Làn sóng tăng lãi suất tiết kiệm lan rộng, xuất hiện ngân hàng trả lãi 9,5%/năm
Trên thị trường, một số ngân hàng hiện đang niêm yết mức lãi suất tiết kiệm lên đến 7 - 9,5%/năm với điều kiện đi kèm về số tiền gửi và kỳ hạn gửi.
Xu hướng tăng lãi suất tiết kiệm ngày càng lan rộng. Nếu như hơn 1 tháng trước, mức lãi suất tiết kiệm 6%/năm chỉ áp dụng cho khoản tiền gửi tiết kiệm với số tiền quy mô hàng trăm tỷ đến hàng nghìn tỷ đồng. Thì đến hiện tại, mặt bằng lãi suất tiết kiệm thông thường ghi nhận nhiều ngân hàng điều chỉnh tăng lãi về mốc 6%/năm.
Theo khảo sát của chúng tôi, sau lần điều chỉnh mới nhất vào ngày 11/6, lãi suất các kỳ hạn tiền gửi từ 18-60 tháng tại ngân hàng NCB đã quay trở về mốc 6,1%/năm. Đây cũng là ngân hàng niêm yết lãi suất tiết kiệm cao cho các kỳ hạn 12, 13, 15 tháng với mức lãi suất lần lượt là 5,6%, 5,7%, 5,8%/năm.
HDBank, OCB và OceanBank cũng là 3 ngân hàng hiện đang trả lãi tiết kiệm trên 6% tại kỳ hạn dài 18 tháng, 24 tháng và 36 tháng.
Đáng chú ý, một số ngân hàng cũng dành ưu đãi cộng thêm lãi suất tiết kiệm đối với khách hàng gửi tiết kiệm online. Đơn cử như VPBank đang áp dụng chính sách cộng thêm 0,2% lãi suất tiền gửi từ 1 triệu đồng trở lên, kỳ hạn từ 6 tháng dành cho khách hàng lần đầu tiên gửi tiết kiệm trực tuyến. Chính sách này được ngân hàng VPBank áp dụng từ ngày 22/04/2024 đến 31/12/2024. Ưu đãi dành cho tất cả các sản phẩm tiết kiệm trực tuyến trên VPBank NEO, tuy nhiên không bao gồm Tiền gửi góp Easy Savings, Bảo chứng thấu chi và Bảo toàn thịnh vượng...
Ngoài ra, VPBank cũng cộng thêm lãi suất cho các khách hàng ưu tiên của ngân hàng, mức cộng từ 0,1 - 0,4%/năm tùy số tiền và kỳ hạn gửi.
Bên cạnh lãi suất tiết kiệm thông thường, một số ngân hàng áp dụng chính sách "lãi suất đặc biệt" với mức lãi suất hấp dẫn lên tới 9,5%/năm.
Cụ thể, ABBank hiện đang áp dụng mức lãi suất tiền gửi đặc biệt cao nhất là 9,65%/năm. Mức lãi áp dụng đối với các trường hợp gửi tiết kiệm từ 1.500 tỷ đồng trở lên và kỳ hạn 13 tháng, hình thức lĩnh lãi cuối kỳ.
PVCombank cũng đang trả lãi lên tới 9,5%/năm, dành cho khách hàng gửi tiền kỳ hạn 12-13 tháng, số tiền gửi tối thiểu 2.000 tỷ đồng.
Dong A Bank áp dụng mức lãi suất 7,5%/năm cho khoản tiền gửi từ 200 tỷ đồng, kỳ hạn 13 tháng. HDBank cũng niêm yết mức lãi suất 7,7%/năm và 8,1%/năm cho kỳ hạn tiền gửi 12 và 13 tháng với số tiền gửi từ 500 tỷ đồng và lĩnh lãi cuối kỳ.
Trong khi đó, MSB hiện niêm yết lãi suất 7%/năm với điều kiện khoản tiền gửi ở kỳ hạn 13 tháng và số tiền gửi từ 500 triệu đồng.
Ngân hàng Wooribank hiện niêm yết gói tiết kiệm tích lũy với mức lãi suất tiết kiệm cao nhất là 7,5%/năm với kỳ hạn tiền gửi 3 năm. Lãi suất tại kỳ hạn 24 tháng - dưới 36 tháng cao nhất tại Wooribak là 7%/năm. Lãi suất kỳ hạn 12 tháng - dưới 24 tháng, mức lãi suất tiết kiệm hiện niêm yết ở mức 6,5%/năm. Điều kiện áp dụng là số tiền gửi không quá 100 triệu đồng/tháng.
Ngoài ra, với số tiền từ hàng trăm triệu đồng trở lên, khách hàng có thể thỏa thuận với ngân hàng để hưởng thêm lãi suất ưu đãi.
Kể từ đầu tháng 6 trở lại đây đã có 16 ngân hàng thương mại tăng lãi suất tiết kiệm, bao gồm: VietinBank, TPBank, VIB, GPBank, BaoViet Bank, LPBank, Nam A Bank, OceanBank, ABBank, Bac A Bank, MSB, MB, Eximbank, OCB, BVBank, NCB. Trong đó có 2 ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm 2 lần là GPBank và VIB.