Làm sao để chọn ngành khi không biết mình thực sự thích gì? Hoa hậu Lê Âu Ngân Anh gợi ý 3 ĐIỂM MẤU CHỐT giúp các sĩ tử có lựa chọn đúng đắn
Nếu chọn lầm nghề thì nếu bạn không bỏ nghề, không theo nghề thì nghề cũng sẽ bỏ bạn bất kỳ lúc nào! Vậy, nếu không biết mình thích gì, làm sao để chọn ngành phù hợp?
Khi còn ngồi trên ghế cấp 3, nhiều bạn đã có định hướng tương lai, biết được công việc yêu thích sau này để hướng đến. Nhưng cũng không hiếm những người dù đã đậu đại học, ra trường đi làm vài năm vẫn cảm thấy mơ hồ với tương lai, không biết mình thích gì, muốn gì. Các bạn nhìn lại thời điểm thi THTP ngày nào với câu hỏi: "Liệu mình đã chọn đúng đường?".
Chọn ngành, chọn nghề vì thế là chuyện vô cùng hệ trọng, quyết định cả một đời người. Nếu chọn lầm nghề thì nếu bạn không bỏ nghề, không theo nghề thì nghề cũng sẽ bỏ bạn bất kỳ lúc nào! Vậy, nếu không biết mình thích gì, làm sao để chọn ngành phù hợp?
Thạc sĩ - Hoa hậu Lê Âu Ngân Anh đã có những chia sẻ xung quanh vấn đề này. Thời đi học, Ngân Anh là học sinh giỏi suốt 12 năm học phổ thông. Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, nàng Hậu có điểm số cao chót vót ở nhiều môn. Với môn Hóa, người đẹp giành điểm 10 tối đa, Toán và Anh cũng đạt đến 9,5. Số điểm tổng của cô là 51,5/6 môn thi.
Sau đó, người đẹp tiếp tục thi đỗ Đại học Quốc tế - Đại học quốc gia TP.HCM nhưng theo học tại trường Quốc tế Pháp Vatel. Tháng 3/2017, cô chính thức lấy bằng Cử nhân với số điểm bài Luận án tốt nghiệp cao thứ 2 khoa, đạt 18/20 điểm. Ngân Anh cũng tốt nghiệp thạc sĩ tại ĐH Salford (Anh).
Anh cho biết, một trong những câu hỏi mà mình nhận được nhiều nhất đó là phải "làm sao để chọn ngành khi mình không thật sự biết mình thích gì?". Có thể các bạn học sinh không còn đủ thời gian để trải nghiệm và "thử" nữa. Vì thế, cô chia sẻ một số phương pháp để các bạn có thể chọn được ngành phù hợp khi chưa tìm ra được sở thích.
1. Đối với người giỏi đều tất cả các môn
Không phải ai cũng có một khía cạnh nổi trội, một số trong chúng ta cảm thấy mình học khá đều ở tất cả các môn. Và điều này gây ra khá nhiều khó khăn trong việc chọn ngành. Chúng ta thường chọn ngành theo khối A, B, C, D hay nói cách khác là theo những môn ta nổi trội. Vậy với những bạn học đều tất cả các môn, giải pháp là tìm ra "sở thích ngầm" của bạn.
"Sở thích ngầm" chính là điều khiến não bạn kích thích, khiến bạn có thể làm việc đó mải mê, không biết mệt trong vô thức của mình. Hãy nhớ rằng "sở thích ngầm" là thứ mà bạn thích, nó không cần thiết phải là thứ mà bạn giỏi.
Hãy ghi câu trả lời của những câu hỏi dưới đây vào giấy để tìm "sở thích ngầm" của mình:
- Quay lại thời thơ ấu, thời điểm mà bạn bộc lộ niềm yêu thích một cách tự nhiên nhất. Bạn có thường xuyên vẽ? Bạn có thường xuyên mê mẩn những con số? Bạn có hay viết những câu chuyện, bài thơ vào quyển vở của riêng mình? Hay đơn giản chỉ là bạn có tận hưởng lúc chăm sóc và trò chuyện cùng người khác?
- Hãy ngồi xuống và ngẫm về tuổi thơ xem mình thật sự thích gì, thích làm gì lúc đó thì bạn đã mường tượng ra đam mê của mình khá rõ rồi đấy.
- Nếu ổn định về mặt tài chính, bạn sẽ muốn làm gì? Bạn có muốn nghiên cứu thêm về thiên văn? Bạn có thích đi du lịch hay tham gia các khóa học về hội họa, nấu nướng?
- Tất nhiên không thể bỏ qua tiền bạc, bạn mong muốn mình có một công việc có thu nhập ổn định nhưng mức trung bình hay một công việc thu nhập cao nhưng không đều theo từng tháng.
2. Đối với người thích tất cả mọi thứ
Hãy tìm ra thứ mà bạn giỏi nhất. Nói đúng hơn là thứ bạn làm tốt nhất. Vì sao lại thế? Có một câu nói rằng "Đừng luôn cố gắng giỏi mọi lĩnh vực, mà hãy trở thành người giỏi nhất trong lĩnh vực bạn làm". Mình luôn cố gắng giỏi mọi thứ mình được tiếp xúc, và rồi nhận ra mình thật sự chẳng giỏi một cái gì nhất định cả. Hãy tập trung vào thứ bạn làm giỏi nhất và đạt được cảm xúc thăng hoa nhất khi bạn làm việc, đây sẽ là chìa khóa chính trong việc tìm ra ngành học sẽ gắn bó cùng bạn lâu dài.
Hãy ghi câu trả lời của những câu hỏi dưới đây vào giấy để tìm điều mà bạn làm giỏi nhất:
- Về những kĩ năng mềm trước nhé, bạn có phải là người luôn luôn thuyết trình trong lớp? Bạn nhạy bén trong việc phân tích các vấn đề hay đơn giản chỉ là việc bạn thích giao lưu với mọi người, tự tin trước công chúng chẳng hạn.
- Vào thời gian rảnh bạn thường làm gì? Đọc sách, chụp ảnh, trang điểm? Hay đơn giản chỉ là chơi game để giải trí?
- Những bài test tính cách như MBTI, DISC nói rằng bạn giỏi điều gì nhất?
Thạc sĩ Lê Âu Ngân Anh
Hãy tập trung vào thứ bạn làm giỏi nhất và đạt được cảm xúc thăng hoa nhất khi bạn làm việc, đây sẽ là chìa khóa chính trong việc tìm ra ngành học sẽ gắn bó cùng bạn lâu dài.
3. Nếu bạn cảm thấy bản thân không thích hoặc không giỏi gì thì sao?
Với trường hợp này, có thể câu trả lời của mình sẽ không phải là điều mà bạn muốn nghe nhất. Vì mình sẽ khuyên các bạn hãy chọn ngành theo nhu cầu của thị trường. Bởi vì nếu bạn không cảm thấy thích và cũng không cảm thấy mình giỏi ở bất cứ lĩnh vực nào, khả năng cao là bạn chưa có đủ những trải nghiệm thực tế để có thể biết được sở thích và thế mạnh của mình.
Vậy hãy chọn ngành học được thị trường tuyển dụng săn đón nhiều nhất (và phù hợp với điểm thi đại học của bạn) để có cơ hội được trải nghiệm nhiều nhất. Như mình đã nói, trải nghiệm sẽ cho bạn biết về thế mạnh và sở thích của riêng mình.
Và đừng lo sợ về việc sau khi tìm ra được sở thích, bạn sẽ làm trái ngành hoặc phải làm một ngành nghề mà mình không yêu thích. Vì 4 năm đại học không phải là 4 năm quyết định sự thành công hay ngành nghề của bạn, nó là thời gian mà bạn có một môi trường thực tế nhất có thể để khám phá khả năng của bản thân mình.
Tuy nhiên, hãy trả lời những câu hỏi dưới đây để đảm bảo rằng ngành học mà bạn chọn không đem lại cho bạn quá nhiều khó khăn trong tương lai:
- Hãy tưởng tượng xem bạn mong muốn gì ở công việc tương lai:
- Môi trường làm việc chắc hẳn là điều đầu tiên bạn nghĩ đến nhỉ? Bạn thích những tập đoàn lớn đa quốc gia hay đơn giản là startup trẻ trung, thân thiện?
- Bạn mong muốn đồng hành cùng một người sếp như thế nào? Một người có phong cách lãnh đạo nghiêm khắc hay đậm chất GenZ thoải mái cởi mở?
- Bạn mong muốn đồng nghiệp của mình như thế nào? Những người luôn có những mục tiêu và không ngừng cạnh tranh ganh đua với nhau hay đơn giản bạn chỉ muốn những người đồng nghiệp vui tính, dễ tám chuyện?
- Bạn thích hình thức làm việc nào hơn? Ngày nay có rất nhiều hình thức công việc mà nhân viên có thể thoải mái lựa chọn: Làm offline, online hay gần đây nhất là văn phòng một người, bạn thích hình thức nào hơn?
Còn các yếu tố như vị trí địa lý, mức lương, khả năng thăng tiến và mối quan hệ thì mỗi người sẽ có những ưu tiên khác nhau cho công việc của mình. Bạn hãy suy nghĩ sâu hơn về vấn đề này nhé!
Hãy tìm hiểu rõ tất cả những ngành học và công việc của chúng trước khi đưa ra lựa chọn. Tất cả những phương pháp trên sẽ không có tác dụng nếu bạn không biết lựa chọn của mình có những: Yêu cầu, mô tả công việc tương lai, mức lương trung bình, lộ trình thăng tiến,...
"Sẽ thật may mắn khi biết bản thân mình thích gì và muốn gì, những cũng đừng quá tự ti hay lo lắng nếu vẫn chưa tìm ra đam mê thật sự. Hãy thử áp dụng những phương pháp chọn ngành mình ở trên để tìm ra được ngành nghề phù hợp với bản thân mình. Biết đâu, đó lại trở thành đam mê bạn gắn bó lâu dài, không chỉ đem lại thu nhập mà còn là niềm vui nữa. Dù là ai, ngành nghề nào đi chăng nữa thì mình tin là, bạn sẽ luôn tỏa sáng trên con đường mình đã chọn. Hãy luôn kiên trì và đừng từ bỏ", nàng Hậu chia sẻ.