Lấy hai viên sỏi từ gốc “cậu nhỏ”
Thật bất ngờ, khi tới Bệnh viện K phẫu thuật tinh hoàn, bác sĩ lại lấy được 2 viên sỏi từ khối u nghi ngờ.
Từ năm 2003 đến nay, ông Trần Văn Lạc (SN 1934, ở Vĩnh Phúc) đã phải 3 lần mổ “cậu nhỏ”.
Ông Lạc cho biết, ông bị đau tinh hoàn trái từ năm 2003. Đi khám bác sĩ kết luận viêm cấp, phải chích mủ và điều trị kháng sinh. Từ đó, thỉnh thoảng ông lại bị đau phải điều trị, đến năm 2006 thì phải mổ “miệng sáo” để lấy sỏi bùn. Bệnh có đỡ nhưng thỉnh thoảng vẫn tái phát đau và sưng.
Tháng 10/2012, ông bị đau dữ dội, bí đái, tinh hoàn sưng to, sốt rét, sốt nóng liên tục. Ông nhập Bệnh viện 109 điều trị kháng sinh 10 ngày không đỡ, CT vùng bìu trái có khối u giảm tỷ trọng kích thước 45x40cm. Ông được chuyển đến Bệnh viện K vì nghi ngờ ung thư. Kết quả phẫu thuật rạch rộng tổn thương, trong lớp mủ các bác sĩ đã lấy được 2 viên sỏi tròn, cứng đường kính 1,8-2cm.
BS Trần Anh Tuấn, Khoa Ngoại C, Bệnh viện K cho biết, trường hợp ông Lạc là bị sỏi tiết niệu nhưng rất đặc biệt, do niệu đạo thủng nên sỏi đã rơi ra ngoài và nằm ở gốc dương vật, gây viêm, đau...
Để phòng tránh bệnh, nên uống đủ nước, nhất là khi thời tiết quá nóng bức hoặc làm việc nặng trong môi trường có nhiệt độ cao, có một chế độ ăn hợp lý, không ăn quá nhiều các sản phẩm có canxi và các chất có thể gây sỏi... Ngoài ra, cần phòng tránh và điều trị tốt các bệnh nhiễm khuẩn đường tiết niệu.
Sỏi tiết niệu thường gặp ở đàn ông với tỷ lệ 5 nam/1 nữ. Tuổi trung bình ở nam từ 20-40 tuổi, ở nữ từ 25-40 tuổi. Tuy nhiên, nữ từ 55 tuổi trở lên lại có nhiều người bị sỏi niệu. Nguyên nhân là do có sự thay đổi về nội tiết tố nữ và tình trạng loãng xương gia tăng ở lứa tuổi mãn kinh.