Lãnh đạo Viện KSND Cấp cao tại TPHCM: Nhiều việc 'rất đau lòng' khi thu hồi tài sản trong vụ án Trương Mỹ Lan
Phó Viện trưởng VKSND Cấp cao tại TPHCM Nguyễn Văn Tùng cho biết, trong quá trình xét xử giai đoạn 2 vụ án liên quan bà Trương Mỹ Lan có nhiều việc "rất đau lòng" về công tác thu hồi tài sản.
Ngày 9/4, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM tổ chức hội thảo lấy ý kiến cho các dự án luật: Luật Dẫn độ , Luật Tương trợ tư pháp về dân sự, Luật Tương trợ tư pháp về hình sự, Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù.
Nêu ý kiến tại đây, ông Nguyễn Văn Tùng – Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) Cấp cao tại TPHCM mong muốn Đoàn ĐBQH TPHCM tham gia nghiên cứu xây dựng được Luật Dẫn độ thật kỹ lưỡng đi liền các quy chế, các điều ước quốc tế, nhằm mục tiêu làm sao có thể dẫn độ được những đối tượng phạm tội trốn ra nước ngoài.

Phó Viện trưởng VKSND Cấp cao tại TPHCM Nguyễn Văn Tùng trao đổi tại buổi góp ý cho các dự thảo luật. Ảnh: Ngô Tùng
“Luật phải xây dựng các thể chế chặt chẽ để đưa được đối tượng về và vấn đề quan trọng nữa là thu hồi được tài sản. Chúng tôi đang xử giai đoạn 2 vụ án liên quan bà Trương Mỹ Lan có nhiều việc rất đau lòng về công tác thu hồi tài sản, thu hồi tài sản rất khó”, ông Tùng nói.
Góp ý cho dự án Luật Tương trợ tư pháp về hình sự, ông Tùng cho rằng luật này phải có sự tương tác giữa các bên với nhau, bởi nhiều vụ dù có yêu cầu tương trợ tư pháp nhưng đối tác không trả lời và vụ án Trương Mỹ Lan là ví dụ điển hình.
“Luật cần đảm bảo quyền và nghĩa vụ liên quan, quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền, bảo đảm quyền của cá nhân và tổ chức có liên quan các vụ án hình sự. Cùng với đó là cơ chế thực thi minh bạch, trình tự, thủ tục tương trợ tư pháp được thiết lập cụ thể, giúp các cơ quan thẩm quyền thực hiện hiệu quả, tránh tình trạng kéo dài”, ông Tùng góp ý.
Với dự án Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù, ông Tùng cũng lưu ý đến yếu tố chặt chẽ của điều luật. Chẳng hạn, nguyện vọng của bị án muốn được thụ án hoặc tử hình tại quê hương của họ thì chúng ta có cho phép hay không?
“Trong một vụ án buôn bán 5kg bạch phiến trước đây, khi tôi lấy lời khai thì ngay từ đầu đối tượng đã bày tỏ nguyện vọng xin được chết, hoặc được thụ án tại quê hương đến khi chết. Nhưng chúng ta không có cơ chế đó, bây giờ xây dựng luật thì phải lưu ý điểm này, bởi thực tế đã có hiện tượng này”, ông Tùng nêu thêm.
Tồn đọng cả ngàn vụ án có yếu tố nước ngoài

Ông Huỳnh Văn Trực nêu ý kiến.
Đại diện Tòa án nhân dân (TAND) TPHCM, ông Huỳnh Văn Trực cho rằng, thực tiễn hoạt động tương trợ tư pháp còn vướng mắc rất nhiều, chưa khắc phục được. Chẳng hạn, trong vụ án dân sự có yếu tố nước ngoài thì tòa án buộc phải ủy thác tư pháp ra nước ngoài và phải tạm đình chỉ vụ án nhưng “không có ngày quay lại”, vì không có kết quả ủy thác tư pháp. Ông Trực cho hay có vụ án gần 10 năm mà vẫn chưa có kết quả ủy thác tư pháp.
Điều này chứng tỏ luật ra nhưng không áp dụng được, do đó luật mới nên quy định về trình tự, thủ tục, nghĩa vụ trách nhiệm của các cơ quan thực thi, phải quy định rõ bao lâu phải có văn bản phản hồi. Và nếu không thực hiện được thì phải có văn bản phản hồi, trên cơ sở đó sẽ căn cứ các quy định của pháp luật Việt Nam để xử lý. “Hiện nay án tạm đình chỉ của TAND TPHCM có yếu tố nước ngoài rất là nhiều, gần cả ngàn vụ về nội dung này, không giải quyết được”, ông Trực thông tin.
Thượng tá Võ Chiến Thắng – Phó trưởng phòng Quản lý Xuất nhập cảnh, Công an TPHCM cho biết, thời gian qua đối tượng người nước ngoài hoạt động lừa đảo tại TPHCM nhiều và phức tạp. Hiện nay, tại Campuchia, Thái Lan, các đối tượng tội phạm nước ngoài hoạt động theo phương thức “làm chéo” thị trường, tức người nước ngoài qua Việt Nam để lừa đảo ở nước thứ ba chứ không lừa đảo công dân Việt Nam. Khi lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ thì chỉ xử tội lừa đảo, xâm hại tài sản. Riêng về quyền lợi của công dân, vì không có công dân Việt Nam nên xử không được.

Thượng tá Võ Chiến Thắng. Ảnh: Ngô Tùng
“Tháng 3/2023, Công an TPHCM phát hiện một nhóm 6 người Malaysia dụ dỗ 30 người Indonesia về TPHCM hoạt động lừa đảo đối với công dân Indonesia. Khi chúng ta phát hiện, làm rõ thì cũng không xử tội hình sự được về tội lừa đảo đối với công dân Indonesia vì đó không thuộc luật của mình. Theo đó, chỉ xử vi phạm hành chính về xuất nhập cảnh, đề nghị trục xuất là hết”, Thượng tá Thắng dẫn chứng và cho rằng nguyên nhân chính là do Việt Nam cũng như các nước không xử lý quyết liệt nên hoạt động lừa đảo diễn ra rầm rộ như thời gian qua.