Kỳ bí hoang sơ tu viện “đồng trinh” tại Sapa

Giang Hoàng, nguồn ảnh aFamily.vn,
Chia sẻ

Giữa núi cao, sương lạnh, mây mù, những bức tường đá bỏ mặc cho rêu phủ khiến người ta thấy bồi hồi xao xuyến.

Trên con đường quanh co tìm vào bản Tả Phìn (Sapa, Lào Cai) để tắm thuốc lá người Dao “chính hiệu”, bất chợt thấy nhô cao trên đỉnh dốc một công trình kiến trúc đá đồ sộ giữa mây núi. Tu viện Tả Phìn giờ chỉ còn những bức tường đá xám lạnh, không mái che, không cửa giả.

Cuối năm 1942, 12 nữ tu theo lối khổ hạnh, thuộc dòng Nữ tu của Hội Thánh Ki tô cải giáo, những người “chẳng có gì ngoài sứ mạng truyền giáo và cứu rỗi sám hối”, bị trục xuất ra khỏi Nhật Bản. Tám người trong số họ và một thầy dòng khác tình nguyện xin được ở lại Á Châu tiếp tục truyền đạo. Đại sứ Pháp tại Nhật đã xin cho họ được đến vùng Lào Cai tiếp tục truyền đạo.

Quan toàn quyền Bắc Kỳ khi đó ký một khế ước chuẩn y việc cấp cho đoàn nữ tu khu đất bỏ hoang cạnh Trạm nghiên cứu giống cây ăn quả Tả Phìn. Tháng 11/1942, đoàn nữ tu lên đến Lào Cai và được bố trí ở trong một căn nhà gỗ “tồi tàn và chẳng có lấy một tiện nghi nào” mỗi người trong số họ “chẳng có một cái gì cả ngoài bộ quần áo đang mặc trên người”.

Viên đá đầu tiên của công trình xây dựng Tu viện Nữ, “đồng trinh hoà bình”, dòng khổ hạnh Hội thánh Ki tô ở Tà Phìn được xây vào ngày 08 tháng 10 năm 1942. Nhưng người ta chỉ xây một phía, phần còn lại của tu viện mà sau khi xây xong sẽ “đón khoảng 100 bà xơ, phước và các con tân chiên mới tu hành” đã chẳng bao giờ được xây cả.

Năm 1945, do tình hình an ninh bất ổn, đoàn nữ tu đã vội vã di tản về Hà Nội, bỏ lại tu viện bị đốt phá hoang tàn. Tu viện đã bị bỏ hoang hơn nửa thế kỷ đã, nay chỉ còn những màng tưởng rêu phong nhưng vẫn đẹp kì bí với những đường nét mang đậm phong cách kiến trúc thời thuộc Pháp.

Tòa tu viện bỏ hoang nằm giữa núi đồi.


Một kiến trúc cổ của phương Tây được xây dựng trên vùng cao này từ cuối thế kỉ 19.

Đây từng là nơi tu hành của 12 nữ tu theo lối khổ hạnh thuộc dòng
Nữ tu của Hội thánh Kitô cải giáo sinh hoạt truyền đạo.

Năm 1945, đoàn nữ tu rời về Hà Nội, tu viện vì thế mà bị bỏ hoang
 thành phế tích cho đến ngày nay.


Tu viện có nhiều cửa, mỗi loại cửa lại có hình dáng khác nhau,
 lúc hình vòm, lúc hình chữ nhật.

Trải qua thời gian, mái tu viện đã không còn nên nhìn thấu cả bầu trời.


Sự bề thế và những nét kiến trúc độc đáo mà thời gian không thể xoá nhòa.
Những đường nét cổ kính, trầm mặc, rêu phong...

 

...là điểm nhấn thu hút du khách dừng chân chụp ảnh.

Lối cổng vòm mang đậm phong cách kiến trúc Pháp.


Mỗi bờ tường, viên gạch… đều mang đậm dấu ấn thời gian.
 
Tường thành bên ngoài là lớp đá thạch rắn chắc, đi sâu vào bên trong, du khách sẽ thấy các mảng tường, ô cửa sổ rêu phong từng lớp nhưng vẫn kiên cố và chắc chắn. Hầu như du khách nào cũng muốn chạm tay vào gạch, vào lớp rêu phong để cảm nhận sự cổ kính của tu viện.
 
Nhiều bạn trẻ chuẩn bị kết hôn còn hành trình lên tận đây để chụp ảnh cưới nhằm ghi lại một khoảnh khắc đẹp đáng nhớ.
Chia sẻ