Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 phát triển năng lực và định hướng nghề nghiệp
PGS.TS Chu Cẩm Thơ, Trưởng ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục, Viện KHGDVN, chia sẻ quan điểm liên quan đến Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.
Trong đó nhấn mạnh đến các yếu tố: Tính kế thừa, phát huy năng lực và bảo đảm định hướng nghề nghiệp.
Thay đổi đáp ứng chương trình mới và bối cảnh xã hội
- Năm 2025, lứa học sinh (HS) đầu tiên học Chương trình GDPT 2018 tốt nghiệp THPT. Theo PGS, Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 cần có những thay đổi như thế nào cho phù hợp?
- PGS.TS Chu Cẩm Thơ (Trưởng ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam): Chương trình GDPT 2018 được ban hành năm 2018 và bắt đầu thực hiện từ năm 2020 với mục tiêu giúp HS làm chủ kiến thức phổ thông, biết vận dụng hiệu quả nội dung, kỹ năng đã học vào đời sống và tự học suốt đời. HS có định hướng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp; biết xây dựng và phát triển hài hòa các mối quan hệ xã hội; có cá tính, nhân cách và đời sống tâm hồn phong phú…
Trong triển khai Chương trình, ngành GD-ĐT đang hướng đến thực tiễn dạy và học chất lượng, học thật, thi thật. Chúng ta cũng biết, đánh giá nói chung, các kỳ thi - đặc biệt là các kỳ thi lớn như tốt nghiệp THPT - có ảnh hưởng trực tiếp đến mục tiêu học tập của HS, cách dạy của giáo viên và nhiều yếu tố khác. Hơn nữa, mục đích của Kỳ thi tốt nghiệp THPT là đánh giá kết quả học tập của người học để xét tốt nghiệp đạt mục tiêu của chương trình giáo dục.
Chính vì vậy, khi chương trình giáo dục thay đổi, bối cảnh xã hội thay đổi thì Kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng phải thay đổi. Thay đổi để đảm bảo: Đánh giá được mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt theo Chương trình GDPT 2018 đối với người học; gắn kết quá trình dạy và học, nâng cao chất lượng dạy học; kế thừa và ứng dụng tốt sự phát triển của khoa học, công nghệ, ưu điểm của các phương thức tổ chức thi…
Sự thay đổi của kỳ thi nên hướng tới: Đánh giá HS tốt nghiệp THPT bảo đảm tính xác thực, toàn diện yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực, gắn kết quá trình học tập và thi cuối cấp học theo Chương trình GDPT 2018. Kỳ thi phải góp phần nâng cao chất lượng dạy và học, tăng độ tin cậy vào quá trình học tập. Tổ chức kỳ thi cần khoa học, linh hoạt để ứng dụng được những tiến bộ của thời đại như công nghệ thông tin (CNTT), chuẩn hóa câu hỏi, đề thi… phù hợp với điều kiện học tập, sinh sống của HS.
Hướng đến sự phân hóa
- Đổi mới GDPT chuyển từ việc nặng về truyền thụ kiến thức sang chú trọng phát triển phẩm chất, năng lực người học. Vậy, theo PGS, làm sao để kỳ thi thực hiện được yêu cầu này?
- Chương trình GDPT 2018 nói riêng, mục tiêu giáo dục và phát triển con người của Việt Nam nói chung chú trọng phát triển phẩm chất, năng lực người học. Chính vì vậy, không thể chỉ dựa vào thành tích, kết quả cuối cùng để đánh giá HS.
Chúng ta có thể nhận ra, trong chỉ đạo thực hiện của Bộ GD&ĐT cùng sự nỗ lực không ngừng của toàn ngành Giáo dục đang tập trung vào thay đổi nhận thức của nhà giáo, HS, người dân về mục tiêu giáo dục mới; đồng thời thay đổi phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá, các điều kiện học tập…
Giờ đây, HS được tăng cường trải nghiệm, có cơ hội lựa chọn môn học; tiếp cận với phương thức học tập đa dạng (trực tuyến, trực tiếp, sử dụng công nghệ…). Chính vì thế, hy vọng về Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 chắc chắn tập trung ở việc: Làm thế nào để đánh giá được năng lực của người học một cách hiện đại, công bằng, có giá trị bền vững.
Để làm được điều đó, việc xét tốt nghiệp bao gồm kết quả quá trình học tập, thi cuối cấp học (thông qua kỳ thi) thay vì chỉ tập trung vào kết quả thi tốt nghiệp. Đánh giá kết quả học các môn văn hóa được chọn trong kỳ thi chỉ là một phần, còn lại cần thể hiện được quá trình học tập xuyên suốt cấp THPT của người học.
Tiếp đến, kỳ thi phải hướng đến sự phân hóa phù hợp với lựa chọn môn học mà người học đã chọn. Điều này có ý nghĩa định hướng sự phát triển của cá nhân và phân luồng học tập, kết nối với quá trình lập thân, lập nghiệp của HS.
- Yêu cầu định hướng nghề nghiệp cần được đặt ra như thế nào trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Yêu cầu này cần cụ thể hóa thế nào?
- Thực tế định hướng nghề nghiệp là một yêu cầu của giáo dục, được thống nhất triển khai trong toàn bộ chương trình chứ không chỉ bắt đầu thực hiện ở THPT. Ở THPT, việc định hướng được chú trọng hơn, bằng việc quy định HS học theo các môn lựa chọn, phù hợp với định hướng nghề nghiệp của từng em. Do đó, thi tốt nghiệp THPT nói riêng, xét tốt nghiệp THPT nói chung, theo tôi chắc chắn phải thể hiện được yêu cầu này.
Cụ thể, kỳ thi nên có các môn thi phù hợp với sự lựa chọn của thí sinh và gắn kết với quá trình tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp sau này. Với năng lực của ngành hiện nay, chúng ta có thể xây dựng được ngân hàng với kiểu câu hỏi đa dạng để đánh giá được năng lực sát với môn học. Linh hoạt tổ chức các đợt thi có sự phân quyền cho trường học - địa phương ở phạm vi nhất định. Đồng thời, làm tốt việc kết nối hệ thống kỳ thi cuối cấp và quá trình học tập được thể hiện trong học bạ mới có thể đảm bảo định hướng nghề nghiệp có ý nghĩa với việc học của HS.
Tăng ứng dụng công nghệ
- Yêu cầu ứng dụng CNTT đang đặt ra ngày càng mạnh mẽ với giáo dục. Vậy với Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, việc ứng dụng CNTT cần được tăng cường ra sao để đáp ứng được yêu cầu, xu thế, đặc biệt khi ChatGPT có ảnh hưởng lớn như hiện nay?
- Đến năm 2025, chúng ta khó có thể biết có bao nhiêu phần mềm phổ dụng, ưu việt sẽ ra đời, tác động mạnh mẽ đến giáo dục, có khi hơn cả những gì ChatGPT mang lại. Hơn nữa, thời điểm này, chúng ta không thể phủ nhận HS đã có năng lực công nghệ khá tốt ở phạm vi nào đó. HS được học tập với các nền tảng công nghệ nên thành thạo trong thao tác và khai thác được dữ liệu trên Internet…
Chuyển đổi số cũng trở thành nhiệm vụ quan trọng của Chính phủ. Ngành GD-ĐT đã thực hiện Quyết định 131/QĐ-TTg để từng bước chuyển đổi số thành công, trong đó có ứng dụng CNTT trong đánh giá, trong tổ chức các kỳ thi, tuyển sinh. Tôi cho rằng, đây là tiền đề để đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong Kỳ thi tốt nghiệp 2025 và về sau.
Chúng ta có thể tổ chức cuộc thi trên máy tính; tổ chức nhiều điểm thi, đợt thi mà vẫn đảm bảo an toàn, công bằng. Chúng ta có thể xây dựng ngân hàng câu hỏi, tự luận, trắc nghiệm với nhiều kiểu câu… để đảm bảo kỳ thi chuẩn hóa, sẵn sàng cho sự phân cấp trong tổ chức mà vẫn đảm bảo chất lượng.
Với CNTT, quản lý dữ liệu lớn không chỉ của kỳ thi mà cả quá trình học tập theo thời gian thực, từ đó chúng ta đánh giá được chất lượng dạy học ở mỗi lớp học, trường học, địa phương. Điều này rất ý nghĩa trong việc giám sát chất lượng toàn bộ quá trình dạy học trên phạm vi quốc gia.
- Xin cảm ơn PGS!