KTS Trần Quang Trung - người đứng sau thiết kế nhà hàng phố cổ vừa được Bộ trưởng Mỹ ghé thăm: "Hạnh phúc lớn nhất là thấy mọi người tận hưởng không gian mà mình tạo ra"

BÀI: THU PHƯƠNG - THIẾT KẾ: HÀ LINH,
Chia sẻ

“Quan niệm trong thiết kế của tôi là không chỉ đem lại những không gian đẹp về mặt hình ảnh, để mọi người check-in nhiều, mà chúng còn phải đáp ứng được về mặt trải nghiệm”.

Là một người đã có gần 20 năm làm việc và học tập trong lĩnh vực Kiến trúc, KTS Trần Quang Trung đã trải qua nhiều giai đoạn khác nhau trên chặng đường của một kiến trúc sư. Trong suốt quá trình đó, anh không ngừng thay đổi bản thân, sẵn sàng trải nghiệm ở nhiều phong cách thiết kế khác nhau. Có thể kể tới như các khách sạn, khu nghỉ dưỡng, nhà hàng và cả các công trình nhà ở... Trong số đó, nhiều dự án đã xuất sắc đạt được những giải thưởng kiến trúc uy tín quốc tế. Và có nhà hàng Chapter Dining & Grill vừa được Bộ trưởng Tài chính Mỹ và các cộng sự của mình lựa chọn là nơi dùng bữa đầu tiên trong chuyến thăm Việt Nam.

Hiện nay không chỉ là một kiến trúc sư đơn thuần, anh Trung còn kết hợp kiến thức trong cả những dự án kinh doanh, hướng tới một sự đồng nhất hiệu quả giữa kiến trúc và vận hành. Ngoài ra, anh cũng tự sáng lập ra công ty kiến trúc của riêng mình.

Profile KTS Trần Quang Trung:

- Họ tên: Trần Quang Trung

- Năm sinh: 1987

- 2006 - 2011: Học tại Đại học Kiến trúc Hà Nội, tốt nghiệp Cử nhân Kiến trúc

- 2017 - 2018: Làm việc tại Bitexco Group, vị trí Giám đốc dự án

- 2018 - nay: Làm việc tại Baumschlager Eberle

Architekten (Úc), văn phòng tại Hà Nội, vị trí Giám đốc thiết kế nội thất

- 2018 - nay: Nhà đồng sáng lập Công ty Cổ phần The Mansions Vietnam

- 2021 - nay: Nhà sáng lập Công ty Kiến trúc MARS Architects

- Các dự án đã tham gia: Eastin Hotel & Residences Hà Nội, Movenpick Hotel & Resort Phú Quốc, Novotel & Seatower Quy Nhơn, Pullman Hotel Quảng Bình, The Mansion Hội An,, Nhà hàng Chapter Dining and Grill Hà Nội,...

- Các Giải thưởng: BCI Asia Awards 2019 cho Eastin Hotel & Residences Hà Nội; LIV Hospitality Design Awards 2021 cho Nhà hàng Chapter Dining & Grill

KTS Trần Quang Trung - người đứng sau thiết kế nhà hàng phố cổ vừa được Bộ trưởng Mỹ ghé thăm: "Hạnh phúc lớn nhất là thấy mọi người tận hưởng không gian mà mình tạo ra" - Ảnh 2.

KTS Trần Quang Trung nhận giải thưởng BCI Asia Awards 2019 cho Eastin Hotel & Residences Hà Nội (Ảnh NVCC)

Không chỉ là một bản vẽ, thiết kế còn thể hiện tinh thần và cả một câu chuyện

Là một người đi lên theo hướng đào tạo bài bản, chuyên nghiệp, cử nhân Đại học Kiến trúc, vậy theo anh Trung, đâu là niềm cảm hứng cho một người kiến trúc sư khi bắt đầu làm nghề?

Tôi nghĩ mỗi người lại có một niềm cảm hứng khác nhau. Đối với tôi, ngay từ khi đã có khoảng thời gian quan sát mô hình kinh doanh của một thương hiệu, tôi đã tự đặt câu hỏi rằng làm thế nào để qua kiến trúc, có thể nói lên hoặc thể hiện rõ bản sắc của một thương hiệu? Vô hình chung, tôi đã hướng đến việc kinh doanh trong quá trình làm nghề kiến trúc sư. Vì vậy, trong các dự án kinh doanh, vận hành, các kiến thức về kiến trúc sẽ được áp dụng đồng thời để dự án đó vận hành một cách hiệu quả, trải nghiệm tốt hơn và thể hiện tính cách, bản sắc thương hiệu một cách rõ nét hơn.

Ví dụ như nhà hàng Chapter Dining & Grill Chân Cầm, Hà Nội, là dự án nhà hàng tôi và các cộng sự đã rất tâm huyết. Ở nhà hàng này, 2 yếu tố là thiết kế không gian và chất lượng ẩm thực đều được cân bằng và đồng nhất. Cụ thể, không gian nhà hàng được thiết kế dựa trên tôn chỉ ẩm thực: Sáng tạo, chân thành, hướng tới sự nguyên bản và phải truyền tải được tinh thần, tính cách của bếp trưởng Quang Dũng và thương hiệu Chapter. An ninh nhà hàng cũng được tính toán chặt chẽ từ khi thiết kế với định hướng muốn khách hàng có trải nghiệm trên cả sự hài lòng và riêng tư. Đó là sự an toàn, và yên tâm.

Nhà hàng Chapter Dining & Grill Chân Cầm, Hà Nội

KTS Trần Quang Trung - người đứng sau thiết kế nhà hàng phố cổ vừa được Bộ trưởng Mỹ ghé thăm: "Hạnh phúc lớn nhất là thấy mọi người tận hưởng không gian mà mình tạo ra" - Ảnh 6.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ đến dùng bữa tại nhà hàng Chapter Dining & Grill Chân Cầm hôm 19/7 vừa qua

Thiết kế của nhà hàng được sử dụng các vật liệu tự nhiên, mộc mạc như những tấm sắt gỉ hay gỗ thô, mảng đá sần nguyên khối, thép corten được uốn cong với nhiều hình thù khác nhau. Mặt tiền của nhà hàng cũng đặc biệt được tạo nên bởi các thanh thép uốn cong nhiều lớp, sau đó đến lớp kính tạo nên mặt bảo vệ 2 lớp chặt chẽ.

Mỗi lần ghé thăm nơi này, thực khách lại một lần được cảm nhận "sự chuyển mình" mang nhiều tầng ẩn ý riêng biệt, tuy nhiên vẫn vô cùng chân thành, gần gũi và ấm áp. Dù khách hàng đi theo nhóm, theo cặp hay đi một mình, trải nghiệm của họ vẫn phải hoàn hảo và đồng nhất. Cũng có lẽ vì những lý do này, cùng với những món ăn nên nhà hàng đã may mắn được Bộ trưởng Tài chính Mỹ cùng các cộng sự của mình khen ngợi sau khi dùng bữa.

Hoặc trong các công trình khách sạn, khu nghỉ dưỡng tôi đã làm cũng vậy, nó phải phù hợp với khách hàng sẽ trải nghiệm không gian đó, nơi họ thoải mái tận hưởng. Khiến khách hàng hiểu được câu chuyện và tinh thần của công trình là câu chuyện khó nhất và quan trọng nhất trong thiết kế.

KTS Trần Quang Trung - người đứng sau thiết kế nhà hàng phố cổ vừa được Bộ trưởng Mỹ ghé thăm: "Hạnh phúc lớn nhất là thấy mọi người tận hưởng không gian mà mình tạo ra" - Ảnh 7.

Đã trải qua rất nhiều công trình với đa dạng phong cách thiết kế khác nhau, vậy đâu là những công trình anh Trung tâm đắc nhất?

Nếu nói về 3 công trình tôi đã thực hiện và cảm thấy tâm đắc nhất, thì có 3 dự án, trong đó 2 cái đã đạt được giải thưởng quốc tế là Nhà hàng Chapter Dining & Grill và Khách sạn Eastin Hotel & Residences Hà Nội. Tuy nhà hàng Chapter cũng là dự án tôi tham gia kinh doanh, nhưng nếu nhớ nhất chính là dự án kinh doanh đầu tiên của tôi, căn villa nghỉ dưỡng The Mansion Hội An.

The Mansion Hội An giống như một dấu mốc đánh dấu lần đầu tiên tôi bỏ tiền đầu tư thực hiện, tự lên ý tưởng thiết kế, quản lý thiết kế rồi tự tay tham gia vào từng công đoạn một dù chỉ là nhỏ nhất.

Mọi thứ bắt đầu vào năm 2018. Thời gian đó tôi vẫn còn đang đi làm cho công ty khác bên ngoài. Sau 1 tuần hành chính, thứ 6 tôi sẽ xách vali lên công ty để tan sở là bay luôn vào Hội An để theo sát dự án, kiểm soát quá trình sát sao. Từ Hội An tôi lại đi Tam Kỳ, đi Đà Nẵng, đi đến những nơi để thu thập được những nguyên vật liệu mà phù hợp với ý tưởng của mình nhất.

Câu chuyện đằng sau The Mansion Hội An tôi muốn truyền tải là về một thương nhân nước ngoài tên là Alex đến Hội An và kết hôn với một phụ nữ nơi đây. Sau đó họ sinh con đẻ cái và sống hạnh phúc trong một mái ấm thật sự. Vì vậy tất cả mọi thứ từ nước sơn, cái bàn, cái ghế, các họa tiết hay hoa văn cũng phải đều phù hợp với ý tưởng và câu chuyện đó. Chính tên các căn phòng ở The Mansion Hội An cũng được đặt theo tên các thành viên trong gia đình Alex.

Căn villa nghỉ dưỡng The Mansion Hội An

Anh có thể kể thêm một vài kỷ niệm trong công cuộc "đi khắp nơi để tìm nguyên vật liệu" cho The Mansion Hội An được không và tại sao lại cần kỳ công đến vậy?

Có những thứ đi mua sẵn không thể đáp ứng được những yêu cầu về mặt hình thức cũng như chất lượng mà bản thân người kiến trúc sư là tôi cần. Ví dụ như từ những cái cây rất nhỏ thôi, những bụi xương rồng mà tôi mong muốn ở The Mansion Hội An phải trông "thật" nhất, chúng phải có sự "trải đời", sự sương gió nhất định. Và thế là tôi đã phải đi đến những vùng biển, đến Tam Kỳ để tự tay chọn, xin phép và đào những cây xương rồng ở bờ biển, được trải qua cái nắng, cái gió, thân mình đầy bụi cát, để mang về Hội An.

Hay màu cam, màu sơn chủ đạo, rất đặc trưng trong toàn bộ không gian công trình. Mọi người nhìn vào sẽ nghĩ là nó rất đơn giản thôi, chọn màu cam rồi sơn lên là được. Nhưng thực ra tôi đã phải làm không dưới 20 lần cho nước sơn hoàn chỉnh hiện tại, để sao cho ra được màu cam đẹp và nổi bật trong mọi hoàn cảnh và mọi khung hình. Toàn bộ tranh trong công trình tôi cũng phải tự mình tìm khắp nơi để mua, từ những họa sĩ nổi tiếng và mang đúng tinh thần vốn có của The Mansion Hội An.

Tổng thời gian thai nghén và bắt tay vào xây dựng của cả công trình này là hơn 1 năm, trong đó là 6 tháng lên ý tưởng và 8 tháng thi công. Nói tóm lại, một người kiến trúc sư sẽ cần sự tâm huyết tuyệt đối với công trình của mình để đem lại một thành quả hoàn hảo nhất.

KTS Trần Quang Trung - người đứng sau thiết kế nhà hàng phố cổ vừa được Bộ trưởng Mỹ ghé thăm: "Hạnh phúc lớn nhất là thấy mọi người tận hưởng không gian mà mình tạo ra" - Ảnh 12.

Phần thưởng lớn nhất với người kiến trúc sư là chứng kiến mọi người tận hưởng không gian mình tạo ra

Theo kinh nghiệm của riêng cá nhân anh, việc liên tục thử sức với các phong cách thiết kế khác nhau có khó hay không? Nó đem lại cho người kiến trúc sư điều gì?

Bảo là không khó thì nghe thật vô lý. Ngược lại, việc này rất khó là đằng khác. Trải nghiệm nhiều phong cách thiết kế khác nhau đồng nghĩa với việc người kiến trúc sư phải tìm hiểu một lượng kiến thức khá lớn, thậm chí là tự mình tới, ở trong những công trình mang phong cách mà mình muốn thực hiện. Phải đầu tư thời gian và đôi khi là cả tiền bạc nữa.

Các kiến thức từ các phong cách khác nhau mà kiến trúc sư phải tìm hiểu bao gồm từ lịch sử hình thành phát triển, hình thái kiến trúc, kể cả những tỷ lệ, chi tiết rất nhỏ hay văn hóa ẩm thực, đặc điểm thời tiết, phong cách sống... Tất cả những thứ đó người kiến trúc sư phải nắm vững thì mới cho ra được đúng linh hồn và cái tinh thần của phong cách mà anh ta đang muốn hướng tới.

Ngoài ra còn phải linh động thay đổi những thứ mình học được, tìm hiểu được sao cho phù hợp với bối cảnh, khu vực, nơi mà công trình của mình tọa lạc. Ví dụ như những thứ bạn học được ở châu Âu, khi đem về Hội An, về Quy Nhơn, về Hà Nội..., cũng phải linh hoạt để thay đổi sao cho phù hợp với từng nơi. Cuối cùng là cho ra một công trình hoàn chỉnh vừa đáp ứng được công năng sử dụng, vừa vẫn mang được cái không khí, cái phong cách mà mình mong muốn, lại vừa tôn trọng những giá trị vốn có của địa phương.

Có thể nói nó sẽ giống như thuật ngữ "fusion" trong ẩm thực. Tức là đem nhiều thứ từ nhiều văn hóa kết hợp lại với nhau, nhưng vẫn tạo nên một tổng thể hòa hợp và ấn tượng. Trong thiết kế cũng vậy.

Đổi lại trải qua tất cả khó khăn đó, người kiến trúc sư sẽ có thêm rất nhiều kiến thức và kinh nghiệm hơn, phục vụ cả cho quá trình làm nghề sau này.

KTS Trần Quang Trung - người đứng sau thiết kế nhà hàng phố cổ vừa được Bộ trưởng Mỹ ghé thăm: "Hạnh phúc lớn nhất là thấy mọi người tận hưởng không gian mà mình tạo ra" - Ảnh 13.

Anh Trung có nhắc đến việc các kiến trúc sư muốn đa dạng hóa phong cách thì cũng nên đi trải nghiệm nhiều hơn, anh có thể nói thêm về phần này không?

Như tôi đã nói thì một công trình hoàn chỉnh được tạo nên từ rất nhiều yếu tố. Vì vậy, đôi khi yêu cầu kiến trúc sư cần việc trực tiếp trải nghiệm.Người kiến trúc sư nên xem, nên đọc và nghiên cứu xem mình cần những thông tin như thế nào, cần quan tâm những gì trước khi trải nghiệm..

Việc này giúp kiến trúc sư nắm được tổng thể về thiết kế và giúp chính họ dễ dàng hình dung xem thiết kế của mình sẽ được sử dụng với công năng như thế nào, nó cần truyền tải được cảm giác gì. Lúc đó, kiến trúc sư có thể trả lời câu hỏi một công trình thành công và được đón nhận sẽ bao hàm các yếu tố nào. Điều quan trọng nhất là quan sát gần như mọi thứ tác động đến hành trình trải nghiệm của người sử dụng. Từ đó sẽ làm rõ hơn tinh thần của thiết kế và câu chuyện mà chủ nhân muốn truyền tải.

Eastin Hotel & Residences Hà Nội

Sau những giải thưởng anh đã đạt được, anh nghĩ đây đã phải là đích đến, thành tựu lớn nhất mà 1 người kiến trúc cần đạt được trong đời? Nếu không thì nó là gì?

Đối với tôi thì giải thưởng là một cái gì đó ghi nhận cho quá trình làm việc của mình, chứ nó không hẳn là một đích đến cuối cùng. Giống như việc đỗ đại học, bạn sẽ vui mừng trong khoảnh khắc ấy, nhưng sau đó bạn vẫn không ngừng học tập, rèn luyện, trau dồi thêm kiến thức và để tiếp tục cống hiến. Nghề kiến trúc sư cũng vậy, nó sẽ không có điểm dừng kể cả khi bạn đã đạt được nhiều giải thưởng đến thế nào.

Quan niệm trong thiết kế của tôi là không chỉ đem lại những không gian đẹp về mặt hình ảnh, để mọi người check-in nhiều, mà chúng còn phải đáp ứng được về mặt trải nghiệm. Tôi thích cái cách mọi người được thoải mái nhất, được tận hưởng không gian đó kể cả là khi họ có đi một mình.

Từ phần thiết kế với việc treo những bức tranh thế nào, cài đặt hệ thống chiếu sáng, hương thơm trong không gian, và cả âm thanh.. cho đến tinh thần của thương hiệu , đều là những yếu tố sẽ giúp thiết kế kể câu chuyện của nó.. Khi mọi người cảm nhận được trọn vẹn toàn bộ bầu không khí và tinh thần do mình thiết kế i, thì đó là niềm hạnh phúc và cũng chính là phần thưởng lớn nhất đối với tôi trong nghề.

KTS Trần Quang Trung - người đứng sau thiết kế nhà hàng phố cổ vừa được Bộ trưởng Mỹ ghé thăm: "Hạnh phúc lớn nhất là thấy mọi người tận hưởng không gian mà mình tạo ra" - Ảnh 17.

Rất cảm ơn anh Trung về buổi trò chuyện và chúc anh sẽ thành công trong những dự định sắp tới!

KTS Trần Quang Trung - người đứng sau thiết kế nhà hàng phố cổ vừa được Bộ trưởng Mỹ ghé thăm: "Hạnh phúc lớn nhất là thấy mọi người tận hưởng không gian mà mình tạo ra" - Ảnh 18.

Chia sẻ