Tố giác vi phạm giao thông: "Vì lợi ích chung của xã hội, không nên coi là một nghề kiếm tiền"
Theo quan điểm của luật sư, việc tố giác vi phạm giao thông cần được hiểu và thực hiện với tinh thần đóng góp vì lợi ích chung của xã hội, chứ không nên coi đây là một “nghề” để kiếm tiền hay phương tiện trục lợi cá nhân. Bên cạnh đó, luật sư cũng đưa ra khuyến cáo về các quy định pháp luật để không gây ảnh hưởng, xâm phạm đến đời tư cá nhân của người khác.
Nghị định số 176/2024/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 176) quy định quản lý, sử dụng kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ và đấu giá biển số xe sau khi nộp vào ngân sách nhà nước có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2025.
Nghị định cho phép Bộ Công an được chi hỗ trợ cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin phản ánh hành vi vi phạm hành chính về (TTATGT). Mức chi cho nội dung này là không quá 10% số tiền xử phạt vi phạm hành chính và tối đa 5 triệu đồng/ vụ việc.
Đây là một trong những quy định mới, được nhiều người quan tâm trong thời gian qua, thậm chí, có nhiều người nói rằng sẽ coi đây là một nghề kiếm tiền. Luật sư Trần Tuấn Anh - Giám đốc Công ty luật Minh Bạch đã có những chia sẻ về câu chuyện pháp lý xung quanh vấn đề này.
Luật sư có thể chia sẻ quan điểm về việc chi trả tiền thưởng cho người cung cấp thông tin tố giác vi phạm cá nhân theo Nghị định 176?
Luật sư Trần Tuấn Anh: Việc chi trả tiền cho người cung cấp thông tin tố giác vi phạm giao thông theo đánh giá của cá nhân tôi là một chính sách hết sức nhân văn. Bởi trên thực tế, một bộ phận không nhỏ người dân không làm vì khen thưởng mà họ chủ động cung cấp thông tin, hình ảnh vi phạm giao thông vì sự an toàn cho bản thân và người xung quanh, sự tin tưởng vào nghiêm minh pháp luật và mong muốn nâng cao ý thức tham gia giao thông của cộng đồng.
Do đó, chính sách thưởng tiền cho người có công phản ánh vi phạm về giao thông rất đáng được ủng hộ. Vì lẽ, việc khen thưởng xét ở khía cạnh tâm lý sẽ khuyến khích người dân tham gia hỗ trợ cơ quan chức năng trong việc phát hiện và xử lý vi phạm, giúp nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông.
Đồng thời, việc chi trả tiền là một cách hay để tri ân với người có tinh thần dũng cảm đấu tranh bảo vệ lẽ phải, không vô cảm trước cái sai diễn ra trên đường và thông báo cho những người cung cấp thông tin tố giác về sự hiệu quả trong công tác giám sát, hỗ trợ khi cái ác, cái sai đã bị nghiêm trị. Từ đó, người dân có thể đặt niềm tin vào hệ thống pháp luật hơn.
Tuy nhiên, để đảm bảo minh bạch và hiệu quả, các cơ quan chức năng cần ban hành tiêu chí xét duyệt và cơ chế chi trả cụ thể.
Luật sư có thể cho biết, việc người dân cung cấp thông tin vi phạm giúp ích như nào đối với cơ quan chức năng trong thời điểm hiện nay?
Luật sư Trần Tuấn Anh: Trong bối cảnh xã hội phát triển nhanh như hiện tại, hệ thống camera giám sát đã được lắp đặt rộng rãi, đóng vai trò thiết yếu trong việc điều tiết giao thông, cảnh báo ùn tắc, kẹt xe, cũng như hỗ trợ lực lượng chức năng trong việc điều tra và truy tìm người hoặc phương tiện liên quan đến các vụ vi phạm và tai nạn giao thông.
Dẫu vậy, vẫn có những khu vực hoặc góc khuất mà camera giám sát không thể bao quát hết. Ví dụ tại các tuyến cao tốc và quốc lộ, việc lắp đặt camera phủ sóng toàn bộ tuyến đường vẫn còn nhiều hạn chế khiến có những trường hợp xe máy đi vào cao tốc, ô tô chạy lùi, đi ngược chiều, vượt ẩu hoặc tạt đầu được phát hiện phải nhờ camera hành trình của các phương tiện lưu thông trên đường.
"Việc xây dựng một môi trường giao thông an toàn và văn minh không chỉ phụ thuộc vào những chính sách đúng đắn mà còn cần có sự chung tay, đồng lòng từ toàn thể xã hội. Tố giác vi phạm giao thông là một biểu hiện của trách nhiệm công dân, nhưng cần được thực hiện vì lợi ích cộng đồng, đặt mục tiêu chung lên trên lợi ích cá nhân" - Luật sư Trần Tuấn Anh.
Trên thực tế, việc người dân chủ động báo tin và cung cấp hình ảnh cho cơ quan chức năng đã được nhiều địa phương triển khai trong vài năm qua và dù chưa có những mức “đãi ngộ” tương xứng thì việc tố giác này vẫn được thực hiện dựa trên tinh thần tự giác và đạt được những hiệu quả nhất định. Do đó, việc chi trả tiền cho người cung cấp thông tin tố giác vi phạm sẽ càng giúp cho người dân có ý thức hơn về việc làm đúng đắn của mình khi ta cho họ thấy được việc tham gia cung cấp thông tin về vi phạm giao thông có thể mang lại nhiều lợi ích thiết thực.
Đây sẽ là nguồn hỗ trợ quan trọng giúp cơ quan chức năng phát hiện nhanh chóng các hành vi vi phạm, đặc biệt ở những khu vực không có lực lượng tuần tra thường xuyên khi mà giờ đây, mỗi người dân chỉ với 1 chiếc điện thoại sẵn có, là một chiếc camera “chạy bằng cơm” sẵn sàng ghi lại những hành vi vi phạm, là minh chứng cho sự đồng lòng của toàn xã hội trong việc xây dựng một môi trường giao thông an toàn và văn minh.
Bên cạnh đó, việc này góp phần nâng cao ý thức tuân thủ luật giao thông, khi người vi phạm nhận thức được rằng hành vi của họ có thể bị phản ánh bất kỳ lúc nào. Đồng thời, giúp giảm tải áp lực cho lực lượng cảnh sát giao thông, tạo nên môi trường giao thông an toàn và trật tự hơn.
Việc phản ánh các hành vi vi phạm là điều đáng biểu dương, khen thưởng, song luật sư có thể chia sẻ về các quy định pháp luật để không gây ảnh hưởng và xâm phạm đến đời tư cá nhân của người khác?
Luật sư Trần Tuấn Anh: Khi ghi hình hoặc chụp ảnh tố giác vi phạm giao thông, người dân cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định pháp luật để không xâm phạm quyền cá nhân. Bởi, quyền cá nhân về hình ảnh là quyền nhân thân quan trọng của cá nhân được pháp luật quy định và mọi cá nhân đều có quyền đối với hình ảnh của bản thân. Thông thường việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được sự đồng ý của người đó.
Theo Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015, việc sử dụng hình ảnh cá nhân phải được sự đồng ý, trừ khi phục vụ lợi ích công cộng. Ngoài ra, căn cứ theo quy định tại Điều 38 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình thì những thông tin đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Vì vậy, khi ghi hình, cần tập trung vào hành vi vi phạm, tránh cố ý quay rõ mặt hoặc các thông tin không liên quan.
Ngoài ra, hình ảnh, video phải được gửi trực tiếp cho cơ quan chức năng qua các kênh chính thức, không tự ý đăng tải lên mạng xã hội để tránh vi phạm quyền riêng tư hoặc các quy định pháp luật khác. Đặc biệt, trong quá trình ghi hình, cần đảm bảo an toàn giao thông và không gây nguy hiểm cho bản thân hoặc người khác.
Luật sư có khuyến cáo gì đối với người phản ánh vi phạm giao thông trong việc tuân thủ quy định của pháp luật, tránh trường hợp cung cấp thông tin không chính xác, bịa đặt, tin giả…?
Luật sư Trần Tuấn Anh: Việc người dân tham gia tích cực vào việc phán ảnh vi phạm giao thông là một tín hiệu đáng mừng, thể hiện rõ vai trò “dân giám sát” trong chủ trương, đường lối quản lý của Nhà nước ta. Tuy nhiên, người dân cần lưu ý khi tham gia tố giác vi phạm giao thông cần đảm bảo cung cấp thông tin chính xác, không bịa đặt hay lan truyền tin giả, vì hành vi này có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Căn cứ Điều 101, 102 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định hình thức xử phạt đối với hành vi vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội thì hành vi đăng tải hình ảnh của người khác khi không được cho phép nếu không gây hậu quả nghiêm trọng hoặc hậu quả ít nghiêm trọng thì bị xử phạt hành chính từ 10 – 20 triệu đồng.
Trong trường hợp sử dụng thông tin đó vào mục đích xấu, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm, uy tín, thiệt hại lớn về tài sản thì thậm chí những hành vi này còn có thể bị xử lý hình sự về những tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo Điều 288 hoặc Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo Điều 331 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Cá nhân tôi đánh giá chủ trương khuyến khích người dân tham gia tố giác vi phạm giao thông là một giải pháp hiệu quả nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông và xây dựng văn hóa giao thông văn minh. Hiện nay, nhiều người đã hóa thân thành những “thợ săn tiền thưởng” với mục đích bắt lỗi vi phạm để trục lợi. Cần lưu ý, việc tố giác vi phạm cần được hiểu và thực hiện với tinh thần đóng góp vì lợi ích chung của xã hội, chứ không nên coi đây là một “nghề” để kiếm tiền hay phương tiện trục lợi cá nhân.