Vì sao vẫn tồn tại 3 du thuyền trên Hồ Tây?

Đ. Hưng/VOV.VN,
Chia sẻ

Sau hơn 5 năm các du thuyền trên Hồ Tây dừng kinh doanh, các doanh nghiệp được vận động tự tháo dỡ phương tiện di dời khỏi Hồ Tây, trả lại cảnh quan môi trường Hồ Tây.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án ĐTXD quận Tây Hồ (Hà Nội) cho biết, đối với việc di dời phương tiện thuỷ ra khỏi Hồ Tây là tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Thành uỷ và UBND thành phố Hà Nội. Thời gian vừa qua, UBND quận Tây Hồ liên tiếp ban hành các thông báo yêu cầu các doanh nghiệp tự tổ chức di dời các phương tiện thủy ra khỏi Hồ Tây.

Qua thời gian dài kiên trì vận động, đến nay các doanh nghiệp đã tự giác di dời tháo dỡ hoàn thành xong ra khỏi Hồ Tây như: Công ty TNHH Nhuận Mai, Công ty TNHH dịch vụ Hải Đăng, Công ty TNHH Du thuyền Hồ Tây. Còn 2 doanh nghiệp là Công ty TNHH Đầu tư TM & DV Kim Linh và Công ty CP Du lịch thương mại Tây Hồ đang tự tổ chức di dời 2 phương tiện 1 tàu và 1 nhà nổi ra khỏi Hồ Tây.

Vì sao vẫn tồn tại 3 du thuyền trên Hồ Tây? - Ảnh 1.

Tiếp tục vận động doanh nghiệp tự tháo dỡ phương tiện thủy trả lại cảnh quan Hồ Tây.

Theo ông Tuấn, hiện nay tại khu vực tiếp giáp Đầm Bẩy, Hồ Tây còn 2 doanh nghiệp chưa chấp hành di dời. “Cụ thể Công ty CP Sông Potomac có 1 sàn và 1 tàu, phần sàn hiện chìm cả đáy xuống bùn. Chúng tôi yêu cầu công ty này di dời phần sàn chìm ra khỏi hồ đừng để làm mất cảnh quan. Còn tàu Potomac, hiện nay chúng tôi nhận được công văn của phía ngân hàng đề nghị quận Tây Hồ khi di dời phải làm việc với ngân hàng bởi vì toàn bộ tài sản Công ty Potomac đặt ngân hàng và liên tục trì hoãn thanh toán các khoản vay. Công ty CP Nhà nổi Hồ Tây có 2 tàu là Nàng Tiên Cá và Taboo cũng chưa thực hiện di dời ra khỏi Hồ Tây”- ông Tuấn nói.

Theo ông Tuấn, đối với các phương tiện hiện chưa di chuyển, quận Tây Hồ tiếp tục đề nghị, yêu cầu doanh nghiệp di dời phương tiện ra khỏi Hồ Tây theo đúng Thông báo số 38/TB-UBND. Đến giờ phút này quận chưa tháo dỡ mà chỉ vận động doanh nghiệp tự tháo dỡ, chấp hành chủ trương của thành phố. Đối với Công ty CP Nhà nổi Hồ Tây quận sẽ có báo cáo Thành phố và sẽ có một hướng giải quyết với họ. Còn Công ty CP Sông Potomac chúng tôi vẫn yêu cầu di dời nhưng trước mắt sàn chìm phải di dời trước.

Đối với các kiến nghị của 5 doanh nghiệp về bồi thường, hỗ trợ và đề nghị được tiếp tục kinh doanh trên Hồ Tây, đại diện Ban quản lý ĐTXD quận Tây Hồ cho biết: UBND Thành phố đã ban hành văn bản số 3199/UBND-ĐT ngày 13/7/2018, trong đó nêu rõ: “Chấp thuận đề nghị của Sở Tài chính tại Công văn số 3924/STC-TCDN ngày 12/6/2018; cụ thể: Việc bồi thường tài sản, bồi thường thiệt hại do ngừng kinh doanh trên Hồ Tây cho các doanh nghiệp là không có căn cứ. Việc chi trả trợ cấp cho người lao động thuộc trách nhiệm của doanh nghiệp theo quy định của Bộ luật Lao động.

Đối với các doanh nghiệp đề nghị được tiếp tục hoạt động kinh doanh tại Hồ Tây, doanh nghiệp liên hệ với Sở Văn hóa và Thể thao để được hướng dẫn theo chỉ đạo của UBND Thành phố tại Thông báo số 372/TB-UBND ngày 16/4/2018”.

“Về tiêu chí đóng tàu mới, Thành phố giao cho Sở Văn hoá- Thể thao xây dựng tiêu chí báo cáo thành phố”, ông Tuấn cho biết thêm.

Vì sao vẫn tồn tại 3 du thuyền trên Hồ Tây? - Ảnh 2.

Một số doanh nghiệp vẫn kiến nghị được phép kinh doanh trên Hồ Tây.

Theo ông Tuấn, tại Thông báo 372 cũng chỉ rõ chỉ cho phép tối đa từ 1-2 tàu hoạt động có nghĩa là không thể tất cả các doanh nghiệp này đều được kinh doanh trên Hồ Tây.

Khi thành phố yêu cầu di dời với một tiêu chí cao hơn quay trở lại Hồ Tây (nếu có) điều đó có nghĩa là những con thuyền đang rỉ sét, cơ quan đăng kiểm không cấp đăng kiểm, hệ thống xử lý nước thải có còn phù hợp với tiêu chuẩn hiện giờ.

Đối với đề án kinh doanh của Công ty Cổ phần Sông Potomac, UBND quận Tây Hồ đã có các văn bản số 561/UBND-QLDA ngày 14/4/2021 và số 1134/UBND QLDA ngày 03/8/2022 về việc trả lời đơn kiến nghị của Công ty CP Sông Potomac cho phép được tiếp tục hoạt động kinh doanh trên Hồ Tây và đề nghị Công ty liên hệ với Sở Văn hóa và Thể thao theo đúng chỉ đạo của UBND Thành phố tại Thông báo số 372/TB-UBND ngày 16/4/2018./.

Thực hiện chủ trương của Thường trực Thành ủy Hà Nội tại Thông báo số 435-TB/TU ngày 26/10/2016 và Thông báo số 525-TB/TU ngày 17/01/2017; Thông báo số 38/TB-UBND ngày 07/02/2017 của UBND Thành phố về Kết luận của Chủ tịch UBND Thành phố về kết quả kiểm tra toàn diện hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh tại khu vực Hồ Tây và giải quyết kiến nghị liên quan đến hoạt động kinh doanh ở khu vực Hồ Tây của các doanh nghiệp.

UBND quận Tây Hồ đã ban hành các văn bản yêu cầu các doanh nghiệp có phương tiện thủy nội địa ngừng kinh doanh, di chuyển các phương tiện thủy về địa điểm tập kết tại khu vực tiếp giáp Đầm Bẩy, phường Nhật Tân và thực hiện di dời ra khỏi Hồ Tây. Các văn bản số 1029/UBND-QLDA ngày 14/7/2022 và số 1538/UBND QLDA ngày 07/10/2022 của UBND quận Tây Hồ với nội dung: “Yêu cầu các doanh nghiệp tự tổ chức di dời các phương tiện thủy của đơn vị mình đang neo đậu tại khu vực tiếp giáp Đầm Bẩy, phường Nhật Tân ra khỏi Hồ Tây” là tiếp tục thực hiện chỉ đạo của UBND Thành phố tại các Thông báo số 38/TB-UBND ngày 07/02/2017, số 293/TB-VP ngày 27/6/2022 và số 462/TB-VP ngày 14/9/2022./.

Chia sẻ