạo có trong tâm, từng cái một, xong cái này đến cái khác.

Thí dụ đầu tiên là thói keo kiệt. Trong lúc vui vẻ, bạn trò chuyện với anh ấy về thế nào là keo kiệt ? Bạn tâm sự là thích chồng rộng rãi, hào phóng hơn. Đưa ra một trường hợp cụ thể để anh ấy thấy như thế là chặt chẽ quá, nên như thế này. Vfa bạn “làm mẫu” cho anh ấy thấy bạn rộng rãi như thế nào. Phải độ một vài tháng anh ấy mới quen được.

Xong chuyện ấy dừng lại khen thưởng, động viên, nghỉ một thời gian rồi mới sửa đến tính ích kỷ tiếp theo. Cứ lần lượt như vậy sẽ sửa bằng hết. Thông thường vợ chồng phải sống với nhau mấy năm mới hoà hợp được dần dần.

Tất nhiên nói thì dễ nhưng làm thì khó. Bạn phải kiên trì với tình yêu thương chồng chân thật nhất định bạn sẽ thành công. Hôn nhân là sự lao động vất vả liên tục. Chưa ai nói hôn nhân hoà hợp là dễ bao giờ.

Theo PhunuNet

Chia sẻ