Lạ lùng nghề thử trà trong khách sạn 5 sao tại Hồng Kông: Tiết lộ của chuyên gia sẽ khiến bạn phải thốt lên "Thưởng trà cũng là cả một nghệ thuật!”
Nhu cầu uống trà ngày càng trở nên phổ biến, đến mức nhiều nhà hàng phải thuê các chuyên gia thử trà về để làm một việc duy nhất: nếm và tư vấn cho khách hàng cách uống trà.
Sommelier là thuật ngữ được sử dụng trong ngành khách sạn - nhà hàng, nhằm để chỉ những chuyên gia nếm thử và tư vấn rượu cho khách hàng trong bữa tối. Thế nhưng, ở Hồng Kông, thuật ngữ này lại đi kèm với một thứ đồ uống hoàn toàn khác biệt: trà.
Kelvin Ng Chi-chuen là nhân viên của một nhà hàng Trung Quốc tại khách sạn InterContinental Hong Kong. Công việc hàng ngày của anh là hướng dẫn khách hàng chọn trà phù hợp với đồ ăn của họ. Sở hữu vốn hiểu biết phong phú về loại thức uống này, Kelvin không bao giờ đi đâu mà không tự mang theo lá trà, kể cả khi đi ăn ở nhà hàng Trung Quốc.
“Dĩ nhiên là chẳng ai thích điều này. Thế nhưng, tôi sẽ nói: ‘Gia đình tôi đã quen dùng loại trà này. Vì vậy, hãy cho tôi xin ít nước nóng.’ Thường tôi chỉ làm điều này khi đến các nhà hàng gần nhà, quen thuộc. Họ biết tôi thích gì.”
Giống như nhiều người Trung Quốc yêu trà khác, Kelvin có bộ ấm chén và khay riêng có rãnh thoát nước ở đáy. Khi anh rửa bộ ấm chén với nước nóng trước khi pha trà, nước dư sẽ thoát ra bằng những cái rãnh này. Thậm chí, chuyên gia thử trà này còn có một bộ ấm chén tương tự với kích thước bé hơn để dễ dàng mang theo khi di chuyển.
Kelvin Ng là chuyên gia thử trà tại nhà hàng Yan Toh Heen ở Hồng Kông.
Công việc chuyên nghiệp bắt đầu từ một thói quen
Mới hơn 30 tuổi nhưng Kelvin đã là chuyên gia thử trà tại nhà hàng Yan Toh Heen của khách sạn InterContinental từ tháng 4/2014. Hiện tại, anh thường đi khắp các cửa hàng trà ở Hồng Kông để tìm nguồn cung mới, viết menu giới thiệu trà tại nhà hàng và tư vấn đồ uống cho các thực khách.
Kelvin có được công việc này bởi ngày càng có nhiều người hứng thú với việc uống trà, kể cả ở Mỹ. Thậm chí ngay tại triển lãm cà phê đặc biệt mang tên Coffee Fest, người ta cũng bày tỏ sự thích thú với trà. Theo hãng nghiên cứu thị trường Euromonitor International, “số người thích uống trà giờ không hề kém cạnh so với số người thích cà phê.” Từ năm 1990 đến năm 2014, thị trường trà tại Mỹ đã tăng trưởng thêm 2 tỷ USD lên mức 10 tỷ USD, theo Hiệp hội Trà của Mỹ cho biết.
Không phải lúc nào người ta cũng thích trà, ngay cả Kelvin trước đây cũng vậy. Hồi bé, thức uống ưa thích của anh là nước ngọt có ga.
“Nếu một đứa trẻ nói rằng nó thích trà Phổ Nhĩ, nó đang nói dối. Trẻ con ai cũng thích đồ ngọt,” Kelvin cho biết. “Khi cả nhà đi ăn tối, tôi luôn muốn uống nước ngọt có ga, nhưng bà và cha mẹ tôi cho rằng nó có hại cho sức khỏe. Vì vậy, tôi chỉ có thể uống trà. Đó là lựa chọn duy nhất của tôi. Nếu ngoan, tôi sẽ được mua đồ chơi.”
“Mặc dù lúc đó tôi chẳng thích trà, tôi vẫn nghĩ đó là một trải nghiệm tốt cho mình. Nhưng sự thật là tôi không hề thích trà cho tới khi tôi bắt đầu đi làm.”
Kelvin bỏ học từ cấp 2 để đi làm kiếm tiền nuôi gia đình. Cha anh - trụ cột chính của gia đình - bị ốm nặng. Trước khi làm việc tại InterContinental, anh từng là nhân viên văn phòng và phục vụ bàn tại nhà hàng. Thế nhưng, phải đến 15 năm sau, anh mới thực sự hứng thú với trà. Hôm ấy, vì quá bực bội với công việc ở cơ quan, Kelvin đã quyết định uống một tách trà Phổ Nhĩ đựng trong chiếc ấm của bà.
“Cảm giác lúc ấy rất chân thật. Lần đầu tiên tôi thực sự muốn uống trà.”
Trải nghiệm ấy đã khiến Kelvin bình tâm trở lại. Kể từ lúc đó, anh luôn dành từ 1-2 tiếng/tuần để thưởng trà.
Nhu cầu uống trà của thực khách đang ngày càng tăng cao, mở ra cơ hội nghề nghiệp cho các chuyên gia thử trà.
Chuyên gia thử trà - người hoàn thiện bữa ăn của thực khách
Ban đầu, Kelvin làm bồi bàn ở Yan Toh Heen. Tuy nhiên, những người quản lý nhận thấy anh thích và uống trà rất nhiều. Vì vậy, họ đã yêu cầu anh quản lý bộ sưu tập trà của nhà hàng và giao cho anh làm người thử trà.
Nhà hàng này có một bộ sưu tập trà khá đa dạng. Trà bình thường chỉ tốn khoảng 24 HKD (tương đương 70.000 đồng), nhưng trà Trung Quốc thượng hạng có giá lên tới 100 HKD/người (khoảng 300.000 đồng). Nếu đó là trà đen Phổ Nhĩ 53 năm tuổi, giá thậm chí còn lên đến 328 HKD (gần 1 triệu đồng). Kelvin cho biết, năm nào anh cũng mua lá trà Phổ Nhĩ (mỗi bánh đủ pha 30-50 ấm). Hiện tại, anh có cả trăm bánh ở nhà. Những dòng trà cao cấp nhất có thể tìm mua được tại TWG Tea - cửa hàng trà thượng hạng được mở ra vào một vài năm trước.
Kelvin không phải là chuyên gia thử trà duy nhất ở Hồng Kông. Kate Chang Lok-ki, 27 tuổi, là trợ lý trưởng nhóm bồi bàn tại nhà hàng Palm Court của khách sạn The Langham Hong Kong. Cô trở thành chuyên gia thử trà nhờ khóa huấn luyện vào tháng 8 năm ngoái, sau khi đã học hết về các loại trà và kỹ thuật pha nhằm đem đến hương vị ngon nhất.
Là một chuyên gia thử trà, nhiệm vụ của Kate là giúp đỡ thực khách tìm ra loại trà phù hợp với khẩu vị và bữa ăn của họ. Chẳng hạn, với món tráng miệng quá ngọt, cô thường gợi ý trà đỏ với hương vị nồng nàn như một cách để làm sạch vị giác.
Kate thừa nhận rằng cô không biết nhiều về trà lắm trước khi tham gia khóa huấn luyện, dù giờ đây cô cũng đã khá thích thức uống này. Tuy nhiên, cô sẽ vẫn uống trà đóng chai sẵn trong cửa hàng tiện lợi nếu không còn cách nào khác. Giống như Kelvin, Kate cho biết khóa huấn luyện đã làm thay đổi thói quen của cô: nếu trà không đủ nóng, cô ấy sẽ xin một tách khác.
Sau khóa huấn luyện, Kate Chang đã trở thành một chuyên gia thử trà chuyên nghiệp.
Thưởng trà cũng là một nghệ thuật
Lá trà nguyên vẹn uống bao giờ cũng ngon hơn lá trà vụn.
Nghệ nhân trà người Mỹ - Jay Hunter - cho biết, những lá trà vụn này thường được xử lý và sấy công nghiệp. Trái lại, những búp trà nguyên vẹn phải được xử lý bằng tay và vì thế cho hương vị ngon hơn.
Đối với loại trà Phổ Nhĩ, nước thứ hai và ba luôn là ngon nhất.
Chuyên gia thử trà Kelvin Ng hay giải thích cho con trai 8 tuổi của mình: “Pha trà cũng giống như cuộc đời: Ta leo lên đỉnh rồi lại đi xuống phía cuối con đường.” Nước trà đầu bao giờ cũng tươi mới, thoang thoảng mùi vị. Nước trà thứ hai đậm đà hơn, nồng nàn hơn. Nước trà thứ ba sẽ đem đến hương vị tuyệt vời nhất mà bạn từng được thử. Đến nước trà thứ tư, thứ năm, hương thơm đã bắt đầu phai dần.
Bên cạnh đó, Kelvin cũng cho biết, kết hợp trà cũng giống như kết hợp rượu vậy. Những món khai vị như sứa, cá hấp, hay tôm sẽ đi với các vị trà nhẹ (trà trắng, trà shoumei, hay trà xanh). Các món thịt, cay hoặc nhiều vị, thường đi kèm với các loại trà nồng hơn, như trà Phổ Nhĩ và trà Iron Buddha, bởi chúng sẽ giúp đốt cháy mỡ và giảm đầy bụng. Đối với các món tráng miệng, các loại trà ngọt, thơm mùi hoa sẽ được sử dụng như trà hoa cúc hay trà hoa lan. Theo Kelvin, cũng giống như rượu tráng miệng, trà tráng miệng thường ngọt và thơm mùi hoa quả.
(Theo SCMP)