Lẩu vịt nấu sấu – Hương vị Bắc giữa phương Nam
Hà Nội giờ đang vào mùa sấu. Trái sấu nho nhỏ đơn sơ mà tạo ra nhiều cảm hứng biến tấu thi vị trong ẩm thực.
Tôi nhớ có lần bạn tôi được quà chừng một bọc sấu tươi được gửi xách tay từ Hà Nội đến tận nhà, bạn ríu rít gọi nhóm bốn người đến ăn món vịt nấu sấu. Lúc đó, với tôi, cái trái tròn tròn xanh xanh bé tí ấy khi ăn sống chẳng có ấn tượng gì vì không “đã” bằng cóc và xoài. Khi thấy bạn lấy ra 6 trái sấu cho nồi lẩu nửa con vịt, tôi tròn mắt vì nghĩ thế có thấm vào đâu. Vì mấy trái sấu đó mà bạn tíu ta tíu tít chuẩn bị nào vịt, nào cà rốt, củ cải, hành tây, đầu hành, ngò gai, gừng, rau muống, cải thảo, bún tươi… , đủ chất của một nồi lẩu khoái khẩu của dân Sài Gòn. “Trái sấu già mới thơm, không bị chát và đủ độ chua sẽ khiến thịt vịt mềm nhanh”, bạn vớt mấy trái sấu chín rục ra dằm nát rồi đổ vào lại nồi lẩu và nháy mắt khi thấy ai cũng sốt ruột bởi mùi chua của sấu và vị béo của vịt trộn lẫn vào nhau bốc lên thơm dịu.
Khi nồi lẩu với màu đỏ cà rốt, trắng trong củ cải, vàng dịu của gừng, trắng ngà của vịt lẫn vào màu xanh của hành ngò, được bưng ra để liu riu lên bếp ga trên cái bàn nhỏ xíu, chung quanh là màu trắng muốt của bún, xanh um của rau muống, đỏ tươi của chén mắm ớt gừng, cả đám ngẩn người ra trước sự biến tấu pha trộn của sắc màu lẫn hương vị hai miền một cách khéo léo không ngờ, rồi cùng quây quần xúm xít hít vào cái mùi thơm dìu dịu, không cả để ý chuyện nhỏ bạn đính chính bảo thực ra là học trộm từ cô chủ một quán ăn nhỏ có nhiều món lẩu đặc trưng miền Bắc được nấu theo phong vị của người Nam.