Lạc lối là chuyện thường tình, nhưng đừng lạc quá lâu: 7 điều giúp bạn đi đúng hướng, biết sống hài lòng và hạnh phúc
Cách để thoát khỏi trạng thái mơ hồ ấy lắm lúc lại đơn giản vô cùng. Đôi khi chỉ cần tạo một thói quen nhỏ, cũng có thể thay đổi cả đời người.
Nhiều người thường kêu than rằng bản thân đang lạc lối, không biết đi đâu về đâu, chẳng biết mục tiêu cuộc đời là gì. Nhưng ít ai nhận ra, lạc lối cũng là một trạng thái thường tình trong mỗi giai đoạn, mỗi độ tuổi khác nhau, đặc biệt là tuổi trẻ mới trải nghiệm nhân tình thế thái.
Thật khó để một người đạt được sự dung dị trong cuộc sống, xem nhẹ chuyện được mất và nhiều thứ khác. Lạc lối cũng chẳng sao, quan trọng là bạn có biết giữ vững niềm tin và bắt tay thực hiện hay không.
1. Một luật sư nổi tiếng người Trung Quốc từng nói:
“Nếu không biết làm gì, vậy thì tắt điện thoại, ngủ sớm dậy sớm, rèn luyện cơ thể, đọc sách, học nhảy, lên kế hoạch từng bước, thực hiện từng chút một.
Đừng chỉ đọc vài trang sách đầu tiên mà muốn hiểu toàn bộ nội dung. Đừng mới vận động vài ngày thì chán nản vì bản thân chưa giảm cân đúng với mục tiêu đưa ra. Từ từ thôi, bạn sẽ tìm được phiên bản tốt hơn của chính mình”.
2.
Người trẻ mơ hồ trước tương lai là chuyện bình thường. Nếu tự dưng tỏ tường mọi đường đi nước bước, mỗi bước đi đều có kế hoạch sẵn, vậy thì đời người nhàm chán biết bao.
Tương lai của bạn ra sao sẽ được quyết định bởi những sự lựa chọn. Nếu bây giờ bạn chỉ muốn ngồi tại chỗ mà đợi, vậy thì tương lai chỉ như tờ giấy trắng. Nhưng nếu bây giờ bạn không ngừng học tập, hoàn thiện chính mình và tiến về phía trước, tương lai sẽ có cơ hội được thay đổi nhờ nỗ lực.
3. Lạc lối, đa phần là vì nghĩ quá nhiều, làm quá ít.
Chưa bắt đầu mà đã lo lắng đường phía trước quá khó đi, sợ cửa ải không thể vượt qua. Lo lắng rồi do dự, cuối cùng một việc cũng chẳng thành. Thật ra, chuyện nào cũng cần bắt tay vào làm mới biết kết quả. Sự mơ màng, lạc lối khi bản thân chưa hành động là chuyện thật sự vô nghĩa.
Thay vì suy nghĩ quá độ, chi bằng bắt tay thực hiện. Dám đẩy mình về phía trước mới biết bản thân có thể đi bao xa.
4. Tinh thần không tốt, mỗi ngày ép mình ăn vận thật đẹp, ra ngoài đi đây đi đó, vận động nhiều hơn, gặp nhiều người hơn, nghe những câu chuyện khác nhau, ăn những món trước giờ chưa thử.
Dưới hoàn cảnh thúc ép bản thân này, cơ hội chuyển mình xuất hiện lúc nào không hay. Dần dần bạn sẽ nhận ra thay đổi nghịch cảnh không khó, khó ở chỗ bạn đối mặt thế nào với cuộc đời trong những lúc đen tối như vậy.
Một khi nếm được vị ngọt của việc ép bản thân phải cố gắng, tâm tình của bạn cũng sẽ tốt hơn, lạc quan và tích cực hơn. Nhờ vậy, bạn có thể kiểm soát bản thân, tầm nhìn thoáng đãng, nhìn thấy nhiều cơ hội phía trước.
5. Mỗi ngày dành 1-2 giờ đồng hồ để hoàn thành việc quan trọng, những chuyện còn lại có thể xếp phía sau. Muốn ngày tháng trôi qua có giá trị, bạn phải rõ ràng việc quan trọng mỗi ngày cần làm.
Không lướt điện thoại, bớt nói chuyện thị phi vô bổ, dành thời gian để đọc sách, nâng cao năng lực, bạn đã hơn rất nhiều người ngoài kia.
6. Kiên trì 30 ngày thay đổi một thói quen.
Đừng cố gắng thay đổi nhiều thói quen cùng lúc, như vậy sẽ chỉ khiến bạn thêm áp lực và khó khăn hơn mà thôi, thậm chí còn dễ dàng bỏ cuộc. Cần tỉnh táo rằng thay đổi thói quen xấu của một người và tiếp nhận thói quen tốt mới đều cần thời gian, sự kiên trì. Và khoảng thời gian để thay đổi này thường là 30 ngày. Không tin, bạn hãy thử xem!
7. Đừng quan tâm đến cách nghĩ của người khác về bản thân.
Bất kể người nào, đặc biệt là những người không thân quen, họ chèn ép bạn, cố tình xem thường bạn, khiến bạn mất vui, hoặc chỉ là ghen tức bạn… đều không đáng để bạn quan tâm.
Càng để ý, càng rước mệt vào người, bạn sẽ càng kém hạnh phúc. Bởi lẽ cuộc sống này, bạn không thể thỏa mãn tất cả mọi người. Lòng người xấu xí nhất là khi họ không thể nhìn thấy bạn sống tốt hơn họ.