Khốn khổ lấy chồng là "Con cầu tự"

,
Chia sẻ

Lấy chồng là lấy luôn vào cuộc sống của mình những trách nhiệm, nghĩa vụ mới và cả rắc rối nảy sinh. Thế nhưng, cuộc sống sẽ như thế nào nếu lấy phải người chồng là con cầu tự?

“Anh, xuống ăn cơm, em làm xong hết rồi!”, chị Lan vừa giục vừa đưa tay tắt quạt trong phòng làm việc của chồng. Anh Tuấn buông tờ báo Bóng đá xuống bàn với vẻ tiếc nuối. Anh đủng đỉnh bước đến bên chiếc bàn đã dọn sẵn mâm cơm thơm phức.

“Buồn miệng quá. Hay để cơm chiều ăn, em ra đầu ngõ mua ít thịt cầy mắm tôm rồi cùng ăn nhé!”, anh Tuấn bảo vợ.

“Anh lúc nào cũng thế, cứ đến giờ chót lại đòi hỏi!”, vợ anh hậm hực một lát nhưng rồi cũng đi bộ ra ngõ mua thịt cầy cho chồng.

Chân dung con cầu tự

Sống với nhau hơn năm năm, chị đã quá quen với những yêu cầu bất chợt của chồng. Ban đầu chị còn phản ứng dữ dội, sau thành quen bởi anh là “con cầu tự”.

Thời xưa, bố mẹ Tuấn lấy nhau gần chục năm mà vẫn “không có gì”. Vái tứ phương, tám hướng, đủ thầy đủ thuốc, đủ chùa chiền mãi bà Hải mới sinh được Tuấn. Bà vẫn bảo Tuấn là con nhà trời. Với bà, Tuấn là hoàng tử, là tất cả những gì tinh tú nhất kết tụ lại, là niềm tự hào, hy vọng của gia đình.

Trong mắt người đời, “con cầu tự” là đứa con nhờ cầu xin mới có được. Những người đi “xin” hay “khấn” có con kiểu này thường là người hiếm muộn hoặc nhà đã có nhiều con gái nay cầu xin để có con trai nối dòng.

Hồi mới yêu anh, chị Lan rất ấn tượng bởi ông bà quý chị vô cùng. Bà Hải quan tâm đến người yêu của con trai như con đẻ. Chị đến với anh một phần cũng vì… thích mẹ chồng tương lai. Ai ngờ, cái đêm rước dâu về nhà, bà mới tâm sự thật lòng: “Không giấu gì con, ba mẹ phải lặn lội ra tận chùa Hương cả chục lần mới sinh được thằng Tuấn. Ba mẹ rất quý và tin tưởng con. Mẹ biết con sẽ chịu thiệt thòi nhưng con cố gắng nhé. Chồng con được cái hiền lành và hiếu thảo lắm”. Chị Lan gật gù ra chiều hiểu chuyện trong khi bà Hải thút thít khóc như sắp phải tiễn con gái út đi lấy chồng biệt xứ.
 
Chồng chị quả là được sinh ra như một kỳ công. Nghe đâu, bố mẹ chồng chị ngày đó bỏ cả việc kinh doanh vải vóc đến mấy năm để đi “xin” con. Ông bà lặn lội ra tận chùa Hương ngoài Bắc để cầu. Hai ông bà đội trên đầu bao nhiêu lễ vật nào hương, vàng mã, hoa quả, trầu cau, cơm nếp đến điện thờ Quan âm cúng.

Câu chuyện “xin” con của bà Hải mới thật ly kỳ. Đến điện cầu khấn xong, bà đưa tay sờ hòn đá có hình dáng đầu trẻ con rồi “mời” nó trở về cùng. Trên đường về, bà phải thầm khấn vái để “đứa trẻ” đó đi theo về. Đi đường, gặp hàng bánh kẹo, đồ chơi, bà đều dừng lại mua một ít cho đứa bé trong tưởng tượng. Đi đò, bà để một cục đá bên cạnh mình như giữ chỗ cho con. Khi ăn, bà cũng gọi hai phần.

Anh Tuấn chồng chị đã được sinh ra sau nhiều chuyến hành hương như thế. Chẳng thế mà anh được cha mẹ và họ hàng hai bên cưng chiều hết mực từ khi mới lọt lòng.

Bà Hải nhỏ nhẹ với con dâu: “Sống với nó con phải biết ý, đừng nặng lời hay nói gì không phải. Có gì khó cứ nói với mẹ, ba mẹ sẽ có cách giải quyết. Nó là con trời, nếu lỡ có chuyện gì, cả nhà gánh cũng không hết đâu con!”.

Có chồng như nuôi con mọn

Thời mới quen biết anh Tuấn, chị Lan rất hâm mộ vì anh là một sinh viên giỏi của trường. Khi anh Tuấn ra trường, có việc làm hẳn hoi và sau khi cưới vợ, anh vẫn là hình mẫu lý tưởng của nhiều cô gái từng học chung trường. Chỉ có chị Lan, vợ của anh, mới hiểu anh chỉ biết học giỏi, ngoài ra, không biết một cái gì khác. Anh như người lạ ngay trong chính ngôi nhà của mình.

Ngày mới yêu nhau, mẹ anh từng nói với chị: “Tuấn nhà bác chỉ biết học là giỏi thôi!”. Nghe vậy chị Lan chỉ mỉm cười. Chẳng những không nghĩ gì, chị còn vui vẻ cho rằng anh như thế là quá ngoan, chứ nào biết…

Cưới vợ rồi anh vẫn giữ thói quen nhàn nhã như thời còn ở với bố mẹ. Vợ trở thành mẹ thứ hai.

“Em ơi, đèn làm việc của anh đâu? Em ơi, quần áo dơ bỏ đâu nhỉ?”, anh Tuấn thường xuyên ngơ ngác kiểu đó. Kể cả những vật dụng trong phòng mình anh cũng không biết nó nằm ở đâu. Thôi thì đàn ông đâu phải ai cũng chu đáo, yêu chồng, chị Lan cho qua.

Chị kể, buồn cười là khi chị sinh con. Lúc đó, mẹ chồng chị không vào chăm cháu với con dâu đang nằm trong bệnh viện mà dọn đồ qua ở hẳn nhà chị để nấu cơm cho đứa con cưng.
 
Bà bảo với con dâu: “Không có con ở nhà, mẹ phải nấu cho nó ăn. Thằng Tuấn không quen ăn bên ngoài, mà ăn uống kiểu đó nó đâm ra ốm yếu, sinh bệnh còn khổ hơn!”.

Từ ngày có con, lối sống của ông bố trẻ cũng không có gì thay đổi. Có thay đổi chì là việc chị Lan thêm một gánh nặng chứ chồng chẳng quan tâm đến việc nhà bao giờ.

Tới bữa cơm, chị Lan vừa cho con ăn vừa phải dọn cơm rồi giục chồng ăn cùng mình. Đến chuyện đi làm mặc gì, áo quần để ở đâu chị cũng phải lo. Thấy con khóc lần nào anh cũng vô tư gọi vợ: “Em ơi, con khóc!”.
 
Nhiều lần chị Lan thở dài: “Chồng gì như con nhỏ, hở một tí là mình phải nhắc nhở, chuyện gì cũng hỏi vợ, thiệt khổ thân cho mình!”. Trong nhà từ việc lớn đến việc nhỏ chị đều tự quyết định nếu không muốn anh chạy về nhà hỏi mẹ, bởi nhiều lần hỏi ý chồng, chị Lan đều nghe mỗi câu: “Tùy em, anh sao cũng được!”.

Chán nản khi thấy chồng như đứa con nhỏ của mình, chị Lan đem chuyện than thở với mẹ chồng.

Chẳng những bà không thông cảm, còn bênh con trai: “Mấy chuyện lặt vặt trong nhà cũng phiền tới chồng con sao! Xưa nay việc trong nhà đều do ba mẹ lo hết vì nó còn bận làm việc. Thời bây giờ có tiền muốn làm gì thì thuê người ta. Nói với chồng chỉ tổ thêm nhức đầu, rối trí, lại sao nhãng việc chính của nó!”.

Bản chất là ông chồng lười

Trần Thị Tâm Nhàn, chuyên viên tư vấn tâm lý của một công ty tư vấn ở Q. 3 TP. HCM, cho biết, chị nhận được khá nhiều lời tâm sự như thế này.

Có thể nói bản chất của sự việc là những nàng dâu, những người vợ cưới phải một ông chồng con cưng. Dù với lý do gì, những ông chồng con cưng cũng có những biểu hiện khá giống nhau: vô tâm, vô tư và lười nhác.

Những ông chồng con trai một có trọng trách nối dõi tông đường lại càng dễ trở thành những người vô tâm nếu không được giáo dục kỹ từ bé. Một khi được nuông chiều, họ chỉ biết nhận chứ không quen cho. Họ thực hiện phận sự của mình nhưng nhiều lúc còn chưa ý thức hết giá trị và ý nghĩa của mấy chữ “con nối dõi”.

Chưa kể, một số người còn được cha mẹ lo lắng mọi thứ từ A – Z nên càng trở nên yếu đuối, ỷ lại, thậm chí hư hỏng. Nhiều trường hợp con trai trưởng thành, họ vân chạy theo chăm bẵm như một đứa trẻ. Cho đến lúc đã có gia đình riêng, những đứa con quý đó có điểm chung là không biết làm việc nhà và chăm sóc bản thân, thiếu sự tự lập, quyết đoán cũng là điều dễ hiểu.

Sáng suốt lật ngược ván cờ

Lấy phải những anh chồng “con cầu tự” ấy khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, chán nản. Hãy nhìn lại câu chuyện của vợ chồng chị Lan, anh Tuấn.

Giá mà khi yêu chị Lan tinh ý một chút để không bị vỡ mộng. Đến khi cưới nhau rồi, chị lại không thể hiện thái độ rõ ràng.

Dù không quá rạch ròi như một hợp đồng nhưng những thỏa thuận tình cảm kiểu như: tổ chức gia đình như thế nào? Ai nấu nướng? Ai giặt giũ? Ai làm việc lớn? Ai làm việc nhỏ?... vẫn cần thiết.

Để không phải âm thầm chịu đựng, chị Lan vẫn có thể thay đổi tình hình bằng nhiều cách.

Những người chồng như chồng chị Lan đều không phải là trường hợp “bó tay” bởi xét về bản chất, họ là người tốt. Người vợ dù có đảm đang mấy, trong trường hợp này cũng nên… giả vờ hậu đậu một chút.

Vì sao ư? Để khơi gợi bản lĩnh đàn ông ở chồng, để chồng có cơ hội tự hoàn thiện mình. Chẳng có trường lớp nào dạy các kỹ năng làm vợ, làm chồng cả. Phụ nữ có thể nhanh chóng thích nghi với vai trò làm mẹ, làm vợ, đàn ông cũng vậy. Quan trọng là người vợ có đủ khéo léo để “xử lý” hay không.

Để một người chỉ biết nghĩ đến bản thân mình trở thành một người biết lo toan, quan tâm người khác không dễ chút nào.

Chị Thu Huyền, trưởng phòng kinh doanh của một công ty mỹ phẩm, kể kinh nghiệm của mình. Chị nói: “Câu nói Dạy con từ thuở còn thơ/ Dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về chỉ đúng phần nào thôi. Ngày nay, phụ nữ phải thức thời và hiểu được vị trí của mình, đôi lúc còn phải ra tay “dạy” chồng nữa”.

“Chồng mình từ bé đã được gia đình cưng lắm nên đâm ra vô tư không chịu nổi, nhưng khi lấy mình anh ấy dần thay đổi. Ban đầu mình nhờ chồng những việc nhỏ như mua giúp tô phở ăn sáng, rồi có lúc nhờ chở đi thăm ông bác họ bị ốm. Nhà hư hỏng món gì, mình chẳng dại ra tay sửa liền mà thỉnh giáo ông xã, cứ thế nhờ chồng những việc phức tạp hơn!”.

Theo chị Huyền, chiến thuật mưa dầm thấm lâu mới thật hiệu quả. Bạn đừng nóng vội mà giận dữ, gây hấn hay bình phẩm nặng lời sẽ gây tác dụng ngược.

Dù việc này rất khó khăn, sẽ xảy ra mâu thuẫn lớn, mâu thuẫn bé, nhưng với tấm lòng và thành ý, mọi khúc mắc, khó khăn sẽ được hóa giải. Tìm thêm đồng minh là bố mẹ chồng cũng giúp những người vợ lấy phải ông chồng “con cầu tự” thay đổi tình hình 180 độ.
 
Theo TTGĐ
Chia sẻ