"Làng góa phụ", "xóm không chồng" ở miền Đất Mũi
25 năm trước (2/11/1997), bão số 5 (bão Linda) đổ bộ vào khu vực Nam bộ, gây nhiều đau thương, mất mát. Miền biển Khánh Hội của huyện U Minh là nơi gánh chịu hậu quả nặng nề của bão dữ, khiến “trụ cột” của hàng nghìn gia đình ngư dân nằm lại mãi mãi ở vùng biển sâu. Bão quét qua để lại quê biển ấy những “làng goá phụ”, “xóm không chồng”.
Ở vậy thờ chồng
Những ngày đầu tháng 11/2022, bầu trời đang nắng lại đổ cơn mưa bất chợt khiến lòng người dân đất Mũi, gợi nhớ ký ức về cơn bão mang tên Linda. Bà Trần Thị Lăng (ấp 4, xã Khánh Hội) là một “góa phụ” can trường, chung thủy. Khi chồng tử nạn bà mới ngoài 30 tuổi, nhan sắc còn rất mặn mòi. Nhưng bà cùng các con ở vậy thờ chồng, chứ không đoái hoài đến những lời ngọt ngào ong bướm. Bà nói: “Từ hồi ổng chết mới ba mươi mấy tuổi mà giờ mình sáu mươi tuổi rồi còn gì nữa”.
Vội rửa tay bằng cái chum hứng nước mưa trước hiên nhà, bà Lăng kể lại từng chi tiết đã in sâu trong kí ức về những ngày cơn bão Linda ập tới gia đình. Bà mở đầu câu chuyện bằng những giọt nước mắt lăn dài trên hai gò má, bà kể: “Trước bão mấy ngày, ổng (chồng bà Lăng - PV) còn đem mực vào bờ bán, rồi đưa cho tôi toàn bộ số tiền ấy. Vậy mà, tôi không ngờ đó là lần gặp ổng cuối cùng…”.
Bà Lăng kể tiếp về gia cảnh mình: “Trước khi bão đổ bộ, bầu trời không sáng, cứ ảm đạm một màu xám xịt. Rồi cơn bão ập đến, xóm này chìm trong cảnh màn trời chiếu đất. Nhà cửa sập tan hoang. Tôi vội đưa các con trốn vào gầm giường, giành sự sống cho các con trước sức gió kinh hoàng của bão Linda”.
Bà kể tiếp, sau cái đêm tan tác ấy, bà không ngừng nghĩ đến người chồng và đứa con trai lớn đang đánh bắt ở ngoài khơi xa. Rồi bà theo dòng người trong xóm (ấp) tiến ra cửa biển Khánh Hội ngóng tin xa. Bà đi từng xác người vừa vật vờ trôi dạt bìa rừng để nhận mặt. Thỉnh thoảng có người khóc ré lên vì nhận được xác người thân. Tim bà quặn lại, ước mình không phải vậy.
“Trưa hôm đó, tôi mới hay tin chiếc tàu của chồng chìm lúc 8h tối. Bởi vì bão đến mấy ổng không hay. Lúc đó, tôi đã ngất lịm đi và được bà con trong xóm chở đi bệnh viện cấp cứu. Khi khỏe lại, tôi cùng các con đi dọc bờ biển kiếm xác chồng nhưng kiếm hoài không có, rồi từ từ biết hết khả năng mới về lập bàn thờ thờ cúng”, bà Lăng nói trong nước mắt.
Bà Lăng cho hay, gia đình có 2 chiếc ghe đi biển, một chiếc chồng bà làm tài công, chiếc còn lại con trai lớn lái. May mắn, con trai của bà bám víu được cây lộng rút (làm bằng cây tre - PV) 7 ngày, 7 đêm mới được tàu ở Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang) tìm kiếm đưa vào bờ an toàn.
Tương tự, bà Lý Hồng Mận (57 tuổi) ở miền biển Khánh Hội, có chồng là lính Biên phòng xuất ngũ, bị tử nạn trong cơn bão Linda. Dù vắng đi “trụ cột” nhưng bà vẫn ở vậy nuôi con, cất được nhà cửa lành lặn, con cái được chăm lo ăn học đàng hoàng, có việc làm ổn định.
Khá nhiều trường hợp ở Khánh Hội vẫn ở vậy thờ chồng, nuôi con, trong đó có gia đình bà Lư Thị Dướng, Quách Thị Sen, Nguyễn Thị Cẩm (ấp 2) và Trần Thị Siếu (ấp 4)…
Bà Lăng tâm sự thêm: “Trong hoạn nạn mới thấy hết được tình người. Bà con xứ này tốt bụng lắm, nhờ vậy mà chị em chúng tôi mới vượt qua được hoàn cảnh khốn khó ấy sống đến ngày nay”.
Vượt lên bão dữ
Biện Nhị, Kênh Xáng Mới, Chệt Tửng, Lung Lá... là những nơi có nhiều ngư dân đi biển bị chết nhiều nhất ở địa bàn xã Khánh Hội. “Chỉ riêng khu vực Kênh Xáng Mới (nay thuộc ấp 3, 4, 6, 7, 8 của xã Khánh Hội), có không dưới 140 gia đình những người vợ trở thành goá phụ” - Chủ tịch UBND xã Khánh Hội, ông Châu Minh Đảm tiết lộ.
Theo ông Đảm, ở xứ biển này hoàn cảnh của hộ ông Trần Văn Cò đáng thương nhất khi có 6 người thân tử nạn (3 em trai, hai người anh rể và một người cháu). Nếu tính luôn bà con xa, dòng họ ông Cò có hơn 20 người thân “đi mãi không về” vì bão Linda. Cùng cảnh trên, hộ bà Trần Thị Mỹ Tiên, có hai người anh ruột chết mất xác ngoài khơi;…
Kể lại thời khắc đau buồn năm xưa, bà Trần Thị Diệu (53 tuổi, em chồng bà Lăng) ở kênh Xáng Mới, buông giọng buồn so: “Má tôi một lúc mất đi 3 người con trai, 2 con rể và 2 cháu ngoại. Trong 7 người mất tích ấy có chồng bà. Chồng mất khi đứa con lớn vừa 5 tuổi, đứa kế 3 tuổi, đứa nhỏ vừa trào 3 tháng tuổi”.
Dù vắng đi trụ cột nhưng bà Diệu vẫn ở vậy nuôi con. Cả em dâu, chị gái, em gái của bà cũng thế. Theo chia sẻ của người phụ nữ này, chuyện buồn rồi cũng nguôi ngoai, phải gắng gượng dậy để nuôi con.
Trong một thời gian dài, sự giúp sức về của cải, vật chất… từ những tấm lòng hướng về tâm bão trở thành “liều thuốc” chữa lành dần những vết thương lòng cho cư dân quê biển, giúp họ thêm niềm tin ra khơi, bám biển. Như hộ ông Cò, sau cơn bão, gia đình tiếp tục đóng mới tàu cá, tiếp tục vươn khơi.
“Với nghị lực bền bỉ của cư dân miền biển, các “goá phụ” từng bước vượt qua nỗi đau, kiên trì lao động bằng nhiều nghề chân chính để nuôi con khôn lớn, ước mơ vươn khơi bám biển được chính con, cháu họ tiếp nối”, Chủ tịch UBND xã Khánh Hội chia sẻ.
Những ngày qua, các hoạt động tưởng niệm nạn nhân xấu số trong cơn bão số 5 xảy ra vào những ngày đầu tháng 11/1997 tại miền biển Khánh Hội được cấp uỷ, chính quyền địa phương, ngành chức năng và đoàn thể tổ chức trang trọng.
Trong tâm trí của người dân Cà Mau mãi không quên hình ảnh thảm khốc của bão Linda. Chính sự thảm khốc ấy, cư dân ven biển ý thức hơn các mối nguy từ biển. Giờ đây những đứa trẻ một thời được mẹ đặt tên “Bão Biển”, “Hận Biển”… khi mới lọt lòng, nay tiếp tục vững tin xa khơi, bám biển. Hiện tại, họ được trang bị nhiều hơn các thiết bị an toàn và liên lạc từ xa để chủ động phòng tránh thiên tai, tránh tái diễn những “làng góa phụ”, những “xóm không chồng” ở vùng quê ven biển.