Lão nông Lê Đức Giáp được biết đến với danh truyền là "ông tổ" khai sinh ra loại cây ngũ quả chơi Tết. Năm nay, lão nông này có trên 300 gốc phục vụ Tết Nguyên đán hứa hẹn sẽ thu về cả tỷ đồng.
Lão nông Lê Đức Giáp (60 tuổi trú tại xóm Bãi - Cao Viên - Thanh Oai - Hà Nội) nhiều năm qua nổi tiếng khắp phía Bắc bởi ông được xem là "ông tổ" khai sinh ra cây ngũ quả chơi Tết.
Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là vườn cây của ông Giáp được người dân chuyển đi chưng Tết. Chính vì vậy, đây là thời điểm ông Giáp thực hiện phương châm "ăn cùng cây, ngủ cùng cây và thức cùng cây". Nói về điều này ông cho biết: "Thời điểm này quan trọng lắm, trên cây tôi ghép đủ 9 loại quả và mỗi loại quả đều có thời gian chín khác nhau, vì thế thời gian ghép cũng khác nhau nên phải canh sao cho thích hợp nhất để đến Rằm tháng chạp là tất cả các loại quả đều chín vàng".
Gốc nuôi dưỡng là gốc bưởi bởi theo ông Giáp thì chỉ có cây bưởi mới mang lại sinh lực để nuôi quả cũng như phát triển lộc lá. Để có 1 cây có 9 quả đẹp, có nhiều thế, nhiều dáng thì đầu năm ông Giáp phải đánh gốc bưởi đưa lên chậu cảnh để gốc "làm quen" . Việc chăm sóc gốc bưởi trên chậu cũng rất vất vả chứ không như dưới đất.
Sau khi cây đã "làm quen" với việc sống trong chậu cảnh thì cũng là lúc ông Giáp tiến hành cấy ghép 9 loại quả cùng họ với cây bưởi như: Chanh đào, bưởi diễn, bưởi đỏ, hồ lô, phật thủ, quất, quýt, cam cao phong, cam sành.
Nhớ lại những ngày đầu thực hiện việc cấy ghép nhiều loại quả trên 1 cây lão nông này cho biết: "Đó là vào những năm 2008 - 2009 sau khi thành công với việc trồng cam canh, tôi tiến hành ghép mấy thứ quả trên cây bưởi cho vui. Ra giêng mang ra hội làng trưng cho vui thì bất ngờ có nhiều người tò mò và đặt tôi trồng vào Tết sang năm. Đến năm 2010 là tôi bắt đầu có hơn 10 cây để bán cho bà con chơi Tết".
Vừa làm, ông Giáp vừa đúc rút kinh nghiệm và rất nhiều người trồng cây cảnh chơi Tết cũng biết đến ông và phong cho là "ông tổ cây ngũ quả".
Cứ thế, ngoài vựa cam canh thì từ tháng 6 trở đi ông Giáp tập trung với hơn 300 gốc cây cấy ghép nhiều loại quả để phục vụ Tết cho bà con.
Những quả phật thủ mới được ghép nhưng đã bắt đầu có nhựa sống từ "cây mẹ".
Năm nay những cây có đến 9 loại quả sẽ được ông ghép thêm bưởi hồ lô in hình chữ Tài - Lộc.
Là người thành công với mô hình trồng cây ngũ quả, mang lại thu nhập cao nhưng ông Giáp không hề giấu nghề. Ngược lại, hàng ngày ông vẫn giúp những nông dân khác khắp miền Bắc nhân rộng mô hình này. Ngoài trồng cây ngũ quả, ông Giáp còn cung cấp nhiều loại cây giống cho bà con nông dân .
Hiện tại, lão nông Lê Đức Giáp đang tiếp quản hàng ha đất nông nghiệp phục vụ các loại cây trồng. Ngoài ra, mỗi ngày ông thuê nhiều lao động để phục vụ việc chăm bón, làm cỏ.
Theo ông Giáp thì tất cả có hơn 300 gốc cây phục vụ Tết âm lịch nhưng đến thời điểm hiện tại đã có khoảng trên 100 cây được khách đặt mua trước.
Trong số 300 cây này đã có nhiều cây được các đơn vị hoặc cá nhân nhờ "nuôi hộ" với giá vài triệu đồng, khoảng rằm tháng chạp là ông cho người giao lại.
Do nhu cầu của người dân khác nhau nên ông Giáp cũng triển khai cấy ghép quả trên những gốc bưởi có kích thước, độ lớn khác nhau. "Nếu như nhà bé, không gian hạn chế mà chơi cây lớn thì chắc chắn không đẹp, không hài hòa. Chính vì vậy tôi đã tiết chế để phục vụ bà con với nhiều cây bé nhưng vẫn đảm bảo chất lượng đẹp, theo dáng và thế để chơi Tết" ông cho biết.
Những cây lớn như thế này, cao khoảng 2 mét sẽ được bán với giá từ 5-6 triệu đồng, phù hợp với gia đình có không gian lớn...
Những loại cây ngũ quả dáng thấp, bé sẽ có giá từ 2-3 triệu đồng.
Chính vì thế, với trên 300 gốc cây ngũ quả, cây 9 quả hứa hẹn sẽ mang lại cho lão nông Lê Đức Giáp trên dưới 1 tỷ đồng trong dịp Tết năm nay. Nhiều năm liền, ông liên tục được Thủ tướng Chính phủ và UBND thành phố Hà Nội tặng bằng khen vì có thành tích thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, được vinh danh là một trong mười Công dân ưu tú của Thủ đô và gần đây nhất là chứng nhận Sao Thần Nông.