Lãnh đạo Cục CSGT: Phạt nghiêm để mọi người luôn nhớ "nhà là nơi để về"

Duy Anh ,
Chia sẻ

Dù mức phạt tăng cao, trong tuần đầu thực hiện Nghị định 168/2024, lực lượng CSGT đã xử lý trên 92.000 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông.

Xử lý trên 92.000 trường hợp vi phạm/tuần 

Theo Bộ Công an, sau 1 tuần thực hiện Nghị định 168/2024, lực lượng CSGT xử lý gần 350 người vượt đèn đỏ/ngày.

Lực lượng CSGT cũng đã xử lý trên 92.000 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông.

Trong số đó có trung bình khoảng 2.300-2.500 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn; vi phạm không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu là 350-380 trường hợp/ngày.

Lãnh đạo Cục CSGT: Phạt nghiêm để mọi người luôn nhớ
Lãnh đạo Cục CSGT: Phạt nghiêm để mọi người luôn nhớ
Lãnh đạo Cục CSGT: Phạt nghiêm để mọi người luôn nhớ

Đa số người dân đã chấp hành nghiêm chỉnh luật giao thông, song vẫn còn nhiều trường hợp vi phạm (Ảnh: Bộ Công an).

Cục CSGT đã phối hợp với các cơ quan chức năng thường xuyên rà soát khắc phục điểm đen, điểm bất hợp lý về tổ chức giao thông, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông, biển báo... để nâng cao chỉ số an toàn cho người dân.

CSGT các địa phương cũng đã tiến hành nắm bắt các tuyến, điểm, ngã tư... phức tạp về trật tự, an toàn giao thông, nhất là các ngã tư có nhiều vi phạm để xây dựng phương án, bố trí lực lượng, phương tiện kĩ thuật để vận động người dân chấp hành Luật. Đáng chú ý, sẽ ưu tiên sử dụng thiết bị công nghệ, hệ thống giám sát, camera... cung cấp hình ảnh chứng minh vi phạm, bên cạnh với phát hiện trực tiếp.

Cục CSGT đã gửi văn bản đến các đơn vị liên quan để nhanh chóng rà, soát khắc phục các cột đèn tín hiệu giao thông có hiện tượng hỏng và không xử phạt với người vi phạm tại các cột đèn đang gặp sự cố.

Đại diện lãnh đạo Cục CSGT chia sẻ: Phạt nghiêm là để giảm tai nạn, giúp mọi người luôn nhớ: “NHÀ LÀ NƠI ĐỂ VỀ".

Việc tăng mức xử phạt nhằm răn đe những người tham gia giao thông có ý thức kém, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông và xây dựng hình ảnh văn minh đô thị.

Quan điểm của Bộ Công an, sẽ xử lý nghiêm người vi phạm với phương châm: "Không vùng cấm, không ngoại lệ". Những cán bộ, chiến sĩ trong quá trình thực thi nhiệm vụ cũng phải chấp hành nghiêm quy định và sẽ bị xử lý nghiêm nếu vi phạm.

Nghị định mới tăng nặng mức xử phạt các lỗi cố ý, nguồn nguy hiểm cao độ

Nghị định số 168/2024/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe có hiệu lực thi hành từ 1/1/2025. Nghị định 168 thay thế Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP).

Theo Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), các lỗi có mức phạt tăng mạnh là các lỗi có tính cố ý, là nguồn nguy hiểm cao độ và là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn, cần phải tăng mức xử phạt đủ mạnh để bảo đảm tính răn đe, phòng ngừa.

Lãnh đạo Cục CSGT: Phạt nghiêm để mọi người luôn nhớ "nhà là nơi để về" - Ảnh 4.

Các lỗi có mức phạt tăng mạnh là các lỗi có tính cố ý, là nguồn nguy hiểm cao độ và là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn (Ảnh: Bộ Công an).

Điểm đáng chú ý trong Nghị định 168 là tăng nặng mức xử phạt đối với một số nhóm hành vi, hành vi vi phạm.

Chẳng hạn như đối với xe ô tô, các lỗi như điều khiển xe đi ngược chiều trên đường cao tốc; lùi xe trên đường cao tốc; quay đầu xe trên đường cao tốc sẽ bị phạt lên tới 30 - 40 triệu đồng.

Các lỗi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông; đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển “Cấm đi ngược chiều”; không chấp hành hiệu lệnh chỉ dẫn của người điều khiển giao thông; vi phạm nồng độ cồn vượt quá 50mg - 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,25mg - 0,4mg/1 lít khí thở… bị phạt từ 18 đến 20 triệu đồng.

Hành vi cản trở, không chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát của người thực thi công vụ, người điều khiển xe ô tô bị phạt từ 35 đến 37 triệu đồng;

Điều khiển xe chạy quá tốc độ trên 35km/giờ, dừng xe, đỗ xe trên đường cao tốc không đúng nơi quy định bị phạt từ 12 đến 14 triệu đồng;

Điều khiển xe ô tô gắn biển số không rõ chữ, số (không gắn đủ biển số, che dán biển số, biển số bị bẻ cong, che lấp, làm thay đổi chữ, số, màu sắc…) hoặc gắn biển số không đúng với chứng nhận đăng ký xe hoặc gắn biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp bị phạt tiền từ 20 đến 26 triệu đồng.

Dùng tay cầm và sử dụng điện thoại hoặc các thiết bị điện tử khác khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đang di chuyển trên đường bộ bị phạt từ 4 đến 6 triệu đồng.

Các hành vi không giảm tốc độ (hoặc dừng lại) và nhường đường khi điều khiển xe chạy từ trong ngõ, đường nhánh ra đường chính; không nhường đường cho xe đi trên đường ưu tiên, đường chính từ bất kỳ hướng nào tới tại nơi đường giao nhau; chuyển hướng không nhường quyền đi trước cho người đi bộ, xe lăn tại nơi có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ; mở cửa xe, để cửa xe mở không bảo đảm an toàn gây tai nạn giao thông; vận chuyển hàng hóa là phương tiện vận tải, máy móc, thiết bị kỹ thuật, hàng dạng trụ không chằng buộc hoặc chằng buộc không theo quy định,… trước đây chỉ bị phạt từ 300 nghìn đồng đến 1 triệu đồng thì nay mức phạt nâng lên thành từ 4 đến 22 triệu đồng.

Một số hành vi có mức phạt lên tới 40 - 50 triệu đồng như lạng lách, đánh võng; chạy quá tốc độ đuổi nhau trên đường bộ; dùng chân điều khiển vô lăng xe khi xe đang chạy trên đường.

Đây là những hành vi được hình thành phổ biến từ thói quen điều khiển phương tiện của người lái xe và cũng là nguyên nhân nguy cơ cao dẫn đến tai nạn giao thông.

Chia sẻ